Hà Nội

Tết của người lái xe cứu thương: Chở mùa xuân, đem yêu thương

26-01-2025 18:57 | Xã hội
google news

SKĐS - Không kể thời gian, lái xe cứu thương bền bỉ đi qua từng con phố, cung đường đồng hành cùng thầy thuốc cứu người.

Áp lực mang tên "thời gian"

Với người làm tài xế xe cấp cứu, mỗi cuộc gọi là một tín hiệu khẩn cấp, đòi hỏi họ phải ngay lập tức sẵn sàng lên đường, bất kể đó là lúc nửa đêm, sáng sớm, hay trên các cung đường xa gần. 

Mỗi cuộc gọi đến không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là cuộc đua với thời gian, với hy vọng đêm lại điều tốt đẹp cho người bệnh. Dù vậy, đằng sau tay lái vững vàng ấy là những câu chuyện về niềm vui, nỗi buồn và cả những hi sinh âm thầm mà ít ai biết tới.

Tết của người lái xe cứu thương: Chở mùa xuân, đem yêu thương - Ảnh 1.

Xe cấp cứu sẵn sàng lên đường cấp cứu bệnh nhân.

Cuối năm, PV Báo Sức khỏe và Đời sống có dịp gặp gỡ thành viên của Tổ xe cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Dù thời gian không nhiều, nhưng cuộc trò chuyện với họ đã để lại nhiều ấn tượng về công việc và tinh thần cống hiến của những người lái xe cứu thương. 

Tết của người lái xe cứu thương: Chở mùa xuân, đem yêu thương - Ảnh 2.
Tết của người lái xe cứu thương: Chở mùa xuân, đem yêu thương - Ảnh 3.
Tết của người lái xe cứu thương: Chở mùa xuân, đem yêu thương - Ảnh 4.

Những chuyến xe cấp cứu vào những ngày cuối năm.

Chia sẻ với PV, anh Bế Ích Chất (37 tuổi, quê Cao Bằng), Tổ xe cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Tưởng chừng công việc này nhàm chán, khô khan nhưng gắn bó hơn 15 năm qua, tôi thấy đây là một công việc nhiều tình người”.

Theo anh Chất, khi ở bệnh viện, sinh mạng của bệnh nhân phụ thuộc vào đội ngũ y, bác sĩ. Còn khi di chuyển trên đường, sự sống của của người bệnh phụ thuộc không ít vào người lái xe cấp cứu, đến bệnh viện nhanh đôi khi chỉ một phút thôi cũng có thể cứu sống một mạng người.

“Áp lực lớn nhất trong nghề là tốc độ và an toàn. Chúng tôi phải cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhanh nhất có thể nhưng đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm”, anh Chất cho hay.

Với những trường hợp bệnh nhân chấn thương nặng, anh Chất luôn lái xe thận trọng giảm xóc nhất có thể, giảm cảm giác đau đớn cho người bệnh. Nhưng đôi lúc, việc tắc đường hay điều kiện giao thông không thuận lợi khiến gia đình bệnh nhân tỏ ra khó chịu. Anh Chất nói: “Dù áp lực, tôi vẫn luôn cố gắng thông cảm và tập trung vào nhiệm vụ, bởi tôi hiểu rằng họ chỉ đang lo lắng cho người thân của mình”.

Tết của người lái xe cứu thương: Chở mùa xuân, đem yêu thương - Ảnh 5.

Tài xế Chất trong lúc làm nhiệm vụ lái xe cứu thương.

Nhớ lại chuyến xe định mệnh đưa thai phụ cấp cứu sau tai nạn giao thông, anh Chất xúc động: "Tôi sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc hôm đó. Thai phụ khoảng 31 - 32 tuần tuổi gặp tai nạn, sau khi các bác sĩ thực hiện ca mổ khẩn cấp cứu mẹ, thai nhi được chuyển ngay sang Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, do tắc đường vào giờ cao điểm, tôi đành phải di chuyển ngược chiều. Các điều dưỡng, y tá vội vàng mở cửa xe, vẫy tay xin nhường đường... Dù vậy, cháu bé không thể qua khỏi".

Áp lực là vậy, nhưng anh Chất luôn cảm thấy may mắn bởi bạn đời của anh cũng công tác trong ngành y tế nên luôn bên cạnh thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ những vất vả với anh trong công việc và cuộc sống.

Còn tài xế Nguyễn Ngọc Anh (Hà Nội) bén duyên với nghề lái xe cứu thương tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ 5 năm nay. Trong một chuyến xe, anh Ngọc Anh chia sẻ: “Mỗi lần chở bệnh nhân, cảm xúc của chúng tôi đều lẫn lộn. Bên trong chiếc xe đặc biệt ấy, cùng với bác sĩ, điều dưỡng, người lái xe cũng căng thẳng và đầy áp lực trong cuộc chiến chạy đua với bệnh tật, tử thần…".

Đối với anh, phần thưởng lớn nhất chính là sự biết ơn từ bệnh nhân và người nhà. “Những lời cảm ơn là động lực để tôi tiếp tục làm công việc này,” anh nói.

Tết của người lái xe cứu thương: Chở mùa xuân, đem yêu thương - Ảnh 6.

Tài xế Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ về công việc lái xe cấp cứu.

Dù Tết năm nay trực hai ngày nhưng anh luôn lạc quan: “Tôi đã chọn nghề này, nên hiểu rằng ngày lễ hay ngày thường đều như nhau. Điều quan trọng nhất là giúp bệnh nhân giành lại sự sống”.

Tết như mọi ngày...

Trong phòng trực của đội lái xe cấp cứu, anh Lưu Quang Tuân, Tổ trưởng Tổ xe cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với 30 năm kinh nghiệm khẳng định: “Làm nghề này, chúng tôi không có khái niệm giờ làm việc cố định. Chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại vang lên, tất cả đều sẵn sàng nhanh nhất”.

Anh Tuân kể, đôi khi các chuyến xe không chỉ mang ý nghĩa cứu người mà còn là những lần chở nhiều nỗi niềm. “Có lần, tôi và đồng nghiệp đưa bệnh nhân từ Hà Nội về Đà Nẵng, đến nơi biết gia đình nghèo, căn nhà trống trải, tôi cũng day dứt mãi. Dù không dư dả, chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ họ một chút, dù là nhỏ nhoi”.

Anh cũng nhớ những đêm giao thừa trên xe cứu thương, ăn Tết cùng đồng nghiệp và bệnh nhân ngay giữa ca trực. “Với chúng tôi, Tết cũng như ngày thường, bởi tính mạng bệnh nhân luôn là ưu tiên số một” - nam tài xế chia sẻ.

Tết của người lái xe cứu thương: Chở mùa xuân, đem yêu thương - Ảnh 7.

Anh Lưu Quang Tuân, Tổ trưởng Tổ xe cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: "Tết cũng như ngày thường, bởi tính mạng bệnh nhân luôn là ưu tiên số một".

Công việc lái xe cứu thương không chỉ đòi hỏi kỹ năng, kiên nhẫn mà cần lòng trắc ẩn. Họ là những người làm việc trong thầm lặng, không mong vinh danh, chỉ mong mỗi chuyến xe an toàn đến bệnh viện nhanh nhất là giúp thêm một cuộc đời.

Dù không ít lần phải đối mặt với nguy hiểm, khó khăn hay những áp lực vô hình, nhưng các tài xế xe cứu thương vẫn luôn sẵn sàng lên đường bất cứ khi nào cần. Họ chính là những mắt xích góp phần giữ lại sự sống và hy vọng cho người bệnh. 

Dịp lễ, Tết, những người tài xế xe cứu thương tiếp tục đồng hành cùng thầy thuốc trên từng cung đường. Mỗi chuyến xe an toàn, kịp thời gian là niềm vui của họ được nhân lên.

Ấm lòng bệnh nhân khi phải đón Tết ở bệnh việnẤm lòng bệnh nhân khi phải đón Tết ở bệnh viện

SKĐS - Tết là dịp đoàn viên của mọi gia đình nhưng vẫn còn những trường hợp không may mắn phải điều trị trong bệnh viện. Thấu hiểu điều này, các y bác sĩ, mạnh thường quân ở Khánh Hòa đã kịp thời động viên, chia sẻ để bệnh nhân an tâm điều trị, đón Tết trong bệnh viện.


Đan Tâm
Ý kiến của bạn