Mặc dù đã có các quy định rất rõ ràng của Bộ Y tế nhưng hiện nay việc kê đơn thuốc vẫn còn nhiều bất cập. Không ít trường hợp bác sĩ, dược sĩ nhà thuốc bệnh viện thường kê tên thuốc theo biệt dược để đem lại nhuận cao. Đây là một thực trạng cần phải chấn chỉnh.
Rất nhiều bác sĩ vẫn chưa biết về quy định này và thường kê tên thuốc theo tên BD. Tình trạng này khá phổ biến trong bất cứ một bệnh án nào tại các bệnh viện hiện nay. Về cách viết tên BD hay tên gốc của thuốc, một số nơi vẫn chưa thống nhất mặc dù đã có quy định cụ thể của Bộ Y tế. Theo quy định của Bộ Y tế khi kê tên thuốc trong bệnh án hoặc trên đơn phải kê theo tên gốc của thuốc (generic name), nếu muốn kê BD thì phải để thêm tên thuốc gốc trong ngoặc đơn. Ví dụ: losec 20mg (omeprazole): sáng 1v, chiều 1v uống trước khi ăn 30 phút. Tuy nhiên, việc thực chi của BHXH cho các bệnh nhân có thẻ BHYT cần phải ghi rõ tên thuốc đã dùng để tiện cho việc tính tiền. Chẳng hạn, nếu người bệnh dùng thuốc cefotaxim tiêm (một loại KS nhóm cephalosporin) nếu không ghi rõ loại nào của hãng nào thì giá của nó có thể dao động trong khoảng từ 10.000 - 15.000 đ/lọ và có sự phức tạp xảy ra khi kê tên thuốc theo tên gốc hay tên BD.
Sự phức tạp của tên thuốc nhiều khi làm cả những người trong giới y học cũng không biết rõ đâu là tên thuốc gốc, đâu là tên thương mại. Thường tên gốc thuốc là tên hóa học còn gọi là DCI (Dénomination Commune Internationale) khác với từ “generic” dùng để chỉ thuốc sản xuất theo một tên BD nào đó đã hết quyền bảo vệ. Tất nhiên các hãng sản xuất thuốc muốn sản xuất phải theo tiêu chuẩn quy định. Một số labo lấy tên gốc làm tên thuốc generic. Thí dụ: thuốc parlodel (tên DCI là bromocriptine) có generic tên là bromo-kin; mopral (tên DCI là omeprazole có generic omeprazole).
Cần dùng tên thuốc gốc khi kê đơn cho bệnh nhân. |
Tên thuốc gốc DCI, tên BD, tên generic là 3 dạng tên cùng một thứ thuốc với giá bán rất khác nhau. Tên thuốc gốc là tên khoa học, hóa chất nên được dùng chung trên toàn thế giới. BD (còn gọi là reference dug, trade name) là thuốc do các labo khám phá, bào chế tự đặt tên. Thuốc này không được copy trong một thời gian nhất định (thường là 20 năm từ ngày hóa chất được tìm thấy). Ai muốn copy phải xin phép công ty đã phát minh ra thuốc đó và phải trả tiền bản quyền. Tên generic là tên những hóa chất đã thoát bản quyền, ai muốn copy thì copy nếu có đủ tiêu chuẩn sản xuất không phải trả tiền bản quyền, thành thử rẻ hơn 15-30% giá thuốc BD. Tên thuốc generic giống y như tên BD nhưng giá rẻ hơn. Thông thường nếu kê đơn bằng DCI thì dược sĩ nhà thuốc có quyền bán BD hoặc generic vì cùng một hóa chất. Trong việc dùng thuốc, yếu tố an toàn, hợp lý, hiệu quả và kinh tế được đề cập đến, tuy nhiên, yếu tố kinh tế, tức là việc tiêu tốn tiền để mua thuốc phụ thuộc rất nhiều vào việc ai phải trả tiền. Các thầy thuốc thường thích kê tên BD để bệnh nhân được dùng loại thuốc có uy tín của các hãng dược phẩm có tên tuổi. Đồng thời các thuốc này cũng thường có giá cao hơn thuốc mang tên gốc. Vì lý do kinh tế, các nhà thuốc thường muốn bán các thuốc BD để thu lợi nhuận cao hơn.
Để tránh mất bản quyền các hãng dược có thể biến đổi, thêm bớt một vài phân tử trong hóa chất nhưng vẫn giữ nguyên tác dụng thuốc thành ra thuốc mới không làm generic được. Thí dụ: tên thuốc DCI của omeprazole (một loại thuốc chữa viêm loét dạ dày tá tràng) có 2 BD là mopral và zoltum, trong đó thuốc sau là copie có trả tiền bản quyền. Omeprazole Merck, omeprazole sandoz, omeprazole arrow... là generic. Nhưng thuốc inexium DCI là esomeprazole, không có generic vì còn bản quyền, giá cao không thể thay thế được... Lẽ đương nhiên là các thuốc này đều có cùng một tác dụng nhưng giá bán khác nhau.
Sự khác nhau của thuốc chính hãng và thuốc generic là ở các công trình nghiên cứu khoa học của chúng. Thuốc mang tên generic là hàng copy nên các hãng sản xuất sau thường đưa ra thông tin chung chung là sẽ giống với thuốc chính hãng, nhưng việc làm các thử nghiệm tương đương sinh học khá tốn kém nên chưa hẳn đó là những thông tin đáng tin cậy vì lý do các nghiên cứu thực nghiệm có khách quan hay không.
Tại các BV ở Việt Nam, cần tuyên truyền mạnh mẽ để thầy thuốc cân nhắc khi kê tên thuốc cho người bệnh. Tùy theo những trường hợp cụ thể cần thiết có cách xử sự khác nhau. Nếu một bệnh nhân tự bỏ tiền túi ra để điều trị bệnh của họ, người bệnh có quyền yêu cầu dùng những thuốc biệt dược đắt tiền tuỳ theo khả năng kinh tế. Đối với các bệnh nhân đang hưởng lợi từ nguồn BHXH, cần phải cân nhắc để dùng thuốc theo tên gốc có hiệu quả điều trị tốt mà không gây thâm thủng quỹ BHXH của cộng đồng. Bởi vì nếu ai cũng đòi hỏi phải dùng thuốc thật đắt tiền thì không một quỹ BHXH nào có thể chi trả nổi mà không lo lắng đến việc vỡ quỹ như đã từng xảy ra.
ThS. Lê Quốc Thịnh