Tế bào niêm mạc dạ dày mất đi hoặc bị thay thế bằng các tế bào biểu mô dạng niêm mạc ruột, các tuyến môn vị và mô xơ. Viêm teo niêm mạc dạ dày do vi khuẩn HP thường không có triệu chứng nhưng nguy cơ gây ung thư dạ dày là rất cao...
Triệu chứng điển hình
Rất nhiều trường hợp bị teo niêm mạc dạ dày mà người bệnh không chẩn đoán được bởi vì bệnh diễn ra âm thầm và không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào điển hình. Tuy nhiên cần cảnh giác khi thấy những dấu hiệu sau đây: Đau bụng, buồn nôn và nôn; Chán ăn, sụt cân; Thiếu máu, thiếu sắt; Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt; Đau tức ngực, tim đập nhanh; Ù tai; Tê bì tay chân; Rối loạn tâm thần (xảy ra khi viêm teo dạ dày tự miễn do thiếu vitamin B12)
Khi thấy có những biểu hiện trên cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Viêm teo niêm mạc dạ dày.
Yếu tố nguy cơ
Những người bị nhiễm vi khuẩn H.pylori. Đây là tình trạng phổ biến nhất thế giới và thường gặp ở các nước đông dân và nghèo.
Viêm teo niêm mạc dạ dày tự miễn khá hiếm và thường gặp với những người bị rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc bị bệnh tiểu đường.
Cả hai dạng viêm teo dạ dày đều làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Teo niêm mạc dạ dày dễ bị chẩn đoán nhầm
Lớp áo phủ bên trong dạ dày có 2 nhiệm vụ chính: tiết axit để sát khuẩn và tiêu hóa thức ăn, đồng thời che chở bảo vệ dạ dày. Khi bị teo niêm mạc dạ dày, bệnh nhân sẽ có triệu chứng tùy theo chức năng nào bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm là viêm loét dạ dày vì hai lý do sau:
Bệnh viêm loét dạ dày cũng có triệu chứng đau bụng và đầy bụng. Nhưng cần chú ý là viêm loét dạ dày sẽ gây đau bụng, ợ chua, chua miệng nhiều hơn bệnh teo niêm mạc dạ dày.
50% trường hợp teo niêm mạc dạ dày có kèm theo viêm dạ dày và việc đánh giá nội soi dạ dày theo phương pháp cũ sẽ khó phát hiện được teo niêm mạc dạ dày mức độ nhẹ và vừa.
Thực phẩm người bệnh dạ dày nên tránh.
Điều trị viêm teo niêm mạc dạ dày
Theo các chuyên gia tiêu hóa, tình trạng viêm teo dạ dày có thể được cải thiện sau khi điều trị bằng thuốc. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng một số loại thuốc giảm tiết acid dạ dày và trung hòa acid. Đối với trường hợp viêm teo dạ dày tự miễn, bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm vitamin B12.
Ngoài ra, bệnh nhân nên lưu ý về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học để hỗ trợ điều trị bệnh viêm teo dạ dày hiệu quả. Cụ thể: Hạn chế các thực phẩm cay nóng, đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, rượu bia, nước có gas... Đồng thời kết hợp ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung chất xơ và khoáng chất cho cơ thể. Tập luyện thể dục thể thao, đi bộ, đạp xe hàng ngày giúp tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch. Luôn giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, hạn chế làm việc quá sức... Những điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa và điều trị tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày hiệu quả.
Những điều cần lưu ý khi điều trị
Chế độ ăn uống: Ăn uống sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc; Chia nhỏ bữa ăn (4-5 lần/ ngày); Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế đồ béo; Tránh chất kích thích: trà đậm, rượu bia, gia vị.
Không giống với viêm loét dạ dày có tình trạng dư axit nên phải kiêng ăn những đồ có vị chua. Trái ngược lại, đối với bệnh teo niêm mạc dạ dày thì không nên kiêng chua mà còn phải chú ý bổ sung vitamin C vào trong chế độ ăn. Theo các nghiên cứu, vitamin C giúp các tế bào tái tạo làm hồi phục phần nào tình trạng teo niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, việc đưa chất chua và bổ sung vitamin C qua đường ăn uống cho những bệnh nhân bị teo niêm mạc dạ dày phải từ từ và từng ít một vì người bị teo niêm mạc dạ dày rất nhạy cảm với đồ chua, có thể bị đau bụng khi ăn chua nhiều hoặc khi bổ sung vitamin C theo đường uống quá nhiều.
Bệnh nhân không được tự ý dùng các thuốc chống tiết axit quá nhiều hoặc tự ý tăng liều không theo hướng dẫn của bác sĩ vì có thể làm bệnh teo niêm mạc dạ dày nặng hơn và khó hồi phục.