Tên danh nhân đặt cho đường phố

16-04-2010 19:51 | Xã hội
google news

Trong một thành phố, đường phố phải có tên (hoặc ít ra cũng đánh số ký hiệu) Trước hết để xác định địa chỉ nhưng tên của đường phố còn có ý nghĩa khác lớn hơn là tôn vinh những danh nhân đất nước,

Trong một thành phố, đường phố phải có tên (hoặc ít ra cũng đánh số ký hiệu) Trước hết để xác định địa chỉ nhưng tên của đường phố còn có ý nghĩa khác lớn hơn là tôn vinh những danh nhân đất nước, những vùng đất lịch sử. Đấy còn là sự biết ơn tiền nhân và trân trọng những giá trị lịch sử, thể hiện lòng yêu nước của cư dân trên địa bàn.

Thế nhưng không ít công dân sống trên những con phố mang tên danh nhân hiện nay nhiều khi không biết người được đặt tên là ai, sống trong giai đoạn nào, công trạng cống hiến với dân tộc ra sao ngoài việc biết tên phố để ghi vào hộ khẩu, chứng minh thư, xác định nơi cư trú. Thật buồn bởi không lẽ công trạng, tên tuổi của danh nhân chỉ là phương tiện xác định địa chỉ. Ngay một cán bộ có học vị Tiến sĩ sống trên phố Đào Tấn chẳng hạn, cũng chẳng biết Đào Tấn là ai thì tên đường phố liệu còn ý nghĩa gì. Việc gắn biển tên danh nhân vào đường phố rõ là đang thiếu ý nghĩa giáo dục khi mà sau quyết định của cấp hữu quan là biển tên phố xuất hiện mà thiếu hẳn việc để dân hiểu ý nghĩa tên đường phố mà mình đang sống được mang tên.

Suy cho cùng, tên tuổi của danh nhân còn là tinh thần sống, là hành trang của thời đại trên con đường tiến về phía trước. Tên tuổi và công trạng của danh nhân không còn là của họ mà là tài sản chung của cả xã hội, cả dân tộc để làm nên niềm tự hào về mảnh đất mình đang sống. Đấy còn là văn hóa, bởi tên tuổi ấy làm nên di sản để lại và trong mọi di sản để lại thì di sản dành cho nhân loại, cống hiến cho dân tộc là di sản giá trị nhất, vô giá nhất cần được lưu giữ trong lòng mỗi người đang sống. Phải chăng việc tôn vinh các danh nhân và những giá trị tinh thần của họ không được chúng ta nhận thức rõ tầm quan trọng mang tính văn hoá dù đây đó vẫn có những hô hào tôn trọng truyền thống, tự hào về đất nước nhưng trong hành động nhiều khi hình thức hoặc lãng quên.

Một dạo ở Hà Nội có tin định tìm một khu đất dựng một "Văn Miếu" nữa nhưng sao không thể tìm mảnh đất ấy ngay trong lòng thành phố bằng cách trên mỗi phố, tại nơi trang trọng, đẹp đẽ và rộng rãi nhất dựng lên tấm bia đá khắc lên đó tên tuổi, cống hiến của danh nhân mà đường phố ấy mang tên. Cư dân trên đường phố hiểu hơn và tự hào về con đường, dãy phố mình mang tên, người nơi khác đến, kể cả khách nước ngoài cũng hiểu sâu hơn về thành phố. Nếu trong mỗi thành phố, trên những con đường đều có những tấm bia được dựng dưới bóng cây mát để nói về danh nhân thì chắc chắn đấy là cách dạy lịch sử hay nhất như mong muốn của Bác Hồ "Dân ta phải biết sử ta". Truyền thống và sự hiểu biết truyền thống nhiều khi phải được ngấm dần qua năm tháng một cách tự nhiên chứ không thể có ngay được qua một lớp học cấp tập, cung cấp dồn dập thông tin.

Đường phố mang tên danh nhân là sự tôn vinh những giá trị tinh thần mà danh nhân để lại, là tôn vinh những giá trị văn hoá lớn lao của một dân tộc để mang giá trị văn hoá ấy vào đời sống hiện tại làm nên sức mạnh của niềm tự hào đưa dân tộc vượt ra biển lớn, bước lên tầm cao mới.

Lê Quý Hiền

Ý kiến của bạn