1. Teo thực quản bẩm sinh là gì?
Teo thực quản bẩm sinh hay còn gọi là bất sản thực quản, một dị tật bẩm sinh tắc đường tiêu hóa cao hiếm gặp, có tần suất khoảng 1/5.000. Là sự gián đoạn lưu thông của thực quản và thường có kèm sự thông thương bất thường giữa thực quản và khí quản (hậu quả của rối loạn trong quá trình tạo phôi giữa tuần thứ 4 và tuần thứ 6).
Trong quá trình phát triển phôi thai, khí quản phát triển từ trung bì của lá phôi thứ nhất vào lúc 4 tuần tuổi. Từ vách của khí quản, được tách thành thực quản. Nếu màng vách này không tách được hoàn toàn giữa khí quản và thực quản, sẽ gây ra teo thực quản, có hoặc không có lỗ rò thông khí quản và thực quản.
Khoảng 30% trẻ có đa dị tật đi kèm gọi là hội chứng VACTERL - là một tổng hợp những khuyết tật hoặc bất thường bẩm sinh. Đó là bất thường ở các cơ quan như tim, cột sống, sinh dục, tiết niệu, tiêu hóa, dị tật ở tay, chân...
2. Dấu hiệu trẻ bị teo thực quản bẩm sinh
Các triệu chứng của trẻ bị teo thực quản bẩm sinh xuất hiện rất sớm, ngay sau khi trẻ vừa ra đời.
Trẻ bị teo thực quản thường có các dấu hiệu như:
+ Rối loạn hô hấp, trẻ thở nhanh nông, tăng tiết nhiều nước bọt, dịch tiết sùi ra đường thở còn gọi là triệu chứng "sùi bọt cua", dấu hiệu này thường xuất hiện sớm và thường là triệu chứng chỉ điểm, dịch có khi màu hồng có thể gây tắc đường thở.
+ Triệu chứng đường tiêu hóa, trẻ tím tái ngay lần bú đầu tiên, ho sặc, nôn ói.
+ Bụng trướng lớn do dạ dày nhiều hơi hoặc ngược lại.
+ Viêm phổi sơ sinh do sặc hay dịch tiết dò vào khí phế, làm cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Phát hiện sớm các dấu hiệu ở trẻ bị teo thực quản đóng vai trò rất quan trọng, điều này sẽ giúp trẻ tránh nguy cơ bị hoại tử ruột và các nguy cơ khác đe dọa đến tính mạng của trẻ.
3. Phân loại teo thực quản
Tùy theo sự tồn tại của đường dò và vị trí mà teo thực quản được phân loại như sau.
- A: Teo thực quản không có rò (8%)
- B: Teo thực quản có rò đầu gần thực quản - khí quản (< 1%)
- C: Teo thực quản có rò đầu xa thực quản - khí quản (87%)
- D: Teo thực quản có rò hai đầu thực quản - khí quản (< 1%)
- E: Rò thực quản - khí quản không teo (dò dạng H) (4%)
- F: Hẹp thực quản (<1%)
4. Biến chứng teo thực quản bẩm sinh
Teo thực quản bẩm sinh có thể xảy ra biến chứng, các biến chứng sớm là thông khí kém gây xẹp phổi, viêm phổi, rò miệng nối… Biến chứng muộn ở teo thực quản bẩm sinh có thể gây trào ngược dạ dày thực quản, rò khí thực quản tái phát, mềm sụn khí quản...
5. Chẩn đoán teo thực quản bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Chẩn đoán lâm sàng dựa theo những biểu hiện, sau đó các bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:
- Chụp Xquang.
- Siêu âm bụng: Phát hiện dị tật phối hợp khác ở bụng (tiết niệu…).
- Siêu âm tim: Phát hiện dị tật tim.
- Xét nghiệm máu
6. Điều trị teo thực quản bẩm sinh ở trẻ
Thường với những trẻ bị teo thực quản bẩm sinh, phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất là phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật khâu hai đầu thực quản lại với nhau, nếu trẻ bị teo thực quản tạo khoảng cách nhẹ. Điều này giúp thông đường tiêu hóa từ miệng tới dạ dày.
Đối với những trường hợp teo thực quản khoảng cách quá lớn, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật lấy một đoạn ruột đưa lên để ghép nối với thực quản. Hoặc các bác sĩ có thể đưa đầu trên thực quản ra cổ, mở thông dạ dày để cho trẻ ăn. Trẻ sẽ được phẫu thuật tạo hình thực quản sau 6 tháng.
Hiện nay, mặc dù có những tiến bộ về phẫu thuật nối thực quản, nhưng teo thực quản vẫn còn là một bệnh có tỉ lệ tử vong cao, do thường kèm rò khí thực quản gây viêm phổi hít. Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm ở trẻ bị teo thực quản bẩm sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhằm bảo vệ tính mạng trẻ. Phẫu thuật sớm sẽ tránh các nguy cơ biến chứng nguy hiểm, đe dọa tới tính mạng của trẻ.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-