Đoàn kết vượt khó
Những ngày mùa thu lịch sử, ước vọng về những vụ mùa bội thu đang hiển hiện trên khuôn mặt từng người ở nơi nắng gió và nhọc nhằn này. Gần trọn đời sống bên Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, già làng Thao Lanh chiêm nghiệm: Có đoàn kết, yêu thương và học hỏi lẫn nhau thì không sợ bất cứ điều gì cả. Xưa kia, phần lớn là rừng rậm và đường mòn, nhiều vách núi còn hiểm trở. Việc sống nhờ đi rừng kiếm những chiếc lá, cái quả và thậm chí cả những thân cây dại. Nước uống thì múc ngay dưới những con sông tự nhiên. Rồi tiếp nữa, để phong phú thêm cho nguồn sống, họ đi hái những thứ hoang dại, bẫy con nhím, bắt con sóc, con heo rừng nơi mặt đất. Tất cả mọi thứ đều có từ tự nhiên, sinh ra và mọc lên từ tự nhiên.
Các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn được gìn giữ.
Khi cuộc sống đổi thay, người dân từ các làng: Đăk Mế; Tà Ka; Iêc đến làng Măng Tôn, làng Ngọc Hải (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) vật lộn với cuộc “cách mạng” mới - đó là trồng lúa rẫy, là dùng kỹ thuật mới. Xông xáo trong cách vận động bà con giữ nếp sống nghĩa tình, ông Thao Lợi (làng Đăk Mế) bộc bạch: Mỗi dịp Quốc khánh 2/9 đối với cộng đồng các dân tộc ở đây rất đặc biệt. Đó là lúc xích lại gần nhau nhất, nhắc nhở nhau phải gắn bó, đua nhau tiến bộ, giữ vững văn hóa truyền thống. Mới cách đây độ hơn chục năm, học cách trồng lúa kiểu mới cũng rất vất vả. Rồi dần dần, nhà nhà trồng, tập tành gieo hạt, bón phân, vạch con mương lấy nước... Chẳng mấy chốc, một màu xanh bạt ngàn trải ra, niềm khát khao và hy vọng trỗi dậy.
Không chỉ quanh trong xã, trong làng, người xã Pờ Y còn hăm hở đến các xã lân cận, xuống tận thành phố Kon Tum để trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau phát triển. Bây giờ, không còn ai đói nữa rồi. Không chỉ có lúa rẫy mà còn biết nuôi bò nhốt chuồng, nuôi bò kiểu trang trại. “Năm 2020, mình cũng biết phòng bệnh cho bò, biết nuôi chuyên nghiệp như người Kinh rồi, thích lắm, bò ít bệnh. Trước đây, cứ nghĩ phải bám vào thiên nhiên để lấy những sản vật tự nhiên mới có thể sống được. Giờ, nhìn đâu cũng thấy bò, từ phía xa xa cho đến ngay trước mặt, từ buôn này qua buôn kia nên ấm no, sung túc luôn hiện hữu”, anh Thao Tung chia sẻ.
Xem những thành quả đã đạt được là động lực cho những bước chuyển biến mới, tốt đẹp hơn, ông Nguyễn Duy Cường - Chủ tịch UBND xã Pờ Y tự tin: Tư duy thay đổi nên cộng đồng các khu dân cư dần thay đổi, nhà kiên cố nhiều lên. Tết Độc lập này, niềm vui như được nhân đôi khi xã đã được tỉnh Kon Tum công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 366/QĐ-UBND. Ngoài bắt nhịp chăn nuôi, làm rẫy giỏi, vùng biên giới này còn sôi động với các hoạt động múa cồng chiêng, đốt lửa trại, văn hóa văn nghệ.
Tại khu định cư, nhà đã kiên cố.
Như một gia đình
Đất lành như níu chân người ở lại. Vậy nên, từ xã Đà Bắc (Hòa Bình, anh Xa Văn Khoa cùng nhiều người thân lăn lộn qua bao vùng đất ở Tây Nguyên rồi cuối cùng chọn thôn Bắc Phong (xã Pờ Y) làm quê hương thứ hai của mình. Khoa bảo rằng: Thôn này chủ yếu người Mường nhưng yêu mến các dân tộc tại chỗ như anh em trong một đại gia đình. Xưa, cứ nghĩ đến miền biên giới là xa xôi, hẻo lánh, là rừng thiêng, nước độc nhưng đến rồi mới biết cứ cần mẫn lao động rồi ấm no, sung túc sẽ đến với mình. Từ đường sá, trường học, công sở, nhà văn hóa... khang trang chẳng thua gì thị trấn.
Nhiều siêu thị mọc lên ở vùng biên viễn Bờ Y.
Cảm nhận rõ nét về những đổi thay của quê hương, đất nước, nhiều già làng ở Pờ Y thổn thức chia sẻ rằng: Tết Độc lập này ai cũng mừng rơn, cứ màn đêm buông xuống sau những giờ làm việc nhọc nhằn trên rẫy là đua nhau tập hát múa cồng chiêng. Đó là ngày hội lớn, những già làng như chúng tôi một lòng hứa sẽ giúp từng người B’râu, người Mường và các dân tộc khác giữ gìn bản sắc văn hóa của mình. Đồng thời học hỏi những điều tốt đẹp khác trong xã, trong huyện, thậm chí cả các nước bên kia biên giới. Cứ ngày rảnh, người có uy tín lại đến từng nhà giảng giải cho nhau hiểu muốn ấm cái bụng, muốn vui cái làng thì các gia đình, dòng họ phải gắn kết với nhau.
Một mùa rẫy nữa lại đang nảy mầm xanh bạt ngàn. Đêm đến, tiếng chiêng Tha cất lên rộn rã. Chiêng Tha là báu vật, là máu thịt của người B’râu ở làng Đăk Mế. Đã có đợt người ta lùng sục mua với giá mấy con bò một chiếc chiêng quý nhưng không ai bán cả. Mất chiêng quý là mất cả linh hồn người B’râu. Bởi sự tôn quý này nên người B’râu chỉ dùng chiêng Tha trong các dịp lễ trọng đại như: Tết, Quốc khánh, cưới hỏi, hội làng...
Ngày càng đông khách quốc tế đến thăm vùng biên, nhất là dịp Quốc khánh.
Theo các già làng ở Pờ Y, người B’râu hiện còn khoảng 10 bộ chiêng Tha. Mỗi bộ có hai chiếc: chiêng trống (Jơliêng) và chiêng mái (Chuar). Nhìn những tốp thanh niên đang vừa gõ chiêng vừa hát xoong, anh Xa Văn Khoa thích thú: Cái hay là người bản địa và người từ nơi khác di cư đến cùng trao đổi được các đặc sản của mình. Chúng tôi có thể mang điệu hát người Mường giao lưu cùng điệu chiêng người B’râu. Ở vùng đất này không còn nạn tảo hôn nữa. Bây giờ được xem tivi, được các cán bộ tuyên truyền những cái văn minh nên cuộc sống đổi mới lắm rồi, lớp trẻ tiến bộ biết xem việc học chữ là hành trang cho tương lai.
Theo đánh giá của UBND xã Pờ Y, không chỉ đậm đà văn hóa mà mọi mặt của đời sống đều đổi thay tích cực. Từ chỗ canh tác lạc hậu, đến nay, trồng trọt đã đạt năng suất đến 46tạ/ha. Diện tích trồng cây hàng năm đạt trên 1.160ha. Diện tích trồng cây lâu năm trên 3.000ha. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân đảm bảo trực trạm 24/24h, các ổ dịch được khống chế ngay. Thường xuyên giám sát dịch bệnh tại các thôn. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi, tiêm viêm não Nhật Bản mũi 1, mũi 2, mũi 3 cho trẻ từ 2-3 tuổi, phụ nữ có thai trong địa bàn. Tuyên truyền phòng chống bệnh lao, bệnh sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh dại, HIV/AIDS, phòng bệnh tay chân miệng được làm rầm rộ và linh hoạt.
Cùng với đó, chất lượng dạy và học trên địa bàn được chú trọng; duy trì phổ cập giáo dục 3 cấp (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở). Mỗi dịp Quốc khánh, xã đều tổ chức thành công phong trào thể dục thể thao văn hóa, văn nghệ thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Để tăng cường kết nối với nước bạn, xã còn thường xuyên thành lập đoàn tổ chức thăm, chúc Tết bản Phu Cưa, kết hợp khảo sát bản Phu Nhang, cụm bản Xổm Bun, huyện Phu Vông, tỉnh Attapư (Lào). Qua công tác kết nghĩa và các đợt qua lại thăm, tình cảm cán bộ và nhân dân hai bên biên giới ngày một tốt hơn và thắm tình hữu nghị. Kịp thời thông tin trao đổi các vụ việc xảy ra hai bên biên giới, hỗ trợ nhau trong sản xuất nông nghiệp, có biện pháp xử lý thỏa đáng, đúng quy định để cùng nhau vươn lên cuộc sống văn minh, giàu đẹp.