Tôi cho rằng người Việt sinh sống ở nước ngoài chỉ có thể cô đơn vào dịp Giáng sinh, khi nước họ nhộn nhịp náo nức đón dịp nghỉ lễ và quần tụ gia đình, lúc ấy mình thấy mình thừa ra và cảm thấy lạc lõng. Chứ mà ngày Tết Nguyên đán, người xứ họ vẫn đi làm bình thường thì đâu có cảm giác ấy. Song, rất nhiều người Việt ở nước ngoài cũng chia sẻ với tôi cảm giác này, cái cảm giác cứ đến Tết Nguyên đán là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trong lòng họ lại rộn lên, hệt một phản xạ có điều kiện.
Tôi có cô bạn lấy chồng Mỹ, giờ sống ở San Francisco, chia sẻ rằng, thời còn du học ở London, năm nào cũng cứ đến giờ khắc giao thừa là cô lại cảm thấy vô cùng cô đơn và nhớ nhà. Tôi chưa sống lâu nơi xứ người bao giờ, càng chưa bao giờ được hưởng một cái Tết Nguyên đán ở nơi không phải nhà của mình nên ngạc nhiên vì điều này lắm. Cô bạn tôi kể về cái Tết đầu tiên ở London, cô cũng chuẩn bị cho ngày lễ như ở nhà: dọn dẹp thật sạch nhà cửa; không có hoa đào, hoa mai hay cây quất làm cảnh nhưng cô mua được một bó hoa để trang hoàng cho căn phòng thuê bé tí tẹo của mình. “Sáng mồng một, tôi cũng tìm được đến một ngôi chùa của Việt Nam sau hàng giờ liền ngồi trên xe buýt để thắp nén hương cầu an”, cô nói. Lúc ấy là lưu học sinh, còn sau này khi đã hòa nhập với cộng đồng người Việt định cư ở Mỹ thì cũng như thành viên của bất kỳ cộng đồng Việt kiều nào trên thế giới, cô cảm thấy dễ dàng hơn khi chuẩn bị cho một cái Tết Việt. Không Tết nào cô không mua cành đào, cây quất nhỏ, mua lá dong về gói bánh chưng, gói giò lụa, giò xào, nấu canh măng.
Với người phương Tây, Giáng sinh là dịp duy nhất để họ quây quần đủ đầy cùng gia đình sau một năm bận rộn. Dù ở bất cứ đâu trên thế giới, thế nào Giáng sinh họ cũng phải bay về nhà tham dự giờ khắc thiêng liêng này. Tết Nguyên đán cũng quan trọng không khác gì Giáng sinh của phương Tây. Chính Tướng Westmoreland - Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ từ 1968 - 1972, cũng đã miêu tả trong hồi ký của mình về Tết của Việt Nam: “Người Mỹ không có cái lễ nào giống dù là giống một cách xa xôi với cái Tết Việt Nam bắt đầu từ ngày đầu năm âm lịch. Dù so sánh nó với lễ Giáng sinh, lễ Tạ ơn và ngày 4/7 cũng không đủ để nói lên tầm quan trọng mà người Việt Nam gắn bó với cái Tết của họ. Trước Tết hàng mấy tuần lễ, các bà nội trợ Việt Nam đã gói bánh chưng bằng nếp dẻo bên trong những chiếc lá dong mùi rất thơm. Người ta bày bán chè, bánh kẹo, rượu, nếp, mua sắm quần áo mới, trang hoàng nhà ở bằng các thứ hoa. Người thân chuẩn bị về quê làm lễ cúng ông bà, tổ tiên. Trẻ em mường tượng sẽ được mừng tuổi bằng kẹo bánh và giấy bạc 5 đồng. Không có gì, thậm chí cả một cuộc chiến tranh để sống còn, lại có thể cản được lễ Tết”. Các tài liệu sau này cũng cho thấy rằng trong dịp Tết Mậu Thân, ít ra tới nửa quân số của Quân đội Cộng hòa bỏ về quê ăn Tết và chính Tổng thống miền Nam Nguyễn Văn Thiệu cũng về quê vợ ở Mỹ Tho ăn Tết.
Tôi từng chứng kiến nhiều chủ doanh nghiệp nước ngoài nổi khùng lên vì cứ đến Tết là nhân viên nghỉ rất dài ngày. Họ muốn công việc của họ được liên tục và sự gián đoạn vì một ngày nghỉ lễ bắt buộc khiến họ cảm thấy đau lòng. Thậm chí ngay cả khi công việc đang đến hồi nước rút mà đùng cái vào Tết thì dù có trả lương gấp đôi, gấp ba nhân viên cũng không làm. Sống chết gì nhân viên cũng phải nghỉ ăn Tết. Có một số khách nước ngoài đi du lịch bụi Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán chỉ với mục đích khám phá lễ hội thì thực gặp hạn. Họ than phiền rằng quán xá, cửa hàng, cửa hiệu đóng cửa im ỉm. Chỗ vui chơi không có, ăn uống thì không, chỉ còn thú vui duy nhất là vãn cảnh chùa và đi xem pháo hoa vào đêm giao thừa.
Nói vậy là để thấy Tết Nguyên đán đối với chúng ta quan trọng đến thế nào. Tôi còn nhớ nguyên vẹn cảm xúc của những cái Tết cách đây hai chục năm, khi mà tôi háo hức chờ đợi một bộ quần áo mới, khi mà tôi quẩn quanh cha mẹ trong không khí phấn khởi của cái sự sắm Tết và chuẩn bị cho Tết. Mẹ tôi chất kìn kìn trên xe những lá dong, gạo nếp, gà trống thiến, bưởi bòng và dăm cành lay-ơn, thược dược, violet mỗi lần đi chợ về. Cha tôi chọn mua một bánh pháo đùng, pháo tép dài 2 mét mà ông dự đoán năm nay nó sẽ nổ rất đanh. Chúng tôi làm mứt bí, mứt cà chua, cà rốt thơm phức mùi đường sấy. Và tôi góp phần trang trí kim tuyến lên những cành đào, chọn một chiếc ga còn mới hăng hắc mùi băng phiến trong tủ để trải lên chiếc giường con ngay trong phòng khách. Nhưng càng ngày những cảm giác ấy càng mờ nhạt như một thứ hồi ức đã trải dài từ xa lắc. Ngày nay, chúng ta không cần phải chờ đến Tết mới được sắm quần áo mới, không phải chờ đến Tết mới được ăn con gà, miếng bánh chưng và mứt bí. Những thứ ấy có quanh năm, thậm chí giờ không chỉ lay-ơn, thược dược, violet mà ngày thường chúng ta cũng mua hoa về cắm trong lọ, đủ thứ hoa xa xỉ, từ các loại hồng Đà Lạt cho đến ly trắng, rum, sa-lem và địa lan...
Nhiều người sợ Tết. Đàn ông sợ Tết sẽ cản trở công việc đang chạy ro ro. Đàn bà sợ Tết vì ôsin về quê hết sẽ phải nai lưng ra mà làm. Tết là phải thăm viếng, tiếp đón họ hàng, cả những người ưa thích và những người không ưa thích. Tết là phải đôn đáo ngược xuôi lo chất ngất quà biếu, người về hưu và người chưa về hưu, người biết ơn nhiều và người biết ơn ít, mỗi người quà một kiểu. Phức tạp lắm. Mệt mỏi lắm. Tết cũng là phát khổ cho những người đơn chiếc. Nhớ lúc nhà thơ Trần Hòa Bình còn sống, cứ đến độ tháng Chạp là đã thấy anh than thở lo lắng, rồi không biết năm nay sẽ ăn Tết ở đâu. Anh sống cùng con gái, họ hàng chỉ có mỗi người em ruột. Không lẽ bố con cứ chòm chọm nhìn nhau từ giao thừa đến hết ba ngày Tết. Buồn lắm. Và như nhiều người “một mình một ngựa” khác, cứ qua ngày ông Táo lên chầu Trời lại thấy anh xách ba lô rời khỏi Hà Nội, có lúc lên mạn phía Bắc, có lúc về miền Nam, nơi nào cũng có bạn bè đón tiếp cho khuây khỏa. Cũng có những người, vì lý do mưu sinh mà Tết không được về thăm quê nhà, đành đoạn ở lại thành phố, mới thấy cái thời khắc giao thừa ấy như tra tấn, chỉ đành mong mong cho qua 3 ngày Tết.
Vài năm trở lại đây, Tết người ta đi du lịch nhiều. Không chỉ người nước ngoài sống ở Việt Nam, người trẻ mà cả người già đã tìm đến xu thế này.
Năm vừa rồi, tôi cũng đón Tết ở Sa Pa, Hà Khẩu. Thị trấn Sa Pa vẫn náo nức như thường vì các cửa hàng, cửa hiệu hầu như không đóng cửa để phục vụ khách du lịch. Ngày Tết, người ta vẫn có thể vào quán bar uống một ly cocktail hay ngồi hút shisha bên lò sưởi. Phố đồ nướng vỉa hè vẫn hoạt động rôm rả với đủ món cơm lam, khoai nướng và trứng gà nướng. Nhà hàng kiểu Pháp vẫn phục vụ súp kem nấm bí đỏ và tôm sốt rượu vang. Tịnh chẳng hề thấy vị bánh chưng, canh măng đâu nữa. Thôi thì giờ không khí Tết đã khác xưa nhiều. Cũng may người ta chưa thay đào, quất, mận, mai bằng những giống hoa khác. Nếu không, những gì người Việt ở hải ngoại đang cố gắng sắm sanh, trang hoàng cho ngày Tết rồi ra cũng chỉ còn là một nỗi niềm hoài cổ.
Di Li