Tê bì chân tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

27-09-2024 14:50 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tê bì chân tay là một triệu chứng phổ biến, có thể gặp từ người già đến người trẻ. Nếu tình trạng này kéo dài mà không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng khó lường như: đau nhức, teo cơ hoặc bại liệt.

Tê bì thực chất là tình trạng rối loạn cảm giác hay dị cảm một phần hoặc hoàn toàn ở một số vị trí trên cơ thể. Tình trạng này thường đi kèm với cảm giác đau nhói bất thường như kim châm không liên quan đến kích thích cảm giác.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có cảm thấy đau, liệt ngọn chi,… Thông thường tê bì liên quan đến các rối loạn chức năng của thần kinh ngoại vi.

1. Tê bì chân tay là gì?

Tê bì chân tay (Numbness of Limb) là hội chứng bệnh thần kinh phổ biến nhất, có thể bắt gặp ở bất kỳ ai dù là từ thanh thiếu niên hay những người cao tuổi và gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Tê bì chân tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Tê bì chân tay là hội chứng bệnh thần kinh phổ biến, có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi.

Đối tượng dễ mắc phải tình trạng tê tay chân:

Người cao tuổi

Đối tượng có nguy cơ cao nhất là những người già, vì ở người lớn tuổi, xương khớp sẽ lão hóa theo thời gian, dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, do tính chất của công việc, những người làm nghề lái xe đường dài, làm việc văn phòng có tiếp xúc với máy tính trong nhiều giờ liên tục, hay những người thường xuyên phải lao động động chân tay nặng, người bị chấn thương trong lúc làm việc, luyện tập thể thao hay bị tai nạn giao thông… cũng là những đối tượng dễ bị tê tay chân.

Bệnh nhân rối loạn chuyển hóa

Không chỉ vậy, các bệnh rối loạn chuyển hóa như: đái tháo đường, mỡ máu cao cũng là những nguyên nhân thường gặp gây nên chứng tê bì chân tay. Nguyên nhân là do ở nhóm bệnh này có sự tổn thương vi mạch dẫn tới tình trạng thiếu hụt máu cung cấp nuôi dưỡng dây thần kinh. Biểu hiện lúc đầu có thể chỉ đơn giản là rối loạn co thắt mạch máu, khi co thắt dẫn tới thiếu máu gây tê tay chân.

Các triệu chứng này hoàn toàn có thể khắc phục nếu được phát hiện sớm giúp giảm, thậm chí hết tê bì nhưng nếu không chữa trị sớm mà để bệnh trở nặng hơn sẽ khiến mạch máu chít hẹp, tắc mạch sẽ dẫn tới tình trạng teo cơ, trợt loét.

Phụ nữ sau sinh

Tê tay sau sinh cũng là hiện tượng phổ biến ở phụ nữ sau khi sinh với biểu hiện là các ngón tay thi thoảng bị tê cứng, có thể kèm theo tê buốt, châm chích hoặc chuột rút. Cơn đau có thể bị lan sang các vùng như cẳng chân, mông, đùi,… thậm chí có thể hạn chế khả năng di chuyển nêu không được điều trị sớm.

Tê bì chân tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Tê bì tay chân có thể là biểu hiện sinh lý nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý.

2. Nguyên nhân gây bệnh tê bì chân tay

Viện Rối loạn thần kinh và đột quỵ Quốc gia (NINDS) cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tê bì chân tay trái, phải kèm theo đau nhức xương khớp, trong đó có hơn 75% trường hợp tê tay chân là do bệnh lý sau:

Thoái hóa cột sống

Thường xảy ra về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết, thoái hóa cột sống khiến sụn khớp, đốt sống bị bào mòn, cọ xát với rễ thần kinh gây đau nhức, tê bì vùng cổ lan xuống hai tay hoặc đau từ thắt lưng xuống hai chân.

Thoát vị đĩa đệm

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân gây tê tay chân phổ biến, thường gặp ở đĩa đệm cột sống cổ và thắt lưng. Tình trạng này xảy ra khi nhân nhầy tràn ra khỏi bao xơ đĩa đệm sẽ chèn ép dây thần kinh cột sống, từ đó dẫn đến tê bì cánh tay cùng hai chân khiến vận động của cơ thể bị hạn chế.

Thoái hóa khớp

Khi khớp tay, khớp đầu gối hoặc khớp háng bị bào mòn, tổn thương do các yếu tố tiêu cực sẽ làm tay, chân vận động khó khăn và dẫn đến tê bì cánh tay, bàn chân.

Viêm đa khớp dạng thấp

Tình trạng khớp tay, khớp chân bị viêm nhiễm, tổn thương cũng sẽ gây tê bì tay chân và thường xảy ra sau khi nằm hoặc ngồi quá lâu tại một vị trí và đi kèm cơ cứng khớp.

Hẹp ống sống

Đây là một loại bệnh bẩm sinh với tình trạng cột sống bị biến dạng, thu nhỏ lại, làm các rễ thần kinh chạy qua bị chèn ép, gây ra gây tê tay chân liên tục kéo dài. Tình trạng này nếu để lâu sẽ gây tắc nghẽn lưu thông máu, vận động khó khăn.

Đa xơ cứng

Các vấn đề liên quan đến thị lực, tê, ngứa, yếu cơ… là biểu hiện của đa xơ cứng. Bệnh này có tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương màng bọc Myelin và dẫn đến triệu chứng tê bì chân tay.

Viêm đa rễ thần kinh

Tình trạng này xảy ra khi hệ thần kinh ngoại biên bị tổn thương làm rối loạn cảm giác, dẫn đến tê tay chân. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, sặc phổi.

Xơ vữa động mạch

Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nên các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não. Dấu hiệu tê tay chân là do các khối vật chất bất thường bám lên thành mạch gây xơ cứng, hẹp lòng mạch, chèn ép dây thần kinh.

3. Một số nguyên nhân khác gây tê bì chân tay

Làm việc không khoa học

Bê vác vật nặng, ngồi, đứng quá lâu ở một tư thế, lười vận động và thường xuyên ngồi dưới máy lạnh sẽ gây tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê tay chân, cơ thể mệt mỏi.

Tê bì chân tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Căng thẳng, stress có thể là nguyên nhân gây tê bì tay chân.

Sinh hoạt sai tư thế

Những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày như: nằm nghiêng người, gối quá cao, đi giày cao gót thường xuyên,… đều có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến tê chân tay.

Nguyên nhân tê tay chân do chấn thương

Dây thần kinh ngoại biên có thể bị tổn thương do ngã, tai nạn, va chạm cũng sẽ khiến tê bì chân tay.

Thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi

Tâm trạng mệt mỏi, căng thẳng do áp lực công việc, cuộc sống kéo dài có thể kích thích các tế bào thần kinh gần bề mặt da, gây ra hiện tượng ngứa và tê bì.

4. Triệu chứng thường gặp của tê bì tay chân

Các dấu hiệu khởi phát ban đầu của tê chân tay thường rất nhẹ: tê các đầu ngón tay, châm chích, dị cảm, kiến bò, chuột rút, nhức mỏi… Do đó mà người bệnh rất dễ chủ quan, không thăm khám sớm. Khi bệnh càng để lâu thì mức độ tê đau sẽ càng tăng, lúc này, các ngón tay bị tê nhức, tê buốt nhiều hơn, nhanh chóng lan cơn đau nhức xuống dọc cánh tay, cẳng tay gây khó cử động và cầm nắm.

Đồng thời, ở các ngón chân, bàn chân, cổ chân, cẳng chân, đùi, mông, vùng thắt lưng… cũng có thể xuất hiện tình trạng tương tự.

Ngoài ra, một số triệu chứng bệnh có thể xảy ra tùy vào các nguyên nhân như đau vai gáy, đau thắt lưng do thoái hóa cột sống; đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng; biểu hiện ăn nhiều, uống nhiều trong đái tháo đường; liệt vận động trong viêm đa dây thần kinh;…

5. Biến chứng của tê bì tay chân

Nhiều người thường có xu hướng coi thường, xem nhẹ, thậm chí bỏ qua việc điều trị tê tay chân, mà không biết rằng điều này có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe cũng như cuộc sống.

Thường xuyên gây đau nhức, tê buốt khiến người bệnh mất ăn, mất ngủ, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng vận động, đi lại, khó khăn trong sinh hoạt và làm việc. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề như: đại tiểu tiện không tự chủ, teo cơ, liệt chi… Việc không điều trị sớm cũng có thể dẫn đến các khối u, ung thư chèn ép vào hệ thống dây thần kinh, nguy hiểm đến tính mạng.

6. Phương pháp chẩn đoán tê bì chân tay

Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh để tìm ra các dấu hiệu bất thường. Một số phương pháp thường được chỉ định thực hiện gồm:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cắt lớp vi tính CT
  • Chụp cộng hưởng MRI
  • Điện cơ đo lường mức độ của cơ bắp

Kết quả kiểm tra cận lâm sàng kết hợp triệu chứng lâm sàng sẽ là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

7. Cách xử trí và điều trị tê bì tay chân

Tùy theo tình trạng bệnh lý của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa, sử dụng các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), phối hợp với paracetamol, các vitamin nhóm B đường uống hoặc đường tiêm,…

Bên cạnh đó, dựa vào căn nguyên gây bệnh mà bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị kết hợp:

  • Đái tháo đường: Kiểm soát đường huyết tốt.
  • Rối loạn chuyển hóa Lipid máu: Kiểm soát lipid máu ở ngưỡng an toàn.
  • Thiếu vitamin: Bổ sung vitamin.
  • Thoái hóa cột sống: Điều trị thoái hóa.
  • Viêm khớp: Điều trị viêm khớp.
  • Nhiễm độc: Điều trị nhiễm độc.

BSCKII Ngô Xuân Lam
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh
Ý kiến của bạn