Hà Nội

Tế bào gốc mô mỡ tự thân - Giải pháp phục hồi sụn khớp

10-11-2016 18:56 | Dược
google news

SKĐS - Thoái hóa khớp gối là một bệnh thường gặp từ lứa tuổi trung niên trở đi và gần đây xuất hiện ở cả người trẻ.

Thoái hóa khớp gối là một bệnh thường gặp từ lứa tuổi trung niên trở đi và gần đây xuất hiện ở cả người trẻ. Ở người trên 35 tuổi, 52% có biểu hiện ít nhất một triệu chứng của thoái hóa khớp như đau khớp, hạn chế cử động khớp gối và lên tới 80% ở người trên 70 tuổi.

Thoái hóa khớp gối - Nỗi lo của chất lượng sống

Về cơ bản, thoái hóa khớp là tổn thương thoái hóa chủ yếu của sụn khớp, do quá trình sinh tổng hợp chất cơ bản (proteoglycan) bởi các tế bào sụn có sự bất thường. Đặc trưng của bệnh là quá trình mất sụn khớp của tế bào dưới sụn và tổ chức xương cạnh khớp tân tạo, phối hợp với tổn thương của các sợi liên kết, các cơ quanh khớp, bao khớp và màng hoạt dịch. Nguyên nhân thực sự của bệnh thoái hoá khớp vẫn chưa được khẳng định, đó có thể là hậu quả của quá trình chuyển hóa sụn trong đó hoạt động thoái hoá vượt trội hơn hoạt động tổng hợp. Các yếu tố tham gia vào quá trình này là tuổi già, béo phì, di truyền, do chấn thương, thể thao, nghề nghiệp và thay đổi nội tiết ở phụ nữ.

Sử dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân trong điều trị thoái hóa khớp gối.

Sử dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân trong điều trị thoái hóa khớp gối.

Bệnh thoái hóa khớp gối ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Người bệnh bị thoái hóa khớp gối phải chịu đựng những cơn đau nhức dai dẳng đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa, ảnh hưởng nhiều tới chế độ sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang… Tình trạng sưng khớp do thoái hóa khớp dẫn tới khó khăn trong vận động, co duỗi khớp có khi cứng khớp không thể đi lại được, đặc biệt là vào thời gian buổi sáng lúc mới ngủ dậy, nhiều bệnh nhân phải mất một khoảng thời gian nhất định để làm ấm khớp, giúp cho việc cử động được dễ dàng hơn. Sau một thời gian bị thoái hóa khớp, sụn khớp bị hư hại, bào mòn dần sẽ dẫn đến mất sụn, các đầu xương cọ vào nhau gây đau đớn cho người bệnh. Cấu trúc khớp sẽ bị biến đổi dẫn tới mất chức năng vận động, tàn phế. Ít ai biết rằng thoái hóa khớp là nguyên nhân gây tàn phế lớn thứ 4 của con người.

Chính vì mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống và tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng, với dân số gần 90 triệu người và số người cao tuổi đang dần tăng lên, có thể thấy nhu cầu cần điều trị của bệnh thoái hóa khớp gối ở Việt Nam là rất lớn và cấp thiết.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối

Hiện nay, việc điều trị thoái hóa khớp gối chủ yếu làm giảm triệu chứng bao gồm chỉ định nội khoa với các loại thuốc giảm đau chống viêm, tiêm chất nhờn ổ khớp… kết hợp với các phương pháp như giáo dục bệnh nhân về phòng ngừa, chống các tư thế xấu, các yếu tố nguy cơ nặng bệnh, vật lý trị liệu hầu hết đều nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân và duy trì chức năng vận động khớp gối chứ chưa giải quyết được tận gốc bản chất của bệnh là tổn thương mất sụn khớp.

Biện pháp điều trị ngoại khoa thoái hoá khớp gối như đục xương chỉnh trục, nội soi rửa - bao khớp, thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối chỉ định cho các trường hợp hạn chế chức năng nhiều, kháng lại với các phương thức điều trị nội khoa và thường là ở giai đoạn muộn của thoái hóa khớp đặc biệt là phương pháp thay khớp gối nhân tạo, tuy nhiên cũng e ngại đến những biến chứng của khớp giả (nhiễm trùng, tổn hại thần kinh) và khớp giả chỉ có thể được sử dụng dao động trong khoảng 10 - 15 năm.

Rõ ràng có một nhu cầu cấp thiết cần một kỹ thuật điều trị mới thực sự tác động tới sự phục hồi sụn khớp, phối hợp tốt với các phương pháp hiện tại, cải thiện các biến chứng cũng như các mặt hạn chế của chúng. Sử dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân để điều trị thoái khớp là phương pháp điều trị bảo tồn, đáp ứng được nhu cầu bức thiết đó.

Liệu pháp tế bào gốc mô mỡ tự thân – Định hướng của tương lai

Với liệu pháp sử dụng tế bào gốc tự thân, tế bào gốc của chính bệnh nhân được phân tách từ mô mỡ, sau đó được kích hoạt và tiêm vào ổ khớp. Dưới sự kích thích của các tác nhân tại chỗ tế bào gốc sẽ phát huy các tác dụng khác nhau bao gồm việc biệt hóa thành tế bào sụn; chống viêm; kích thích mô tại chỗ phát triển thông qua việc tiết ra các yếu tố tăng trưởng... Như vậy, phương pháp này có các ưu điểm vượt trội so với các phương pháp khác ở chỗ nó giải quyết được tận gốc tổn thương sụn khớp vốn là nguyên nhân gây thoái hóa khớp. Kỹ thuật này bổ sung một mắt xích quan trọng cho chuỗi liệu pháp hiện tại, đạt hiệu quả cao và an toàn, góp phần cải thiện chất lượng sống và tuổi thọ.

Qua nghiên cứu tài liệu, kết quả các công trình nghiên cứu sản xuất và ứng dụng tế bào gốc trên thế giới, đồng thời để đáp ứng tình hình thực tế ở nước ta về xu hướng, nhu cầu phát triển ứng dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh, dựa trên các căn cứ về con người, năng lực, cơ sở vật chất, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 95/QĐ-BYT cho phép Bệnh viện Bạch Mai được triển khai kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc mô mỡ tự thân từ năm 2012.

Kỹ thuật phân tách tế bào gốc mô mỡ tự thân ứng dụng cho điều trị thoái hóa khớp gối được Bệnh viện Bạch Mai sử dụng những công nghệ tiên tiến với nhiều ưu điểm đã và đang được nghiên cứu và thực hiện tại nhiều nước trên thế giới nhằm đảm bảo tính hiệu quả của kỹ thuật điều trị nhờ khai thác được nhiều tế bào, thủ thuật tiến hành đơn giản, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và thời gian điều trị ngắn. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ nhân viên y tá, bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh nhân sau khi được điều trị bằng kỹ thuật tế bào gốc mô mỡ tự thân sẽ không còn phải chịu đựng các cơn đau tái diễn nhiều lần trong khoảng thời gian dài, cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo một nghiên cứu về phân loại bệnh, thoái hóa khớp gối chiếm 10,41% số bệnh nhân nhập viện tại Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh thường gặp ở các khớp chịu lực, trong đó ở Việt Nam hay gặp nhất là thoái hóa khớp gối, đặc biệt ở bệnh nhân nữ. Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai mỗi tháng điều trị nội trú khoảng 30-50 lượt bệnh nhân thoái hóa khớp gối, số bệnh nhân ngoại trú rất lớn, gấp 2-3 lần bệnh nhân nội trú, tổng cộng khoảng 100-200 lượt bệnh nhân mỗi tháng.


TS. Nguyễn Mai Hồng
Ý kiến của bạn