Teo cơ bàn tay do hội chứng đường hầm xương trụ

21-11-2017 15:31 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Teo cơ bàn tay kèm theo tê bì là các triệu chứng có thể gặp trong nhiều hội chứng bệnh và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Không giống như hội chứng ống cổ tay, teo cơ bàn tay do hội chứng đường hầm xương trụ ít phổ biến hơn, do đó ít được quan tâm hơn. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp, bệnh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chức năng của bàn tay.

Hội chứng đường hầm xương trụ gây tê tay và teo cơ

Hội chứng đường hầm xương trụ hay còn gọi là hội chứng kênh Guyon (Guyons cannal syndrome) được biết đến như một bệnh chèn ép dây thần kinh trụ ở cổ tay. Hội chứng này do chèn ép cục bộ dây thần kinh trụ trong ống trụ (kênh Guyon) ở cổ tay gây nên rối loạn về cảm giác và vận động tùy theo định khu bị chèn ép.

Kênh Guyon là một kênh chạy dọc mép dưới của bàn tay về phía ngón út của bàn tay. Tại đây, dây thần kinh dây trụ đi vào kênh Guyon cùng với động mạch trụ. Ở giữa kênh dây thần kinh trụ tách ra thành hai nhánh: nhánh nông - sau khi tách nhánh chi phối cho cơ gan tay ngắn  sẽ chi phối cảm giác ngón IV, V; nhánh sâu (vận động) tách ra một nhánh chi phối cho cơ ở ô mô út rồi đi vòng ra phía ngoài chi phối cho các cơ giun, cơ liên cốt mu tay, gan tay và nhánh tận cùng chi phối cho cơ liên cốt mu tay I. Khi dây thần kinh trụ bị chèn ép tại kênh Guyon sẽ gây các biểu hiện tê tay và teo cơ trên lâm sàng tùy theo vị trí bị chèn ép.

Hai nhóm nguyên nhân gây hội chứng kênh Guyon có thể kể đến như: các nguyên nhân do chấn thương gồm: các chấn thương vùng cổ tay (tai nạn, chấn thương thể thao...), chấn thương do đặc thù công việc phải vận động cổ tay và gan tay bị đè ép thường xuyên; các nguyên nhân không do chấn thương gồm: các bệnh lý viêm xương khớp ở cổ tay, chèn ép do hạch, bệnh lý mạch máu…

Teo cơ bàn tay do hội chứng đường hầm xương trụ

Nhận biết tổn thương

Các biểu hiện tổn thương của hội chứng kênh Guyon xuất hiện tùy thuộc vào vị trí chèn ép của dây thần kinh trụ trong kênh, có 3 vùng tổn thương tương ứng với các biểu hiện lâm sàng:

Nhóm I: thường gặp do chèn ép thân dây trụ. Biểu hiện giảm cảm giác ở ngón 4 và nửa ngón 4, yếu và teo các cơ ô mô út và liên cốt. Nếu tổn thương nặng, có triệu chứng bàn tay vuốt trụ.

Nhóm II: chiếm tỉ lệ cao nhất do nhánh sâu của dây trụ bị chèn ép ở gần cuối kênh Guyon, sát với móc của xương móc. Cảm giác bình thường, cử động bàn tay giảm độ khéo léo và không thể dạng các ngón tay. Có thể có triệu chứng bàn tay vuốt trụ nếu bệnh nặng.

Nhóm III: ít gặp nhất, chỉ tổn thương nhánh nông của dây trụ, vị trí ở chỗ gần hết kênh Guyon. Giảm cảm giác các ngón 4 và 5. Các cơ nhỏ bàn tay không bị ảnh hưởng.

Chẩn đoán và điều trị

Chẩn đoán hội chứng kênh Guyon chủ yếu dựa vào việc thăm khám lâm sàng thần kinh. Chẩn đoán điện hay còn gọi là điện cơ rất có giá trị trong chẩn đoán hội chứng kênh Guyon đồng thời giúp định khu tổn thương, đánh giá mức độ nặng của bệnh, tiên lượng và theo dõi sau điều trị. Một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác cũng có thể cần thực hiện bao gồm: chụp X-quang xương cổ bàn tay, siêu âm, MRI…Về điều trị tùy thuộc vào từng bệnh nhân và mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thích hợp. Có thể điều trị bảo tồn bằng cách bất động cổ tay, cố định cổ tay ở tư thế chức năng vào ban đêm hoặc cả ngày; vật lý trị liệu; sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm (NSAIDs); tiêm steroid tại chỗ. Các triệu chứng cải thiện dần sau 4 - 6 tuần điều trị.

Phẫu thuật được các bác sĩ chỉ định với các trường hợp nặng không có khả năng phục hồi. Mục đích nhằm giải phóng chèn ép của dây thần kinh trụ ở cổ tay, có hiệu quả trong khoảng 60 - 95% các trường hợp. Các biến chứng có thể gặp gồm: tăng cảm lòng bàn tay, tê bì dai dẳng, nhiễm trùng…

Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng

Vật lý trị liệu giúp phục hồi sức mạnh của cơ, phục hồi tầm vận động cổ tay, bàn tay. Mục đích để người bệnh phục hồi các hoạt động chức năng hàng ngày của bàn tay.

Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng bao gồm: điều trị bằng nhiệt vùng mặt trong cổ tay. Với phương pháp này bệnh nhân có thể chọn một trong các phương pháp nhiệt sau: hồng ngoại, đắp paraphin hoặc bùn khoáng, từ trường nhiệt, sóng ngắn.

Xoa bóp vùng cổ tay, bàn tay cũng có tác dụng làm mạnh cơ, giảm các triệu chứng rối loạn cảm giác, có thể sử dụng kỹ thuật di động mô mềm

Tập luyện đặc biệt quan trọng trong điều trị cũng như phòng tái phát. Tránh các tư thế làm các triệu chứng nặng thêm. Các bài tập theo tầm vận động cổ, bàn tay. Điều chỉnh các động tác khi làm việc, trong sinh hoạt. Các bài tập được thực hiện khi đang điều trị và sau điều trị.


BS. NGUYỄN MINH ĐỨC
Ý kiến của bạn
Tags: