Nhìn chung, nam giới thường có tình trạng bệnh COVID-19 nặng hơn phụ nữ.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Abhinav Diwan tại Đại học y Washington, Mỹ, cho biết: Nếu một bệnh nhân nam có hàm lượng testosterone thấp khi tới bệnh viện, nguy cơ bệnh COVID-19 sẽ nặng hơn (cần được chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong), cao hơn rất nhiều so với các bệnh nhân nam có mức độ testosterone cao hơn. Nếu nồng độ testosterone sụt giảm hơn nữa trong quá trình nhập viện, nguy cơ này lại càng gia tăng”.
Nhóm của Diwan đã đo hàm lượng một vài hóc môn trong máu của 143 bệnh nhân cả nam lẫn nữ nhập viện do COVID-19. Các mẫu máu được lấy vào ngày thứ 3, 7, 14 và 28, tùy theo việc bệnh nhân ở trong viện lâu đến đâu.
Ngoài testosterone, các nhà nghiên cứu cũng đo hàm lượng của một hóc môn với tên gọi estradiol và hóc môn tăng trưởng IGF-1. Hóc môn này giống với insulin và đóng vai trò trong việc duy trì khối cơ.
Đối với các bệnh nhân nữ, không có mối tương quan nào giữa hàm lượng của các hóc môn và tình trạng bệnh COVID-19. Đối với nam giới, chỉ có hàm lượng testosterone có ảnh hưởng tới mức độ bệnh COVID-19.
Hàm lượng testosterone trong máu từ 250 nanogram trên decilit (ng/dL) trở xuống được coi là thấp ở nam giới trưởng thành. Khi nhập viện, hàm lượng testosterone trung bình là 53 ng/dL ở nam giới mắc COVID-19 thể nặng và 151 ng/dL ở nam giới mắc bệnh ở thể nhẹ hơn.
Tới ngày thứ ba, hàm lượng testosterone trung bình của các bệnh nhân nam yếu nhất là 19 ng/dL. Hàm lượng testosterone càng thấp thì bệnh càng nặng, và những người có mức testosterone thấp nhất cũng là những người có khả năng phải thở máy, cần chăm sóc đặc biệt, hoặc tử vong cao nhất. Trong số 37 bệnh nhân tử vong, 25 người là nam giới.
Bác sĩ Sandeep Dhindsa, bác sĩ nội tiết tại Đại học Saint Louis, Hoa Kỳ, cho biết: “Hàm lượng testosterone thấp có thể giúp chúng ta dự đoán xem bệnh nhân nào có thể sẽ nguy kịch trong những ngày tiếp theo” .
Các nhà nghiên cứu cũng nói rằng các bệnh nhân nam có mức testosterone thấp nhưng không ốm nặng khi nhập viện có khả năng cao sẽ cần chăm sóc đặc biệt hoặc thở máy trong 2-3 ngày sau đó.
Các nhà nghiên cứu hiện tại đang tìm hiểu mối liên hệ giữa các hóc môn sinh dục và sức khỏe tim mạch ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài. Ở những bệnh nhân này, các triệu chứng tồn tại dai dẳng trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.
Diwan cho biết: “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu xem liệu các bệnh nhân nam đang khỏi bệnh COVID-19, bao gồm cả COVID-19 kéo dài, có được hưởng lợi gì từ liệu pháp testosterone không. Liệu pháp này đã được sửdụng ở nam giới có hàm lượng hóc môn sinh dục thấp, nên có thể nó sẽ giúp các bệnh nhân nam mắc COVID-19 trong giai đoạn hồi phục”.