Té ngã do thuốc và cách phòng tránh

01-05-2020 11:15 | Thông tin dược học

SKĐS - Ngã là nguyên nhân phổ biến gây chấn thương và tử vong ở người cao tuổi. Một số loại thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ té ngã. Vậy làm thế nào có thể phòng tránh nguy cơ này khi dùng thuốc?

Vì sao thuốc có thể gây ngã?

Bất kỳ loại thuốc nào tác động lên não (thuốc hướng tâm thần) hoặc ảnh hưởng đến chức năng tim mạch đều có thể làm tăng nguy cơ té ngã. Thuốc hướng tâm thần thường làm tăng nguy cơ ngã do ảnh hưởng của thuốc đối với chức năng nhận thức dẫn đến an thần, thời gian phản ứng chậm hơn và mất cân bằng. Thuốc tim mạch thường làm giảm huyết áp với hạ huyết áp hoặc ảnh hưởng đến nhịp tim, dẫn đến nhịp tim chậm, nhịp tim nhanh hoặc kéo dài thời gian tâm thu.

Hạ đường huyết do thuốc cũng là một trong nhiều yếu tố có liên quan đến té ngã ở những người mắc bệnh đái tháo đường.

Một số thuốc gây tác dụng phụ như: Lơ mơ, yếu người, mệt mỏi, hoa mắt, buồn ngủ, hạ huyết áp, hạ đường huyết làm tăng nguy cơ gây ngã.

Bệnh nhân có nguy cơ bị té ngã do dùng thuốc như: Người cao tuổi, người yếu cơ, người ít vận động, mắc các bệnh mạn tính, dùng một số thuốc làm tăng nguy cơ gây ngã...

Cảnh giác với một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.

Cảnh giác với một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.

Các loại thuốc có nguy cơ gây té ngã

Có 7 nhóm thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ té ngã. Đó là: Thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc lợi tiểu, benzodiazepin, thuốc an thần và thuốc ngủ, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống viêm không steroid.

Thuốc an thần và benzodiazepine (lorazepam, diazepam, temazepam, alprazolam): Đây là những thuốc thường được kê cho người già. Benzodiazepin được sử dụng phổ biến nhất cho người già để điều trị rối loạn giấc ngủ và giảm lo âu. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy một mối liên quan đáng kể giữa việc sử dụng thuốc benzodiazepin và ngã hoặc gãy xương. Việc ngừng sử dụng benzodiazepin phải được xem xét thật cẩn thận vì có thể gây nguy hiểm khi ngừng các thuốc benzodiazepin đột ngột.

Thuốc chống trầm cảm: Việc sử dụng các thuốc chống trầm cảm có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ té ngã. Ngoại trừ bupropion có thể gây hạ natri máu. Tỷ lệ hạ natri máu được báo cáo thay đổi nhưng có xu hướng cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân bị gãy xương so với những người không bị gãy xương.

Thuốc chống loạn thần: Việc sử dụng thuốc an thần kinh và thuốc chống loạn thần làm tăng nguy cơ té ngã tái phát ở người lớn tuổi. Các thuốc chống loạn thần được kê toa phổ biến chủ yếu là các thuốc thế hệ thứ hai, bao gồm: risperidone, quetiapine, olanzapine và aripiprazole...

Thuốc điều trị tăng huyết áp và thuốc lợi tiểu: Bất kỳ loại thuốc nào làm giảm huyết áp hoặc làm chậm nhịp tim có thể gây ngã, cảm giác yếu, mất ý thức, đặc biệt trong trường hợp dùng đa thuốc. Thuốc tim mạch nói chung góp phần gây ngã do hạ huyết áp, hạ huyết áp thế đứng, ngất hoặc choáng váng. Thuốc lợi tiểu có thể liên quan đến nguy cơ té ngã cao hơn các nhóm thuốc điều trị huyết áp khác.

Thuốc giảm đau opioid: Bao gồm codein, hydrocodone, oxycodone, morphin, fentanyl và methadone. Opioid thường gây buồn ngủ và nhiều tác dụng phụ khác, trong đó có té ngã. Tuy nhiên, khuyến cáo sử dụng opioid nên được đánh giá là một phần của việc quản lý rủi ro té ngã.

Thuốc kháng cholinergic: Đây là những thuốc có đặc tính hóa học là ngăn chặn chất dẫn truyền thần kinh acetylcholin. Các nghiên cứu lâm sàng về thuốc kháng cholinergic và nguy cơ ngã đã cho thấy kết quả hỗn hợp. Tuy nhiên do thuốc kháng cholinergic có thể gây buồn ngủ, nhiều chuyên gia tin rằng hợp lý khi đưa chúng vào khi xem xét các loại thuốc có nguy cơ gây té ngã.

Ngoài ra, một số thuốc khác cũng gây té ngã như thuốc kháng histamin an thần (diphenhydramin, clopheniramin),  thuốc chống động kinh (phenobarbital, phenytoin, carbamazepin, valproate), thuốc điều trị bàng quang hoạt động quá mức: (oxybutynin, tolterodin), thuốc trị chứng chóng mặt, say tàu xe hoặc buồn nôn (meclizin, scopolamin, promethazine), thuốc uống trị ngứa (hydroxyzin, diphenhydramine), thuốc giãn cơ (cyclobenzaprine), thuốc hạ đường huyết, thuốc chống viêm không steroid.

Có thể dự phòng té ngã do thuốc?

Một số biện pháp làm giảm nguy cơ gây ngã liên quan đến thuốc như:

Khuyên bệnh nhân báo với nhân viên y tế nếu bị ngã gần đây: Nhân viên y tế cần xem lại các thuốc của bệnh nhân xem có thuốc nào làm tăng nguy cơ gây ngã không. Có thể phải giảm liều hay đổi sang thuốc khác cho bệnh nhân. Tránh dùng thuốc lợi tiểu gần thời điểm đi ngủ. Tránh dùng rượu khi đang dùng thuốc. Tránh đứng dậy quá nhanh. Tập luyện để cải thiện thăng bằng và sức mạnh của chân.

Tạo môi trường an toàn: Hạn chế dùng thảm trải nhà dễ bị trượt, bỏ bớt các đồ dùng gây chướng ngại vật trên đường đi, đủ ánh sáng, đi dép không mòn, có tay vịn, gậy hỗ trợ.


DS. Phạm Thị Thanh Loan
Ý kiến của bạn