1. Mụn trứng cá là gì?
Mụn trứng cá là một tình trạng da xảy ra khi các nang lông bị bịt kín bởi dầu và tế bào da chết… Nó gây ra mụn đầu trắng, mụn đầu đen hoặc mụn nhọt.
Mụn trứng cá ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở thanh thiếu niên.
4 yếu tố chính gây ra mụn trứng cá:
- Sản xuất dầu (bã nhờn) dư thừa
- Các nang lông bị tắc nghẽn bởi dầu và tế bào da chết
- Vi khuẩn
- Viêm
Hình ảnh mụn trứng cá.
2. Các phương pháp điều trị mụn trứng cá
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc bôi hoặc/và kết hợp với thuốc uống.
Các thuốc được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá bao gồm:
- Thuốc bôi: Retinoids và các loại thuốc giống retinoid, thuốc kháng sinh, axit azelaic và axit salicylic…
- Thuốc uống: Thuốc kháng sinh, thuốc uống tránh thai phối hợp, các tác nhân chống androgen, isotretinoin…
Bên cạnh đó có thể sử dụng liệu pháp trị liệu như: Liệu pháp ánh sáng, tiêm steroid...
3. Hy vọng liệu pháp mới từ tế bào da trị mụn trứng cá
Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, mụn trứng cá là một trong những bệnh da liễu phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến 50 triệu người Mỹ mỗi năm. Nó cũng nằm trong số ít được nghiên cứu nhất.
Chúng ta biết rằng các nang lông hỗ trợ sự phát triển của mụn, nhưng nghiên cứu mới cho thấy các tế bào da bên ngoài các nang lông này đóng một vai trò lớn hơn.
"Trước đây, người ta cho rằng các nang lông là yếu tố quan trọng nhất để mụn trứng cá phát triển. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã xem xét các tế bào bên ngoài nang lông và nhận thấy chúng có tác động lớn tới việc kiểm soát vi khuẩn và sự phát triển của mụn trứng cá. Những phát hiện này có thể thay đổi cách chúng ta điều trị mụn trứng cá" - TS Richard Gallo, Giáo sư Da liễu và chủ nhiệm Khoa Da liễu tại Trường Y UC San Diego cho biết.
Các tế bào này được gọi là nguyên bào sợi, phổ biến trong các mô liên kết khắp cơ thể. Trên da, chúng tạo ra một peptide kháng khuẩn gọi là cathelicidin. Để chống lại tình trạng nhiễm trùng trong nang lông, vùng da xung quanh trải qua một quá trình gọi là tạo mỡ phản ứng, trong đó các nguyên bào sợi biến đổi thành tế bào mỡ.
Cathelicidin cũng được sản xuất để giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách ngăn chặn vi khuẩn có thể gây ra mụn trứng cá. Các nhà khoa học đã tình cờ khám phá ra vai trò của cathelicidin - TS Gallo cho biết.
Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Alan O'Neill tại trường Y UC San Diego thông tin: "Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu của mình với mong muốn hiểu được đặc tính sinh học của mụn trứng cá và xem xét vai trò của các nguyên bào sợi, vì nguyên bào này thường cung cấp hỗ trợ cấu trúc ở các lớp sâu hơn của da. Thay vào đó, những gì chúng tôi phát hiện ra là những tế bào này đã được kích hoạt để tạo ra một lượng lớn chất kháng khuẩn quan trọng, cathelicidin, để phản ứng lại vi khuẩn gây mụn có tên là Cutibacterium acnes".
Hình ảnh hiển vi của một mụn viêm với cathelicidin nhuộm màu đỏ, các tế bào mỡ được nhuộm màu xanh lá cây và nhân của mọi tế bào được nhuộm màu xanh lam. Bởi vì cathelicidin được sản xuất từ các tế bào mỡ, sự nhuộm màu của chúng sẽ kết hợp với nhau.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện sinh thiết da trên những bệnh nhân bị mụn trứng cá được điều trị trong vài tháng bằng retinoid, một loại hóa chất có nguồn gốc từ vitamin A có thể tăng cường sức khỏe làn da. Trước sự ngạc nhiên của các nhà nghiên cứu, loại thuốc này đã tăng cường sự biểu hiện của cathelicidin sau khi điều trị. Từ đó, họ lại tìm ra một cơ chế khác chưa giải thích được của retinoid trong việc điều trị mụn trứng cá.
Để kiểm chứng những phát hiện này, các nhà khoa học đã nghiên cứu các tổn thương da trên chuột được tiêm vi khuẩn gây mụn và quan sát được các phản ứng sau điều trị tương tự ở chuột.
TS. Gallo cho biết: "Việc cathelicidin được biểu hiện rất nhiều trong mô sinh thiết mụn trứng cá là một phát hiện rất thú vị đối với chúng tôi. Điều này sẽ hữu ích trong việc phát triển một liệu pháp điều trị mụn trứng cá có mục tiêu hơn".
Hiện nay, phương pháp điều trị bằng retinoid tập trung vào việc kiểm soát sự phát triển của lipid trong tế bào da. Một tác dụng phụ nghiêm trọng của các loại thuốc này là gây dị tật thai nhi ở người mang thai. Điều này hạn chế việc sử dụng các loại thuốc này chỉ trong những trường hợp nghiêm trọng. Nhóm nghiên cứu hy vọng những phát hiện này có thể hỗ trợ việc phát triển một cách điều trị mụn trứng cá có mục tiêu hơn.
TS. O’Neill nhấn mạnh, nghiên cứu này có thể giúp tìm ra các lựa chọn điều trị mới nhắm vào khả năng sản xuất cathelicidin của nguyên bào sợi. Từ đó tạo ra một phương pháp điều trị mụn trứng cá hiệu quả hơn với ít tác dụng phụ hơn.
4. Cách phòng ngừa mụn trứng cá
Để phòng ngừa mụn trứng cá nên:
- Rửa mặt hàng ngày bằng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ.
- Thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm.
- Khi trang điểm nên sử dụng các sản phẩm "không gây mụn" và tẩy trang vào cuối mỗi ngày.
- Không đưa tay lên mặt…
Mời độc giả xem thêm video:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng