Tết chẳng riêng ai

20-02-2018 15:37 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Còn hai tháng nữa thì Tết. Còn một tháng nữa thì Tết. Thời gian đi chẳng chờ đợi ai. Nhưng cuối cùng thì một sáng nọ trở dậy, nghe trong gió buốt có hơi ấm của giọt mưa, nhìn ra cây táo thấy con chim vành khuyên bé tí xíu nhảy lích chích trên cành, biết là cái Tết đã đến gần lắm rồi. Cái Tết đã đến gần lắm rồi!

Cuốn lịch năm đã mỏng tang. Cái Tết  đã đến đầu ngõ. Cái đến sắp đến gõ cửa từng nhà rồi. Mà sao chẳng ai nhắc đến Tết là thế nào? Mà sao tất cả  vẫn dửng dưng như không là thế nào!

Cả nhà, kể từ bố mẹ đến hai đứa trẻ, là Hiệp và Nhím đứa mười lăm, đứa mười hai, hình như  chẳng ai để ý đến Tết. Đếm thời gian chờ Tết chỉ có bà nội. Chỉ có bà nội! Là bởi vì cách Tết một tháng bà đã lôi từ trong  chiếc tủ thờ trên gác  năm  ra một rổ bát đĩa  sứ, lau rửa, phơi phóng sạch sẽ sửa soạn cho bữa tiệc tất niên rồi. Bộ đồ  dao kéo  cũng đã được bà  gọi thợ đến mài  sáng choang. Còn mấy hôm nay thì chậu nước gạo đã  đầy phè các lớp măng ngâm. Và trên bàn ăn là la  liệt các gói  bọc phụ gia  của các món ăn ngày Tết, gói hạt tiêu,  quả đò o nấu chè kho, bọc củ cải dầm cùng là những bó miến đậu xanh và  mấy xâu mộc nhĩ nấm hương để dành từ hồi mùa thu.

No ba ngày Tết, đói ba tháng hè.  Tháng tám đói qua, tháng ba đói kiệt. Tết đến sau lưng, con trẻ thì mừng, ông bà thì lo. Đó là mấy câu thành  ngữ tục ngữ có tự những ngày xửa ngày xưa, nghĩa là lâu lắm rồi và hẳn là bây giờ chỉ còn mỗi bà  là  còn nhớ đến chúng thôi. Chỉ còn mỗi bà! Thành  ra chỉ còn mỗi bà nội là còn cặm cụi  sửa soạn cho cái ăn ngày Tết. Vậy là một hôm bố đi làm về, thấy bà  lụi cụi một  thân một mình ngồi cầm cái vỏ  chai lăn đám hạt đậu xanh trên cái thớt gỗ dẻ để nấu chè kho, liền cười hà hà, nói rằng, bà làm gì mà vất vả thế!  Rồi toang toang:

- Bà ơi, bà không nghe người ta nói: bây giờ không ai nói là ăn Tết nữa. Mà gọi là chơi Tết à!

*

Chơi Tết! Quả thật là thế rồi!  Đời sống đã sang một bước ngoặt. Cái ăn  cái mặc không còn là nỗi lo. Thời kỳ ăn no mặc ấm đã qua. Giờ là ăn ngon mặc đẹp. Mà ăn ngon mặc đẹp xem chừng cũng sắp qua  rồi. Cứ nhìn bữa ăn hàng ngày thì biết. Chị Hòa , người  tỉnh miền núi Hòa Bình  đến giúp  việc gia đình ba năm nay nói: bữa nào  nhà mình cũng 4, 5 món  thịt  gà thịt bò thịt lợn, hải sản ê hề như bữa tiệc,  bằng bữa cỗ nhà quê chúng cháu, bà ạ. Bà gật đầu xác nhận: hai đứa trẻ đều tuổi ăn tuổi lớn. Bố mẹ chúng đều là người lao động trí óc, dưa cà ăn như tôi và ông nhà tôi, không đủ chất không làm việc được, cô ạ.

Chơi tết! Chơi tết! Ừ thì chơi tết!  Nhưng năm nay cả nhà sẽ chơi tết thế nào đây? Năm ngoái thì cả nhà đi Sài Gòn chơi suốt bảy ngày. Năm  kia thì đi  Sa Pa xem tuyết băng gần cả tuần lễ. Thế còn năm nay?

Năm nay, đúng  25 Tết,  đi chợ về thấy ở phòng  khách dựng  hai cái va ly to đùng thì chị Hòa mới biết: Tết này, bố mẹ Hiệp - Nhím và hai đứa trẻ sẽ đi Thái Lan chơi rồi. Nghĩa là ở nhà chỉ còn bà. Lý do là bà  đã có tuổi, bà ngại  lên tầu  xuống xe và quan trọng là 30 Tết bà phải đón ông từ Lao Cai thăm cô con gái út lập nghiệp ở trên đó về.

- Bà ơi! Cả nhà đi Thái Lan chơi. Con lại về quê. Chẳng có ai giúp bà. Nếu vậy thì con luộc sẵn gà, làm sẵn nem, nấu sẵn nồi măng, nồi thịt đông để bà làm cỗ cúng gia tiên nhé!

Nghe chị Hòa giúp việc nói, bà  lắc đầu:

- Có gì đâu. Bà lo được. Còn cô, chuẩn bị Tết nhất cho trẻ mỏ ở quê thế nào rồi.

Chị Hòa  tần ngần:

- Cũng đơn gian thôi bà ạ;

- Đơn giản là thế nào. Cả năm trời có  một cái Tết phải sửa soạn cho trẻ mỏ nó vui  chứ!

- Cũng đủ rồi bà ạ. Bố mẹ Hiệp - Nhím cho con thêm một tháng lương. Lại cho sẵn con tiền mừng tuổi nhà con, thằng Tuất, cái Nhiên của con rồi.

Bà gật đầu. Rồi  kéo  từ trong tủ  ra một cái tủi vải bạt to. Và khi ngồi xuống thì chị Hòa thấy mắt mình hoa  hoa. Chai nước mắm Phú Quốc. Ve  dầu ô liu. Gói mì chính. Cân miến đậu xanh. Hộp lạp xường. Hộp bánh quy. Hộp mứt. Những gói kẹo xanh đỏ. Lại cả bình rượu Táo mèo.

- Ối, bà cho con nhiều  thế!

- Nhiều gì mà nhiều. Ở nhà quê  làm gì có sẵn như thành phố.

Chị Hòa chớp chớp mắt:

- Hôm nọ con nghe lỏm, bố Hiệp - Nhím nói: bây giờ Tết chỉ là chơi  Tết. Con mới thấy, ở nhà quê con không phải vậy.

Bà chép miệng:

- Thôi thì cũng phải dần dần.  Ngày mai phiên chợ phường cuối năm, bà và cô ra chợ. Cô xem có gì cần sắm  sửa thêm thì bà cho tiền. À mà giầy dép trẻ con có cần không. Tết nhất cũng phải  có quần áo mới cho chúng đấy nhé!

*

Hăm tám Tết, chợ phường họp phiên cuối năm. Nhưng cũng phải  tận  hơn mười giờ, bà và chị Hòa mới ra chợ được. Đó  là  vì còn phải sửa soạn cho bố mẹ Hiệp Nhím và hai đứa trẻ đi ra sân bay. Từ chợ về, chị Hòa tất tả dọn dẹp. Rồi cùng bà ra bến đón xe tuyến 27 đi về quê Hòa Bình.

Chia tay về Tết mấy hôm mà bịn rịn quá. Chị Hào đỏ hoe hai tròng mắt, luôn miệng cám ơn bà và gia đình. 50 tuổi. Chị thuộc hộ nghèo ở Kim Bôi. Chồng chị bị cụt một tay vì một lần  dùng mìn đánh cá. Sức khỏe kém còn vì bị đau dạ dầy. Mấy năm nay mắt lại bị mờ, chỉ quanh quẩn ở nhà không làm được việc  nặng. Hai đứa trẻ, một lên  mười một lên  sáu, đang tuổi ăn tuổi học. Gia đình chỉ có mỗi hai sào  ruộng, thóc cấy không đủ ăn, nhà  chỉ là một túp lều gianh bốn bề thưng phên liếp.

Chiều 30 Tết thì ông nội từ Lao Cai về đến nhà. Nói băm ba câu về tình hình  vợ chồng con gái ở Lao Cai,  hỏi  về  việc chăm lo cho cái tết của gia đình chị Hòa xong, là ông  ôm cái  máy vi tính, lên mạng, hết chát chít  là vùi đầu vào  nhận email của hai đứa cháu từ Thái Lan gửi về.

- Ông bà  ơi,  nơi bố mẹ chúng cháu và chúng cháu đi chơi Tết năm nay là Phu Kẹt, một vùng nghỉ dưỡng du lịch của Thái Lan, nổi tiếng không kém Chiêng Mai. Phu Kẹt là một vùng gồm nhiều đảo, ông bà ạ.

Thôi thì còn thiếu gì  những niềm vui được sóng Internet truyền về. Công nghệ thông tin tân kỳ còn mang đến cho ông bao nhiêu hình ảnh nữa. Ông nhìn thấy cả vùng biển Phu Kẹt nước trong xanh ngăn ngắt. Cả cái chợ Phu Ket ngầm ngập toàn hải sản tươi sống. Chà! Riêng tôm hùm ở đây, con nào cũng to năng đến một ký. Mà rẻ chỉ bằng nửa ở Sầm Sơn. Mua về, đưa cho nhà hàng, họ  làm món ăn cho mình. Món ăn Thái Lan ngon lắm ông bà ạ. Họ ăn khác mình là rất nhiều gia vị. Tỏi, hành, chanh, ớt, hồ tiêu, riềng, gừng, sả, với đủ các thứ rau. Ông hỏi ăn có cay không? Có, nhưng ăn được ông ạ. Ôi, còn đi  thăm vườn bách thú thì thích lắm ông à. Cháu chụp ảnh cưỡi voi cho ông xem đây  này. Ông bà ơi! Voi nó khôn lắm. Chúng mua chuối, chưa kịp đưa cho nó, nó đã dùng vòi thò vào túi chúng cháu đòi ăn. À, chúng cháu còn cưỡi voi lội bùn, leo núi, đi liền mấy cây số cơ. Còn hồi hộp nhất là lúc chúng cháu nằm xuống, để voi nó lấy chân mát xa lên lưng chúng  cháu, ông bà ạ.

- Bà trông này - Chỉ mấy tấm ảnh trên  máy, ông cao giọng: đây là cảnh trẻ con nhà mình đeo mặt nạ, ống thở lặn dưới đáy biển. Chà, dưới thủy cung, san hô sặc sỡ, cùng các loài cá, con vằn, con xanh con đỏ con vàng. Không trách  chúng bảo: y như cảnh thần tiên. Y như cảnh trên thiên đường vậy!

Không thấy bà nói, ông quay lại, chợt nhận ra bà đang chấm kẽ mắt:

- Sao thế  bà ?

- Chị Hòa chị ấy vừa gọi điện ra. Khoe, Tết năm nay đụng được một góc con lợn 50 cân. Nhưng  chiều 30 Tết về đến nhà, sấp ngửa làm được  mâm cỗ cúng gia tiên, sáng mồng một lại đi rồi.

- Đi  đâu?

- Đi làm thuê cho người ta. Một gia dình ở thành phố Hòa Bình, có ông cụ bị  liệt, cần người trông nom 6 ngày Tết, mối ngày họ trả 500 nghìn đồng tiền công, vị  chi là 3 triệu đồng. Khổ! Đến cái Tết cũng có được thanh nhàn lấy mấy ngày đâu!

Ông im lặng . Và lát sau đưa tay tắt chiếc máy đang liên tục nhận những tấm ảnh truyền từ bãi biển Phu Kẹt  thần tiên  thiên đường về. Những tấm ảnh  phản ảnh một cuộc sống vui vẻ  không biết đến đói rét, khổ sở.Những tấm ảnh với một lớp người lúc này như chỉ có trong mơ…


Bút ký của MA VĂN KHÁNG
Ý kiến của bạn
Tags: