TCMR tiếp tục duy trì thành quả và hướng tới các mục tiêu quan trọng

01-10-2013 10:30 | Tin nóng y tế
google news

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 1985 và đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) được triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 1985 và đã đạt được những kết quả to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em. Việt Nam được quốc tế công nhận là quốc gia đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi. Nhờ có vắc-xin và sự triển khai rộng rãi hoạt động tiêm chủng, nhiều thế hệ trẻ em đã được bảo vệ khỏi nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Với những hiệu quả to lớn của tiêm chủng mang lại, cùng với việc tiêm trở lại vắc-xin Quinvaxem, sẽ có thêm vắc-xin mới được đưa vào chương trình TCMR, mở ra nhiều hy vọng cho sức khỏe cộng đồng. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về TCMR, phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban Quản lý dự án TCMR về vấn đề này.

PV: Xin GS cho biết hiệu quả của việc triển khai các vắc-xin trong chương trình TCMR?

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển:Vắc-xin là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh truyền nhiễm. Không giống như các can thiệp y tế khác, vắc-xin giúp cho dự phòng và bảo vệ sức khỏe cho con người và qua đó góp phần tạo nên những thế hệ khỏe mạnh. Hiện nay, đã có hơn 30 bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng được bằng vắc-xin. Ngoài việc làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, vắc-xin còn làm giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác, giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên và giúp trẻ phát triển về thể chất và trí não. Bên cạnh những lợi ích trực tiếp nêu trên, vắc-xin còn có những tác động tích cực đối với cá nhân người được tiêm chủng và cộng đồng như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau; đặc biệt giảm thời gian, công sức chi phí chăm sóc y tế của cha mẹ do không phải chăm sóc trẻ bị ốm, từ đó góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe phụ nữ, giảm chi phí y tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo. TCMR được coi là chìa khóa để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ và đầu tư cho tiêm chủng là đầu tư cho phát triển.

TCMR tiếp tục duy trì thành quả và hướng tới các mục tiêu quan trọng 1

Tỷ lệ mắc các bệnh trong chương trình TCMR giảm rõ rệt qua các năm. So sánh năm 1985 - năm bắt đầu triển khai TCMR trên toàn quốc với năm 2010, tỷ lệ này giảm từ hàng chục đến hàng trăm lần. Ước tính chương trình đã dự phòng cho 6,7 triệu trẻ không mắc bệnh và 43.000 trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin như lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B...

PV: Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 được coi là thập kỷ thành công nhất của lịch sử phát triển vắc-xin với các vắc-xin mới là vắc-xin viêm màng não do não mô cầu, vắc-xin phế cầu phòng viêm phổi, vắc-xin Rota phòng tiêu chảy và vắc-xin phòng virut HPV gây ung thư cổ tử cung. Vậy tới đây những vắc-xin nào sẽ được triển khai trong chương trình TCMR, thưa GS?

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển:Theo tổng kết của Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), trong thập kỷ vừa qua, vắc-xin viêm gan B và Hib được đưa vào chương trình TCMR ở nhiều nước đang phát triển đã góp phần dự phòng cho 5 triệu trẻ em khỏi bị tử vong vì các bệnh nhiễm trùng nhờ tiêm vắc-xin. Cùng với các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, sự tăng đầu tư nguồn lực và kinh phí, với việc đưa thêm các vắc-xin mới vào chương trình TCMR trong 5 năm tới (vắc-xin phế cầu phòng viêm phổi, vắc-xin Rota phòng tiêu chảy và các vắc-xin khác như sốt vàng, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, Rubella, thương hàn, HPV...), hy vọng vào năm 2015 thế giới có thể sẽ dự phòng thêm 4,2 triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh nhiễm trùng, góp phần đạt được mục tiêu của thiên niên kỷ làm giảm hai phần ba số trẻ em chết dưới 5 tuổi vào năm 2015 so với năm 1990. Việt Nam đang phát triển các đề cương xin hỗ trợ của GAVI cho việc đưa thêm các vắc-xin mới vào chương trình TCMR trong các năm tới. Dự kiến năm 2014, Việt Nam sẽ triển khai vắc-xin sởi - Rubella cho đối tượng trẻ từ 9 tháng đến 14 tuổi trong toàn quốc do GAVI tài trợ.

PV: Về mục tiêu loại trừ bệnh sởi thì sao, thưa GS?

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển: Chúng ta đã giảm 152 lần số mắc bệnh sởi. Năm 1984, cả nước 87.796 ca mắc. Năm 2012, còn 578 ca sởi lâm sàng. Từ năm 2003, nước ta không có ca tử vong do sởi. Việt Nam cùng với 32 quốc gia khác trong khu vực đã giảm đáng kể sự lưu hành và lây truyền của virut sởi và đang thu thập các bằng chứng loại trừ sởi. Tiêu chuẩn loại trừ bệnh sởi là khi sau 3 năm chứng minh được không còn lây truyền căn bệnh này, không có dịch sởi xảy ra và tỷ lệ mắc sởi là dưới 1/1 triệu người. Việc đẩy nhanh tiến trình tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi tại Việt Nam là việc làm cấp thiết để hòa nhập với xu thế chung của cả khu vực.

Cụ thể là, tăng tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc-xin sởi cho trẻ 9 và 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên đạt trên 95% ở tất cả các quận/huyện; Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sởi - Rubella trong chương trình TCMR với sự hỗ trợ của Tổ chức Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng cho khoảng 23 triệu trẻ từ 9 tháng đến 14 tuổi trên toàn quốc trong năm 2014; Chủ động động lập kế hoạch và triển khai tiêm vắc-xin sởi cho đối tượng nguy cơ cao.
 
Thực hiện đáp ứng nhanh bằng vắc-xin trên địa bàn xã/phường nếu có ca sởi; Nâng cao chất lượng công tác giám sát bệnh sởi, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở y tế dự phòng và bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh; Tăng cường vai trò của Ủy ban quốc gia xác nhận loại trừ bệnh sởi thuộc Bộ Y tế. Bên cạnh đó cần huy động sự ủng hộ của Nhà nước, Chính phủ, chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp, sự chỉ đạo mạnh mẽ của Bộ Y tế, sự vào cuộc của ngành y tế các cấp, sự hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho mục tiêu loại trừ bệnh sởi.
TCMR tiếp tục duy trì thành quả và hướng tới các mục tiêu quan trọng 2
 PGS.TS. Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế và GS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện VSDT T.Ư đến thăm điểm tiêm chủng tại TYT Tân Bình, Hải Dương. Ảnh: Mai Linh

PV:Bên cạnh những thành quả đạt được, GS có thể nói về những khó khăn còn tồn tại trong công tác TCMR ở Việt Nam?

GS.TS. Nguyễn Trần Hiển:
Thành quả đạt được sau gần 30 năm triển khai TCMR ở nước ta là rất lớn nhưng thách thức trước mắt cũng không nhỏ. Đạt được thành quả đã khó, giữ vững thành quả lại càng khó khăn hơn nhiều. Vấn đề là làm sao có thể duy trì được tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95% với chất lượng và độ an toàn cao.
 
Bệnh bại liệt còn lưu hành ở nhiều nước trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam. Việc tiếp cận đối tượng tiểm chủng và triển khai tiêm chủng khó khăn, tỷ lệ đẻ tại nhà cao, việc chăm sóc sản khoa vô khuẩn chưa được phổ biến ở miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tiếp cận các các quần thể di biến động... di dân, toàn cầu hóa dẫn đến nguy cơ xâm nhập dịch từ vùng có dịch và các nước lưu hành dịch trong và ngoài khu vực Tây Thái Bình Dương có thể ảnh hưởng đến việc giữ vững những thành quả đã đạt được của TCMR. Cần duy trì và củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác TCMR từ Trung ương đến cơ sở thông qua đào tạo liên tục, giám sát hỗ trợ kỹ thuật, có cơ chế và chế độ đãi ngộ thích đáng.
 
Nguồn ngân sách nhà nước tăng hàng năm song chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của công tác TCMR trong khi nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về tiêm chủng đòi hỏi phải đưa vắc-xin thế hệ mới an toàn và và vắc-xin mới vào chương trình TCMR như các vắc-xin phòng Rubella, tiêu chảy cấp do Rota, viêm phổi do phế cầu, ung thư cổ tử cung do nhiễm virut HPV..., cần có sự đầu tư lớn hơn. Ngoài ra, viện trợ quốc tế có xu hướng giảm dần do nước ta đã thoát ra khỏi danh sách các nước nghèo, cũng là một khó khăn đáng kể.

PV: Trân trọng cảm ơn GS về cuộc trao đổi này!

Mai Linh (thực hiện)

Ý kiến của bạn