Tẩy giun kim thế nào?

11-06-2017 14:39 | Đời sống
google news

Giun kim có tên khoa học là Enterobius vermicularis. Giun kim xâm nhập đường ruột dưới dạng trứng có ấu trùng qua đường miệng từ tay bẩn hoặc thức ăn nhiễm bẩn.

Con tôi 2 tuổi rưỡi. Một tuần nay, cháu hay quấy khóc và có biểu hiện khó chịu ở hậu môn. Tôi kiểm tra thấy có giun kim, đã cho cháu ngâm nước ấm, nhưng không đỡ. Tôi phải làm gì?

Trịnh Thu Hòa (Kiên Giang)

Giun kim có tên khoa học là Enterobius vermicularis. Giun kim xâm nhập đường ruột dưới dạng trứng có ấu trùng qua đường miệng từ tay bẩn hoặc thức ăn nhiễm bẩn. Trứng giun kim thoát ra ở nếp gấp hậu môn có thể gây nhiễm ngay trở lại gọi là hiện tượng tự nhiễm.

Giun cái di chuyển xuống đại tràng, đến các nếp gấp hậu môn đẻ trứng nhất là vào buổi tối, gây ngứa ngáy hậu môn, làm cho trẻ khóc, khó ngủ; ở trẻ gái ngứa lan rộng gây viêm âm hộ. Xét nghiệm phân không thấy trứng (vì giun kim không đẻ ở đó) nhưng nếu dán băng lên hậu môn và lấy băng đó soi sẽ thấy trứng giun. Khi trẻ khóc, vạch các nếp gấp hậu môn ra có thể thấy được giun cái bằng mắt thường.

Thuốc thường dùng:

- Mebeldazol: viên 100mg dùng cho bất cứ tuổi nào. Mỗi ngày dùng 1 viên. Dùng 1 ngày (có thể 2 ngày liên tiếp). Sau 10-15 ngày, điều trị nhắc lại.

- Pyrantel: 125mg. Dùng liều 125mg/10kg thể trọng. Sau 10-15 ngày, điều trị nhắc lại.

Giun kim thường dễ lây nhiễm, nên cần điều trị cho cả nhà, cả tập thể.

Tốt nhất, bạn nên đưa cháu đi khám bệnh để được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc và điều trị dứt điểm. Chúc bé mau khỏi bệnh!



DS. Bùi Văn
Ý kiến của bạn
Tags: