Hà Nội

Tây dương sâm - Vị thuốc thanh nhiệt ngày hè

08-08-2015 09:19 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Tây dương sâm còn gọi hoa kỳ sâm, tây sâm, là rễ phơi hay sấy khô của cây nhân sâm

Tây dương sâm còn gọi hoa kỳ sâm, tây sâm, là rễ phơi hay sấy khô của cây nhân sâm (Panax qinquefolium L.), thuộc họ ngũ gia bì (Araliaceae). Tây dương sâm mọc nhiều ở Mỹ, Canada, Pháp... và được bán rộng rãi trên thị trường Việt Nam. 

Tây dương sâm hầm long nhãn
Tây dương sâm hầm long nhãn

Tây dương sâm vị đắng hơi ngọt, tính hàn, vào kinh tâm, phế và thận, là vị thuốc bổ khí dưỡng âm, thanh hư nhiệt, sinh tân chỉ khát rất thích hợp trong những ngày hè. Tây dương sâm chữa phế thận âm hư, chứng khí hư, tân dịch hao tổn, cửu khái, thất huyết, họng khô, miệng khô. Hằng ngày có thể dùng 3 - 6g, nên sắc hoặc hãm riêng trước khi kết hợp với nước thuốc khác; hoặc ngậm trực tiếp trong miệng. Sau đây là một số cách dùng tây dương sâm.

Thanh nhiệt trừ phiền:

Tây dương sâm 8g, mạch môn 30g, ngũ vị 5g, sinh địa tươi 30g, thạch hộc tươi 30g. Sắc uống. Tác dụng bổ khí dưỡng âm, sinh tân, thanh nhiệt. Chữa người mệt mỏi bứt rứt, nóng sốt, phiền khát.

Trà Tây dương sâm
Trà Tây dương sâm

Ích khí cứu thoát:

Tây dương sâm 10g, mạch môn 30g, ngọc trúc 12g, ngũ vị 3g. Sắc uống. Trị chứng khí hư âm thoát.

Tây dương sâm 10g, phụ tử 8g, mẫu lệ nung 40g. Sắc uống. Trị chứng khí hư dương thoát.

Bổ khí dưỡng âm:

Tây dương sâm 8g, mạch môn 30g, a giao 15g, tri mẫu 12g, bối mẫu 10g. Sắc uống. Tác dụng dưỡng âm thanh phế hóa đờm. Trị ho khó thở, đờm ít có máu do phế thận âm hư.

Một số món ăn - bài thuốc có tây dương sâm:

Tây dương sâm trà: tây dương sâm 1 - 2g, thái lát mỏng, hãm uống thay chè. Dùng cho các trường hợp âm hư phát nhiệt, phế hư cửu khái, miệng khô họng khát, đau nhức răng miệng.

Tây dương sâm hầm long nhãn: tây dương sâm 1 - 6g, long nhãn 4 - 24g, chưng hầm với lượng nước thích hợp, ăn rải rác trong ngày. Dùng cho các trường hợp táo bón, trĩ xuất huyết đau rát hậu môn, thể trạng suy nhược.

Tây dương sâm: tây dương sâm 1 - 6g, thái lát mỏng, ngậm trong ngày. Dùng cho các trường hợp viêm loét miệng lặp đi lặp lại.

Yến sào tây dương sâm: tây dương sâm 3g, yến sào 3g. Hầm cách thủy. Dùng cho các trường hợp suy kiệt, phế hư cửu khái, đạo hãn, di tinh.

Tây dương sâm duyên đậu thanh thử (Ích khí thang): tây dương sâm 5g, đậu xanh 15g, vỏ dưa hấu 30g. Sắc hoặc hãm. Dùng cho các trường hợp say nắng, say nóng sốt cao, vã mồ hôi, khát nước, tiểu ít, mệt mỏi, vật vã, kích động, mê sảng.

Gà đen tây dương sâm hầm cách thủy:  gà đen 1 con làm sạch bỏ ruột, tây dương sâm 12g đặt trong bụng gà, nước lượng thích hợp. Bung nhừ hoặc hầm cách thủy. Thêm gia vị ăn. Dùng cho các trường hợp già yếu suy nhược và thời kỳ bình phục sau các bệnh truyền nhiễm, nhiễm khuẩn có sốt dài ngày, cơ thể suy kiệt.

Kiêng kỵ: Không dùng cho người có chứng dương hư, hàn thấp ở tràng vị, hỏa uất khí trệ. Không dùng chung với lê lô.

TS. Nguyễn Đức Quang

 


Ý kiến của bạn