Tết im tiếng bom miền Bắc 40 năm trước

07-02-2013 15:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

Năm ấy là năm 1973, cách đây chẵn 40 năm. Những thế hệ sinh sau không thể tưởng tượng được niềm hân hoan cực độ của người dân Hà Nội ăn “Tết hòa bình” đầu tiên sau gần chục năm sống trong trạng thái tinh thần căng thẳng.

Năm ấy là năm 1973, cách đây chẵn 40 năm. Những thế hệ sinh sau không thể tưởng tượng được niềm hân hoan cực độ của người dân Hà Nội ăn “Tết hòa bình” đầu tiên sau gần chục năm sống trong trạng thái tinh thần căng thẳng. Suốt ngày đêm luôn nghe tiếng còi báo động của đài: “Máy bay địch cách Hà Nội... cây số!”. Đang ngủ cũng phải chạy ra hầm, có khi vội quá chỉ kịp chui xuống gầm giường để nhỡ trần nhà sụp. Ấy là nói về những người ở lại thành phố vì công vụ, còn số đông đã đi sơ tán, nơi sơ tán cũng bị đe dọa không kém. Sơ tán, gia đình phân tán, có khi bố công tác một nơi, mẹ công tác một nơi, các con một nơi, ăn uống kham khổ, đi lại thăm nhau là cuộc phiêu lưu thường xuyên. Đặc biệt, dưới những trận mưa bom của Pháo đài bay B52, không ít người cho là mình khó mà sống sót.

Tết im tiếng bom miền Bắc 40 năm trước 1
Tết năm 1972 tại Hà Nội. Ảnh do ông Jean Marc Gravier, nhân viên mật mã Phái đoàn của chính phủ Cộng hòa Pháp cung cấp.

Người ta khó tin là Mỹ chịu ngừng ném bom miền Bắc. Ấy thế mà đùng một cái, giấc mơ ấy đã được Hiệp định Paris 1973 biến thành sự thực, đúng vào thời điểm Tết. Nhà sử học Mỹ David Marr có nhận xét tinh tế: “Có những sự kiện lịch sử quốc gia hệ trọng in dấu ấn vào trí nhớ từng cá nhân công dân đương thời, hầu như chuyện riêng của họ, vì họ không phải chỉ là chứng nhân mà còn là tác nhân của lịch sử”. David Marr lấy thí dụ đối với người Mỹ thì có mấy sự kiện như: Vụ Nhật oanh tạc Trân Châu Cảng năm 1941, vụ ám sát Tổng thống Kennedy năm 1963. Đối với Việt Nam, ông dẫn chứng Cách mạng Tháng Tám.

Ta có thể kể thêm Tết 1973 đối với thế hệ Việt Nam nay ngoài tuổi 60. Nghệ sĩ và dịch giả George Burchett là con nhà báo Úc nổi danh Wilfred Burchett. Anh cho là cha anh “có tài đưa những thể nghiệm của người thường dân vào những sự kiện chính trị lớn. Hiệp định Paris có một ý nghĩa vĩ đại, vậy mà cha anh lại nói lên ý nghĩa của nó dưới góc độ ứng xử của người Hà Nội sơ tán và ăn Tết hòa bình”.

Tết im tiếng bom miền Bắc 40 năm trước 2
Hà Nội 1972 - Hố bom trong sân bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh tư liệu). 

Xin trích dịch đoạn văn nhà báo Wilfred Burchett ghi lại không khí Tết Hà Nội 1973 để các bạn già sống lại và các bạn trẻ biết thêm về một thời kỳ lịch sử của cha ông:

“Tôi đặt chân xuống sân bay dân sự Gia Lâm. Tường nhà có những lỗ hổng kinh khủng, có những mái lộ thiên và cửa sổ không cánh. Những bạn mà tôi ngỡ đã chết trong “cuộc oanh tạc Kissinger” thì đã có mặt ở đây, cầm hoa đón tôi. Suốt dọc đường từ sân bay về, xe chúng tôi luôn phải giảm tốc độ vì những đoàn xe kỳ quặc: xe tải nhà binh, xe ngựa, xe bò kéo, xe kéo tay và xe đẩy bởi đủ loại người, chất đầy giường tủ, bàn ghế đồ đạc của mỗi gia đình người Việt, người già và trẻ con ngồi trên đống đồ hoặc xen vào giữa. Len lỏi giữa những xe cộ tạp nham ấy, đàn ông, đàn bà đạp xe, đèo trẻ con ngồi trước hay sau xe. Đa số là dân tản cư trở về. Ngừng ném bom phía Bắc vĩ tuyến 17 đã được hơn một tháng, nhưng súng cao xạ vẫn còn bố trí hai bên đường, chứng tỏ là không ai tin vào sự cam kết của Mỹ. Báo và đài trước đó chỉ đưa tin dè dặt là có khả năng ký kết hòa bình. Thế cũng đủ khiến cho người ta lũ lượt kéo về từ khắp nơi.

Tết im tiếng bom miền Bắc 40 năm trước 3
Chợ hoa Hàng Lược, Hà Nội (1968). Bộ đội về phép đi mua cành đào. (Ảnh tư liệu)

Gia Lâm ở bờ Bắc sông Hồng chỉ còn là đống gạch vụn, xưởng sửa chữa xe lửa biến thành đống sắt quằn quại và mái nhà sập, để lộ những mảng toa tàu gỉ nát. Hè phố đầy rác rưởi, qua cửa những ngôi nhà còn lại chỉ thấy toàn đồ vứt đi, xe chúng tôi rập rình qua mấy chiếc cầu phao trước khi qua cầu Long Biên, có một nhịp bị bom rơi xuống sông được thay bằng nhịp mới, thép còn ánh xanh. Xe bắt đầu vào thành phố mới thấy sự nhộn nhịp và sức sống mãnh liệt, phố phường sạch sẽ trật tự, khác hẳn cảnh tượng tàn phá thê thảm trên đường từ sân bay về. Tôi đến Hà Nội vào mấy ngày giáp Tết hòa bình, một cái Tết mà ai đã dự sẽ không quên được. Tết vui như là lễ Noel và lễ mừng năm mới phối hợp, thời điểm hội tụ gia đình, ước mơ và tính toán cho tân niên, ăn chơi tùy theo quỹ gia đình. Sáng hôm sau, tôi đi thăm những phố hẹp quanh chợ Đồng Xuân, thấy chật ních người đi sắm Tết, hoa đủ màu, đặc biệt là cành đào và quất với quả như những bóng đèn nhỏ, hai loài cây trang trí cơ bản. Chưa bao giờ tôi thấy Hà Nội lại tập hợp được từng ấy hoa, cá vàng trong các bình thủy tinh tròn, hoa giấy, đèn lồng, tràng pháo đủ mọi màu sắc và tươi vui. Các gian hàng ở chợ chất đống rau, quả, bánh chưng, kẹo mứt, đặc sản Tết. Chẳng mấy chốc, phố đã đông chật người, khó mà đi xe đạp được. Số đông thanh niên nam nữ mặc quân phục xanh và đội mũ ngụy trang lá của quân đội nhân dân. Nhưng cũng có hàng nghìn gia đình vừa hội tụ, trẻ con ngất ngưởng trên vai bố mẹ, mặt bừng bừng như đào và quất hai bên hè.

Bỗng có tiếng trống ếch và chũm chọe nổi lên, đám đông giãn ra để đón một xe tải đi qua, từ trên xe ngờm ngợp cờ đỏ sao vàng. Các thanh niên đưa báo mới ra buổi sớm. Báo với những chữ đầu cột đỏ chói báo tin là Hiệp định Hòa bình đã được ký. Xe đi chậm như rùa, luôn luôn ngừng để đưa báo cho hàng trăm bàn tay, khách đi sắm Tết ngừng lại đôi phút để đọc cái tin được mong đợi mà nay lại chưa dám tin là sự thật. Hiệp định Paris đã được ký 12 giờ trước đó, nhưng đã có quá nhiều lần hy vọng bị tiêu tan, nên báo và đài đợi phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khẳng định mới đưa tin.

Trong khi các xe cam nhông lớn nhỏ tương tự đi khắp các phố buôn bán thông báo tin vui thì hệ thống đài (mà trong 8 năm vừa qua chỉ báo động và báo yên) liên tục kể những điều khoản chủ yếu của Hiệp định, giải thích ý nghĩa của chúng, thỉnh thoảng xen những bài ca Cách mạng. Ở các ngã tư lớn, hàng núi báo buổi sớm bán hết veo, người bán phải vất vả lắm mới không nhầm lẫn người mua trước, kẻ mua sau.

Ba ngày Tết là niềm vui tột độ. Làn sóng người sơ tán trở về như sóng bể. Chưa bao giờ người Hà Nội có lý do thiết thực hơn để vui mừng trong dịp Tết như Tết này! Cái Tết mong chờ bao năm đã mang lại cơ hội sum họp cho vô vàn gia đình. Vợ chồng cùng công tác trong một thành phố mà do nơi sơ tán của hai cơ quan cách nhau quá xa, nay mới được gần nhau do cơ quan dọn về nơi ở cũ!

Hiệp định Paris là món quà Tết sáng giá nhất mà người Việt Nam có  thể mong ước thời điểm đó”.
 
Còn ngày toàn thắng, thống nhất đất nước lại phải ráng chờ thêm đôi chút: Ngày 30 tháng 4  năm 1975 lịch sử.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc


Ý kiến của bạn