Bất cứ người đàn ông nào cũng mong muốn có một sức khỏe tốt, một cơ thể cường tráng, một “phong độ đàn ông” ổn định. Có một yếu tố liên quan chặt chẽ với các vấn đề này của quý ông, đó là testosterone. Testosterone là hormon sinh dục có vai trò quan trọng cho sức khỏe, đặt biệt là sức khỏe tình dục ở nam giới.
Testosterone - “chìa khóa” sức khỏe tình dục nam giới
Testosterone được bài tiết chủ yếu ở tinh hoàn, chỉ có một lượng nhỏ từ những steroid do vỏ ngoài của tuyến thượng thận tạo nên. Ở phụ nữ cũng có một lượng nhỏ testosterone được bài tiết ra từ buồng trứng (và cả tuyến thượng thận) nhưng rất ít so với nam giới. Testosterone chịu trách nhiệm cho sự phát triển bình thường của cơ quan sinh dục nam như: dương vật, tinh hoàn, bìu, tuyến tiền liệt, túi tinh... Nội tiết tố này cũng ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển các đặc tính sinh dục nam như: tăng mọc lông tóc, giọng trầm, gây hưng phấn và ham muốn tình dục, sự trưởng thành của tinh trùng... Ngoài ra, testosterone làm tăng tổng hợp protein, thúc đẩy quá trình phát triển của cơ bắp, kích thích tạo hồng cầu...
Một số môn thể dục như đạp xe, nâng tạ, chạy nước rút... có thể tăng testosterone hiệu quả.
Có thể nói testosterone là nhiên liệu cho bộ máy sinh sản của nam giới hoạt động, nên khi bị thiếu hụt sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Nồng độ testosterone thấp (thiếu hụt) không chỉ đi kèm với giảm ham muốn giới tính và kém cương dương ở mức độ nào đó mà còn gây ra tình trạng kém hăng hái, giảm nghị lực sống, mỏi mệt, giảm khả năng trí tuệ.
Khi bước vào tuổi trung niên, sự suy giảm nồng độ testosterone dần dần sẽ gây nên hội chứng mãn dục nam. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện ở nam giới sau tuổi 30 và tác động rõ rệt nhất đến cơ thể sau độ tuổi 40, đó là nguồn gốc làm giảm khả năng sinh lý như: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, giảm lượng tinh trùng gây khó có con. Về sức khỏe toàn thân, làm tăng các bệnh lý tim mạch, giảm trí nhớ, cơ bắp không còn săn chắc, giảm mật độ xương gây loãng xương, hay đi tiểu đêm, đau lưng mỏi gối...
Những dấu hiệu giảm testosterone ở nam giới
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của tình trạng giảm testosterone là: giảm ham muốn tình dục, cương dương kém, giảm số lượng tinh trùng và khả năng sinh sản hoặc thấy vú to ra, tinh hoàn có thể nhỏ và mềm. Nam cũng có thể có những triệu chứng tương tự như nữ ở thời kỳ mãn kinh, đó là cơn bốc nóng, dễ cáu giận (tăng sự kích thích), khó tập trung và trầm cảm. Một số nam giới có thể bị giảm bài tiết testosterone nhiều và kéo dài, khi đó bị rụng lông trên cơ thể và giảm khối cơ, xương có thể giòn hơn và dễ gãy... Ở người trẻ, sự bài tiết testosterone ít có thể làm giảm sự mọc râu và lông trên cơ thể, giảm phát triển khối cơ và cơ quan sinh dục, giọng nói cũng không trầm...
Những bệnh gây giảm testosterone
Những bất thường ở tinh hoàn: Do chấn thương tinh hoàn, do phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, khối u tinh hoàn, viêm tinh hoàn do quai bị (có nguy cơ bị vô sinh nhiều hơn là giảm testosterone).
Bệnh ở tuyến yên/vùng dưới đồi: Khối u tuyến yên khiến các mô bất thường ở tuyến yên phát triển có thể làm hoạt động bình thường của tuyến hư hại và ảnh hưởng đến sự bài tiết hormon.
Do gen: Nam giới có thể bị thiếu testosterone do bất thường về thể nhiễm sắc hay những bệnh liên quan đến gen.
Thuốc: Một số thuốc chữa bệnh và hormon có thể ức chế tinh hoàn bài tiết testosterone.
HIV/AIDS: Có đến 50% nam giới bị nhiễm HIV có nồng độ testosterone thấp.
Cần làm gì để duy trì nồng độ testosterone?
Việc duy trì nồng độ testosterone bằng các giải pháp sao cho vừa an toàn mà thiết thực là mục đích mà quý ông nên hướng tới. Vội vàng bổ sung testosterone dưới dạng dược phẩm khi chưa có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa có thể gặp phải một số tác dụng phụ ngoài ý muốn và những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng như: nở ngực, giảm khả năng sinh sản, cục máu đông, đau tim, phì đại tuyến tiền liệt... Giải pháp tốt nhất đối với đại đa số đàn ông muốn ổn định mức testosterone là thay đổi lối sống. Việc ăn uống không điều độ, ngủ ít, không tập thể dục... là những yếu tố sẽ “nhấn chìm” testosterone. Đặc biệt, khi bị stress thì hormon căng thẳng cortisol tăng cao, testosterone sẽ bị giảm sút nhanh.
Vì vậy, nam giới nên cân bằng cuộc sống của mình giữa làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn và năng tập luyện thể dục thể thao. Một số môn thể dục đòi hỏi tăng cường độ làm việc của cơ bắp có thể tăng testosterone hiệu quả nhất như: nâng tạ, chạy nước rút, đạp xe đạp... Nhưng lưu ý nên tập vừa sức, không gắng sức sẽ bị mỏi mệt và gây hiệu ứng ngược cho sức khỏe. Tăng cường dinh dưỡng: Ăn thêm dầu mỡ, những chất béo không bão hòa đơn, tốt cho sức khỏe như trứng, bơ, ô liu, dầu dừa, các loại hạt... Cần ngủ đủ giấc, tắm nắng nhiều hơn cũng có thể tăng cường testosterone.
BS. Song Nhi