Tên lửa mới cho Su-57 là vũ khí đột phá hay chỉ phô trương?

30-04-2025 07:11 | Quốc tế
google news

SKĐS - Mới đây, truyền thông nhà nước Nga phát sóng đoạn video ghi lại cảnh Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev thị sát một loại tên lửa chưa được đặt tên, tại bãi thử Kapustin Yar ở vùng Astrakhan.

Dù chi tiết kỹ thuật không được công bố, đoạn phim ám chỉ loại tên lửa này sẽ được tích hợp với Su-57, chiến đấu cơ hiện đại nhất trong biên chế của Nga.

Tham vọng lớn giữa lúc khó khăn

Việc công bố tên lửa mới diễn ra trong bối cảnh Moscow đang đối mặt với hàng loạt thách thức, từ căng thẳng địa chính trị đến khủng hoảng kinh tế trong nước. Giới phân tích cho rằng, đây không đơn thuần là động thái phô trương năng lực quân sự mà còn nhằm khẳng định vị thế của Nga trước đối thủ phương Tây và dư luận trong nước.

Tên lửa mới cho Su-57 là vũ khí đột phá hay chỉ phô trương?- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev tại bãi thử Kapustin Yar ở vùng Astrakhan. (Nguồn: RIA Novosti)

Su-57, có tên định danh NATO là "Felon", là tiêm kích thế hệ thứ năm do Sukhoi phát triển. Nó được thiết kế để cạnh tranh với các dòng máy bay tàng hình phương Tây như F-35 Lightning II và F-22 Raptor của Mỹ. Su-57 bay thử lần đầu vào năm 2010 và chính thức được đưa vào sử dụng hạn chế từ năm 2020.

Máy bay này được trang bị các công nghệ hiện đại như hệ thống điện tử tiên tiến, khả năng siêu hành trình và thiết kế giảm tín hiệu radar. Với chiều dài khoảng 20 mét, sải cánh 14 mét và sử dụng động cơ đôi Saturn AL-41F1, Su-57 còn được kỳ vọng sẽ nâng cấp lên loại động cơ mạnh hơn Izdeliye-30 trong tương lai.

Khoang vũ khí bên trong của Su-57, yếu tố giúp duy trì tính tàng hình, có thể mang nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó có tên lửa không đối không K-77M và tên lửa hành trình Kh-69 chuyên dùng cho tấn công chính xác.

Vũ khí mới: Tín hiệu hay thực chất?

Loại tên lửa hành trình vừa lộ diện vẫn chưa được chính thức đặt tên và chưa có thông số kỹ thuật rõ ràng. Tuy nhiên, theo báo The Mirror, nó có hình dáng tương tự Kh-101, tên lửa tầm xa được Nga sử dụng nhiều trong xung đột Ukraine.

Một số nhà phân tích như Kirill Fyodorov nhận xét rằng phần đuôi của tên lửa có nét giống Kh-101 nhưng lại có những điểm khác biệt, cho thấy khả năng đây là phiên bản mới hoặc một nguyên mẫu đã được chỉnh sửa.

Nguồn tin cũng cho biết tên lửa có thể dùng động cơ phản lực và được thiết kế với "đầu đạn cải tiến". Điểm đáng chú ý là thiết kế của tên lửa dường như phù hợp để mang trong khoang bên trong của Su-57, yếu tố quan trọng giúp máy bay duy trì khả năng tàng hình khi tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ đối phương.

Nếu đúng như dự đoán, tên lửa này sẽ khác biệt với Kh-101, vốn thường được phóng từ các oanh tạc cơ chiến lược như Tu-95, vì phải thu gọn về kích thước hoặc sử dụng cánh gập để tương thích với Su-57.

Đáng chú ý, sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Nga tăng cường các đợt tấn công bằng tên lửa và UAV vào Ukraine, nhắm vào các thành phố như Kharkiv và Sumy. Theo New York Times, cuộc leo thang diễn ra giữa lúc các nỗ lực đàm phán do Mỹ dẫn đầu vẫn đang bế tắc.

Trong nước, tên lửa mới có thể là công cụ củng cố hình ảnh sức mạnh quân sự, đáp trả các chỉ trích về tổn thất trong xung đột. Trên trường quốc tế, nó có thể là lời cảnh báo nhắm vào phương Tây, nhất là trong bối cảnh NATO tiếp tục mở rộng hiện diện tại Đông Âu.

Vũ khí tương đương của phương Tây như tên lửa hành trình AGM-158 JASSM-ER của Mỹ hay Storm Shadow của Anh–Pháp đều đã được chứng minh hiệu quả trong chiến đấu. JASSM-ER có tầm bắn hơn 1.000 km và khả năng tàng hình vượt trội, trong khi Storm Shadow đã được Ukraine sử dụng hiệu quả chống lại các mục tiêu Nga.

Nếu tên lửa mới của Nga là biến thể từ Kh-101, nó có thể đạt tầm bắn lên tới 2.400 km. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của Nga vẫn nằm ở hệ thống dẫn đường và khả năng kháng nhiễu, những yếu tố phương Tây đang dẫn đầu.

Một biểu tượng, nhiều nghi vấn

Lịch sử phát triển của Su-57 cũng đầy trắc trở. Dù được thiết kế để thay thế các tiêm kích thời Liên Xô như Su-27 và MiG-29, khả năng tàng hình và tích hợp cảm biến của Su-57 vẫn bị đánh giá là thua kém F-35.

Radar N036 Byelka của Su-57 dùng công nghệ mảng quét chủ động, nhưng chưa được kiểm chứng trong điều kiện tác chiến điện tử khắc nghiệt.

Chuyến triển khai đầu tiên tại Syria năm 2018 của Su-57 chủ yếu mang tính biểu tượng với rất ít hoạt động chiến đấu thực tế.

Chi phí cao, ước tính 40–50 triệu USD mỗi chiếc, cũng gây áp lực lớn lên ngân sách quốc phòng Nga, vốn đang bị căng thẳng vì chiến sự và các chương trình hiện đại hóa khác.

Nếu tên lửa mới vượt qua giai đoạn thử nghiệm, nó vẫn sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức về tích hợp và sản xuất quy mô lớn, điều không dễ trong điều kiện hiện tại.

Su-57 từng thu hút sự quan tâm từ một số quốc gia như Ấn Độ, Algeria hay Thổ Nhĩ Kỳ. TDù vậy, thiếu năng lực sản xuất quy mô lớn khiến Nga gặp khó trong việc xuất khẩu. Một tên lửa hành trình hiện đại có thể làm tăng sức hút của Su-57, đặc biệt với các nước tìm kiếm giải pháp thay thế giá rẻ hơn phương Tây.

Cạnh tranh từ J-20 của Trung Quốc và các tiêm kích thế hệ thứ sáu sắp ra mắt ở Mỹ, châu Âu sẽ là thách thức lớn, đặc biệt nếu Su-57 không chứng minh được hiệu quả như kỳ vọng.

Su-27 Ukraine rơi khi truy đuổi UAV NgaSu-27 Ukraine rơi khi truy đuổi UAV Nga

SKĐS - Ngày 28/4, không quân Ukraine xác nhận, một tiêm kích Su-27 đã bị rơi trong lúc hỗ trợ lực lượng bộ binh và đánh chặn đợt tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Nga.


Xuân Minh
(Theo BM, Rossiyskaya Gazeta, TASS)
Ý kiến của bạn