Tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện tử: Ai được lợi?

27-09-2017 11:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Vấn đề an toàn thực phẩm luôn là chủ đề nóng của toàn xã hội. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng là tất yếu, giúp hạn chế sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các sản phẩm của các cơ sở làm ăn chân chính trên thị trường.

Truy xuất nguồn gốc là giải pháp cho phép người tiêu dùng (NTD) thu thập đầy đủ thông tin về sản phẩm sử dụng hàng ngày, truy nguyên từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối thông qua điện thoại smartphone. Giải pháp này phát huy lợi ích trong đảm bảo an toàn thực phẩm, chống hàng giả.

Hiện nay, đa số các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đều xây dựng quy trình truy xuất hàng hóa. Song, các đơn vị này không thực hiện việc truy xuất điện tử mà làm bằng tay. Mã số được sử dụng để truy xuất không phải người nào cũng có thể nhận biết được tức là mã này theo những quy chuẩn chung tự đơn vị đặt mã nên chỉ đơn vị đó hiểu mã đó. Với cách làm này, khả năng DN hội nhập toàn cầu bị hạn chế vì cách làm truy xuất nguồn gốc thủ công này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi quản lý bằng giấy tờ, mã đó được in trên sản phẩm và khi vận chuyển đến, đơn vị nhận hàng phải chụp hình mã đó gửi về và đơn vị xuất hàng phải vào kho lục lại giấy tờ để kiểm tra, xác nhận. Đây là phương pháp làm thủ công gây nhiều khó chịu cho các DN do có quá nhiều hàng hóa và có quá nhiều nguồn khác nhau. Do đó, khi dùng hệ công cụ tem truy xuất QR code, người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone chụp lại tem truy xuất và có thể biết được mọi thông tin về sản phẩm mình đang chuẩn bị mua.Từ mớ rau, quả dưa cũng đều dễ dàng được người dân tra cứu nguồn gốc nhờ tem truy xuất điện tử.

Từ mớ rau, quả dưa cũng đều dễ dàng được người dân tra cứu nguồn gốc nhờ tem truy xuất điện tử.

Trên thị trường hiện nay xuất hiện rất nhiều DN sử dụng tem truy xuất nguồn gốc dành riêng cho DN mình như: VinaCheck, TraceVerified… Tuy nhiên, ưu việt nhất có thể kể đến - đó là tem truy xuất nguồn gốc Agricheck của Công ty CP Đại Thanh (Bắc Ninh) hiện đang áp dụng cho các sản phẩm gạo của mình. Thực tế, nhiều DN đã hướng đến sản xuất các loại thực phẩm đạt chuẩn Gap, GlobalGap… Những sản phẩm chất lượng cao này đã được chuyển đến tay người tiêu dùng nhưng trên bao bì chỉ có nhãn hiệu, ngày sản xuất, hạn sử dụng mà không hề có thông tin cụ thể gì về quy trình. Tem truy xuất nguồn gốc Agricheck của Công ty CP Đại Thanh (Bắc Ninh) đã làm được việc đó.

Ông Nguyễn Đức Trường - Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Thanh (Bắc Ninh)  cho biết, tem Agricheck giúp cho các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý các lô hàng kém chất lượng hoặc hàng giả và giúp cho việc kiểm soát chặt chẽ các hàng hóa đưa vào thị trường một cách minh bạch và rõ ràng đồng thời làm hạn chế lượng hàng kém chất lượng, hàng giả lưu thông trên thị trường, giúp người tiêu dùng được tiếp cận một hệ thống cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ nhất, truy xuất nguồn gốc về sản phẩm từ khâu sản xuất, nguyên liệu, đóng gói và vận chuyển phân phối.

Theo Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) Nguyễn Phú Cường: Gần đây, cụm từ “Công nghiệp 4.0” hay “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ngày càng trở nên phổ biến. Với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu KH&CN hiện đại trong các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới và của Việt Nam trong một tương lai không xa.

Tem truy xuất nguồn gốc điện tử chỉ là một chấm nhỏ trong sản phẩm thời công nghiệp 4.0 này, nhưng đó là một dấu hiệu vô cùng quan trọng, đem lại uy tín cho DN sản xuất cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.


Kiều Tú
Ý kiến của bạn