Với Phan Minh Nhật Tân (sinh năm 1995, TP. Hồ Chí Minh), là bác sĩ điều trị khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện Quân y 175 hiện đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan thì Tết Nguyên đán Giáp Thìn thật đặc biệt. Lần đầu tiên anh cùng đồng đội đón một cái Tết ở bên kia bán cầu, lần đầu không được quây quần bên gia đình, người thân, bạn bè. Nhưng với anh và tất cả "chiến sĩ mũ nồi xanh" Việt Nam tại Nam Sudan mỗi sớm mai thức dậy được nhìn thấy hình ảnh lá cờ Tổ quốc thiêng liêng bay phấp phới phía trước dãy nhà là động lực để thực thi tốt nhất nhiệm vụ để ngày nào cũng là Tết.
Nhật Tân chia sẻ, bản thân cảm thấy vô cùng may mắn và tự hào khi được lựa chọn trở thành "chiến sĩ mũ nồi xanh" làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Với nam bác sĩ 9X của Bệnh viện Quân y 175 thì thanh xuân phải biết thử sức, cống hiến và hi sinh cho cho người dân, cho Tổ quốc và gom nhặt cho tâm hồn mình những dấu ấn thật đặc biệt.
Nói về hành trình trở thành một bác sĩ quân y, Nhật Tân bật mí: "Từ hồi còn học lớp 7, lớp 8, tôi rất thích xem những bộ phim về y học, hành trình cứu chữa bệnh nhân của các bác sĩ và trong lòng luôn cảm thấy thật ngưỡng mộ, cảm phục, thậm chí "rất ngầu". Có lẽ, chính những hình ảnh ấy đã "ăn vào máu" nên luôn mong ước được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng".
Với ước mơ, hoài bão đó, anh đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình nên khi học xong cấp 3 đã quyết tâm để thi đậu vào Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) và theo học ngành Y đa khoa suốt 6 năm trời. Đến năm 2019 cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp cũng đúng thời điểm Bệnh viện Quân y 175 có một nhiệm sở tuyển dụng những bác sĩ dân sự vào làm việc, và may mắn được trao cơ hội để Nhật Tân công tác tại bệnh viện từ 2019. Tại đây, anh bắt đầu công việc là một bác sĩ tại Khoa hồi sức cấp cứu 1 năm theo chủ trương của bệnh viện và sau đó được luân chuyển về khoa Phục hồi chức năng.
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, cam go nhất tại TP. Hồ Chí Minh thì anh cùng đồng đội dốc sức mình để chống dịch tại Trung tâm hồi sức COVID-19 của bệnh viện. Và sau này anh được cử tham gia huấn luyện đào tạo lực lượng dự bị, chuyển ngạch sĩ quan và lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ tháng 7/2023 đến tháng 10/2024.
Chia sẻ về cơ duyên khi lên đường làm nhiệm vụ quan trọng và đầy tự hào này, Nhật Tân cho hay: "Năm 2018 tôi có tiễn em họ lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và hình ảnh đó đã ăn sâu vào trái tim khi hiểu rằng, đó không chỉ là niềm tự hào của cá nhân mà mang trên vai cả sứ mệnh mà Tổ quốc giao phó".
Và suốt thời gian dài trực tiếp chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh, Nhật Tân nhận thấy rằng, đã quá nhiều lần chứng kiến sự mong manh của sự sống và cái chết nên bản thân đều trân trọng sự sống, hòa bình và lạc quan. Có lẽ, những điều đó đã thôi thúc anh được cống hiến vì sứ mệnh hòa bình và lên đường làm nhiệm vụ.
Tại Nam Sudan, Phan Minh Nhật Tân hiện là nhân viên hành chính phòng tác chiến Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5. Anh cho biết, thời gian đầu mới sang Nam Sudan do lệch múi giờ, đồ ăn không hợp nên sụt luôn 5-6kg.
Anh cũng chia sẻ, do đây là nhiệm kỳ thứ 5 của Bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan nên cơ sở vật chất không còn quá thiếu thốn, khó khăn. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hạn chế như: mạng kém; phải sử dụng thực phẩm đông lạnh; thiếu rau xanh... nhưng với Bệnh viện dã chiến thì điều kiện trên đã quá đầy đủ.
Nam bác sĩ trẻ cho rằng, dù khó khăn đến mấy nhưng luôn cảm thấy may mắn khi bản thân được thử sức nhiều vai trò tại phòng tác chiến chứ không chỉ chuyên môn. Bản thân anh được tiếp xúc với nhiều người đến từ nhiều quốc gia, khu vực, giúp trau dồi kỹ năng mềm. Anh tâm sự: "Từ một người không sẵn sàng bước ra khỏi "vùng an toàn" của bản thân thì hiện tại tôi đã dám bứt phá, chịu khó trải nghiệm, học hỏi và nỗ lực hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Dù không biết ngày mai thế nào nhưng hôm nay, tôi luôn cố gắng, nỗ lực để cống hiến hết mình".
Nói về nhiệm vụ cụ thể, Nhật Tân cho hay: "Chúng tôi luôn nhắc nhở mình phải cố gắng hết 200% khả năng để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ". Anh cũng bật mí, từ khi làm nhiệm vụ tới nay, dù chỉ có 63 người tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 nhưng đã thăm khám cho hàng nghìn bệnh nhân, cứu chữa gần 200 người dân.
Trong đó, bản thân anh cũng như nhiều đồng đội khác đã thực hiện 6 ca MEDEVAC vận chuyển bệnh nhân bằng đường hàng không, trong đó có 1 ca nhồi máu cơ tim rất nguy kịch. Nam bác sĩ trẻ bộc bạch, để thực hiện được những ca MEDEVAC như vậy đòi hỏi sự hiệp đồng, đoàn kết, phối hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ giữa các khoa, ban và phòng tác chiến, không được xảy ra sai sót để đảm bảo cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân. Trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, thuốc thang, dụng cụ y tế, địa hình, khí hậu,... như vậy thì đúng là chỉ có sự đồng lòng cố gắng của cả tập thể mới giúp vượt qua khó khăn và cứu chữa kịp thời, thành công cho bệnh nhân, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
Anh nghẹn ngào chia sẻ: "Điều thôi thúc tôi thức dậy mỗi ngày, tập thể dục, cố gắng rèn luyện để thực hiện tốt các nhiệm vụ có lẽ chính là được nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng treo trên nóc container bay phấp phới. Bởi mỗi người khi lên đường đều mang mục tiêu, hoài bão riêng nên cần phải nỗ lực, phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ và an toàn trở về".
Giữa xứ người, anh và đồng đội cảm nhận rõ rằng, càng xa quê hương, càng chứng kiến nhiều sự mất mát đau thương, mình càng quý trọng sự sống, và nền hoà bình biết bao. Vì vậy, Nhật Tân và đồng đội đều luôn khao khát, nỗ lực lan tỏa tinh thần Việt Nam - tinh thần yêu chuộng hoà bình, sẵn sàng giúp đỡ đến bạn bè quốc tế. Đó là sứ mệnh cao đẹp trên vai những "chiến sĩ mũ nồi xanh".
Chắc hẳn khi đặt chân lên chuyến bay dài từ Việt Nam đến Nam Sudan cảm xúc của nam bác sĩ trẻ cùng đồng đội đã trải qua nhiều cung bậc khác nhau. Và đó cũng là một trong những hình ảnh của tuổi trẻ, của thanh xuân mà có lẽ chẳng bao giờ quên. Nhiều người thường nói, thanh xuân chẳng bao giờ trở lại, mỗi người có thể tự tô vẽ cho tuổi trẻ những gam màu tươi tắn trong bức tranh cuộc đời đầy sắc màu, thi vị để cuộc đời thêm ý nghĩa.
Những ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này, với tất cả "chiến sĩ mũ nồi xanh" đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đều có nhiều cảm xúc. Dù xa Tổ quốc, xa người thân nhưng tất cả đều hướng trái tim về mảnh đất hình chữ S thân thương. Đón Tết cổ truyền tại Nam Sudan cũng thật đặc biệt, 28 Tết cũng mổ heo, gói bánh chưng, dựng cây nêu, bày mâm ngũ quả, bánh mứt… Bởi ai cũng xa nhà, nhớ Tết cổ truyền nên lãnh đạo quan tâm tới đời sống tinh thần một cách tốt nhất.
"Trước Tết có chuyến bay chở nguyên liệu, thực phẩm, đồ dùng, trong đó có nhiều loại thực phẩm, đồ phục vụ để đồng đội đón Tết như: lá dong, gạo nếp, đồ trang trí, bánh kẹo…", Phan Minh Nhật Tân kể.
Chia sẻ nỗi nhớ nhà, nhớ Tết với chúng tôi trong thời khắc thiêng liêng của năm mới, Phan Minh Nhật Tân nói: "Từ 27-28 Âm lịch hằng năm gia đình tôi đã tất bật chuẩn bị sắm Tết. Dù cuộc sống tất bật đến mấy thì năm nào gia đình tôi cũng dành thời gian quây quần gói bánh chưng. Nghĩ tới xa nhà cũng chạnh lòng lắm bởi ai cũng sẽ nhớ nhà, nhớ người thân, gia đình dịp Tết. Năm mới, con kính chúc ông bà, bố mẹ, chúc anh chị em ai ai cũng có thật nhiều sức khoẻ, niềm vui ".
Các "chiến sĩ mũ nồi xanh" đón Tết tại Nam Sudan.
Dù Tết chẳng thể quây quần gia đình, chẳng chạy tới chạy lui qua họ hàng chúc Tết nhưng với các chiến sĩ là cùng nhau trang trí khung cảnh tại Bệnh viện dã chiến bằng cánh hoa lụa, cùng diện chiếc áo dài Việt Nam, trao cho nhau chiếc lì xì đỏ thắm quen thuộc và cùng nở nụ cười hạnh phúc. Đó là Tết đoàn viên của "chiến sĩ mũ nồi xanh".