Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Giám đốc Nhà máy Z121 cho biết, nếu được phép có 10 sản phẩm sẽ được bán rộng rãi. Có sản phẩm như cây hoa lửa có thể cầm trên tay đốt, nếu dùng ngoài trời để cổ vũ trong các sự kiện âm nhạc thì hàng nghìn người có thể cùng lúc sử dụng. Có sản phẩm lại như thác nước bắn lên trời vô cùng đẹp mắt. Đa số các sản phẩm khi đốt, tàn lửa bắn ra nguội ngay nên không sợ bị bỏng tay. Tất nhiên nếu đặt gần các sản phẩm dễ cháy trong thời gian lâu thì cũng sẽ không đảm bảo an toàn. Trước nay, loại pháo này vẫn được sử dụng trong các sự kiện lễ hội, văn hóa, nghệ thuật biểu diễn… Việc thay đổi các quy định chỉ để đưa loại pháo này đến với đông đảo quần chúng nhân dân chứ không bó hẹp trong khuôn khổ các sự kiện.
Ngay lập tức, tranh luận nổ ra trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng với ý thức của người dân như hiện nay, cho phép đốt pháo dù chỉ là pháo hỏa thuật cũng là một sự đánh cược. Nếu quản lý không tốt, để thị trường thao túng, không khác nào buông lỏng mối nguy hại này. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ kịch liệt phản đối: “Đốt pháo ngày Tết đúng là nét văn hóa truyền thống nhưng không phải bất cứ cái gì cũng cần giữ lại. Phải thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện xã hội. Tôi ủng hộ nhiệt liệt quy định cấm đốt pháo nổ trước đây vì tận mắt chứng kiến vụ nổ xe chở thuốc pháo trước cầu sông Nghèn, tang thương quá. Lại chứng kiến Tết đến, nhà có cháu nhỏ ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc phải đi sơ tán về quê để tránh pháo, tàu xe vất vả. Cấm pháo nổ là đúng đắn. Nhưng giờ lại cho phép bán pháo hỏa thuật. Pháo hỏa thuật và pháo nổ sẽ lẫn lộn tạo ra tình trạng khó quản lý. Cho phép đốt pháo, cháy nổ sẽ là tai họa hiện thực. Lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?!”.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, đốt pháo hỏa thuật không khác gì bật tivi tắt loa, cuối cùng cũng chỉ là làm đẹp cảnh. Xét cho cùng, người ta nhớ tiếng pháo, nhớ không khí nhuộm màu đỏ xác pháo chứ mấy ai nhớ những vệt pháo hoa chớp lòe trên bầu trời. Nhiều người đặt dấu hỏi, pháo hỏa thuật không thay thế pháo nổ, pháo hoa vậy đưa ra bán công khai làm gì? Hơn nữa, pháo hỏa thuật cũng vẫn có thể gây cháy và chưa thật sự an toàn? Trả lời báo chí, ông Lê Tiến Ngọc, Trưởng phòng Kinh doanh của Nhà máy Z121 vẫn cẩn trọng: Các tia lửa của pháo hỏa thuật không gây bỏng nặng cho người sử dụng nếu vô ý chạm vào. Tùy theo sản phẩm, các tia lửa phát ra có chiều cao từ 3-4cm cho đến 3-4m và xảy ra trong thời gian rất ngắn rồi trở thành muội than nên rất khó bắt lửa vào các loại vải vóc. Nên sử dụng sản phẩm ngoài trời hoặc trong phòng rộng thông thoáng, không sử dụng ở nơi có chứa chất dễ cháy nổ và tùy theo loại pháo, người sử dụng phải đứng ở khoảng cách an toàn với pháo là từ 2m trở lên.
Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng cho rằng pháo hỏa thuật có hay không có cũng không thành vấn đề. Thậm chí có người nhận định, nới lỏng quy định với pháo hỏa thuật cũng là một phép thử về công tác quản lý.
Không đồng tình với đề xuất cho phép đốt pháo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Việt Trường cho rằng cho đốt pháo vào thời điểm này là quá sớm. Xã hội sẽ quay lại với không khí, thói quen đốt pháo, việc này sẽ lợi bất cập hại. Trong tình hình tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các loại chất nổ để tiến hành các hoạt động tội phạm nên phải đề phòng. Hoàn toàn không nên đặt ra vấn đề này.