Ngày 13/6, Lê Hoài P, 3 tuổi, nhà ở Phường 2, Mỹ Tho, Tiền Giang được ba đưa đến bệnh viện vì nổi bóng nước nhiều trên da. Ba em kể P bị bệnh ba ngày nay, mới đầu sốt nhẹ, than rát họng, chảy nước dãi hoài, sau một ngày thì nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối, có nhiều nốt rất to, phía trong có dịch mờ mờ, ngứa mà không đau. Ba em lo quá xin bác sĩ cho nhập viện. Bác sĩ khám toàn thân cho P, thấy cháu P ngoài các mụn nước nổi nhiều trên da ra, không có triệu chứng nào khác kèm theo như: sốt cao, giật mình nhiều, khóc quấy... nên ông khuyên ba cháu để P được chăm sóc tại nhà mà không cần phải vào nằm viện.
Theo chuyên môn, bệnh tay chân miệng có nhiều mức độ khác nhau, có bốn độ từ nhẹ đến nặng. Khi mắc bệnh tay chân miệng, đa số các cháu bị độ một (khoảng 70%) là độ nhẹ, chỉ có loét họng và nổi bóng nước ngoài da đơn thuần thì không cần nhập viện, bác sĩ sẽ dặn dò cách chăm sóc và theo dõi tại nhà, từ 7 - 10 ngày sau cháu sẽ tự khỏi. Nếu các cháu vào bệnh viện khi chưa cần thiết thì các cháu dễ có nguy cơ lây thêm các bệnh khác, thậm chí loại bệnh tay chân miệng nguy hiểm như EV71 (Enterovirus 71), loại này có khả năng gây biến chứng (31%) so với loại Coxsackievirus (4%). Những cháu có bất cứ triệu chứng nguy hiểm nào xuất hiện khi bị mắc bệnh tay chân miệng như: sốt cao ≥ 390C, hoặc sốt trên 2 ngày, thở nhanh, khó thở, giật mình, lừ đừ, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, nôn nhiều, đi loạng choạng, da nổi bông tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh, co giật, hôn mê thì phải vào bệnh viện ngay. Ngoài ra, các cháu bị bệnh tay chân miệng mà còn nhỏ dưới 12 tháng tuổi hay các cháu có kèm theo bệnh khác như: tim bẩm sinh, suyễn, viêm thận... thì cân nhắc cho nhập viện sớm để theo dõi biến chứng.
Tóm lại, cần chú ý bệnh tay chân miệng lúc đầu có thể nhẹ chỉ nổi bóng nước và loét miệng đơn thuần, nhưng sau đó có một số ít sẽ có biến chứng nguy kịch nhanh. Chỉ nhập viện khi có bất kỳ một dấu hiệu nguy hiểm nào xuất hiện như đã kể ở trên.
BS. NGUYỄN THÀNH ÚC