Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), được phóng vào quỹ đạo ngày 31 tháng 3 năm 1972, tàu không gian Kosmos 482 của Liên Xô cũ có mục tiêu là hướng tới Sao Kim và đổ bộ xuống hành tinh này. Tuy nhiên, do trục trặc ở bộ phận hẹn giờ khiến động cơ đẩy bị tắt đi sớm hơn dự tính đã khiến nó không bao giờ thoát được khỏi quỹ đạo của Trái Đất.

Xác suất va chạm với Trái Đất của Kosmos là nhỏ song vẫn có.
Kosmos 482 đã bay quanh Trái Đất hơn nửa thế kỷ mà không có cách nào để trở lại nhiệm vụ của mình. Với việc mất dần năng lượng quỹ đạo, nó được dự tính sẽ bắt đầu đi vào khí quyển Trái Đất vào khoảng ngày 9 hoặc 10 tháng 5 tới đây.
Xác xuất để con tàu này va chạm với một khu vực đất liền có người ở là rất thấp. Tuy nhiên, nếu nó xảy ra, việc đó có thể gây ra thiệt hại nhất định bởi Kosmos 482 được thiết kế để chịu được va đập khi đổ bộ và chịu được nhiệt độ khủng khiếp khi đi vào khí quyển dày đặc của Sao Kim ở vận tốc cao, khiến cho nó về cơ bản sẽ không bị cháy bớt trên đường di chuyển xuyên qua khí quyển. Con tàu nặng gần 500 kg này sẽ va chạm với vận tốc ước tính khoảng 242 km/h khi nó tiếp xúc với bề mặt Trái Đất.
Gần đây, giảng viên Marco Langbroek tại Đại học Kỹ thuật Delft (Hà Lan) đã phân tích dữ liệu từ kính thiên văn và phát hiện rằng Kosmos 482 sắp quay trở lại Trái Đất vào khoảng ngày 10/5, có thể sớm hoặc muộn hơn vài ngày.
Ông Langbroek lưu ý: "Bởi tàu thăm dò này được thiết kế để sống sót khi đi qua khí quyển khắc nghiệt của sao Kim, nên có khả năng nó cũng sẽ nguyên vẹn khi xuyên qua khí quyển Trái Đất và rơi xuống mặt đất. Dù khả năng xảy ra rủi ro là thấp, nhưng vẫn không thể loại trừ hoàn toàn".
Kosmos 482 có thể tái nhập khí quyển ở bất kỳ nơi nào nằm giữa 51,7 độ vĩ Bắc và 51,7 độ vĩ Nam - một khu vực rộng lớn trải dài từ London và Edmonton (Canada) cho tới Mũi Horn ở Nam Mỹ. Tuy nhiên, do 71% bề mặt Trái Đất là đại dương, khả năng nó rơi xuống biển là cao hơn cả.
Theo NASA, trong khuôn khổ sứ mệnh Venera 8, Liên Xô phóng hai tàu vũ trụ tương đồng nhau để thu thập dữ liệu về nhiệt độ và áp suất bề mặt sao Kim. Tàu đầu tiên được phóng ngày 27/3/1972 và đã hạ cánh thành công vào ngày 6/4. Tàu thứ hai là Kosmos 482, được phóng bốn ngày sau đó nhưng thất bại trong việc rời khỏi quỹ đạo Trái Đất do trục trặc ở tầng tên lửa Soyuz.
Từ khi bắt đầu kỷ nguyên vũ trụ cuối thập niên 1950, hàng nghìn vệ tinh được phóng lên quỹ đạo. Trong khi nhiều vệ tinh hoàn thành nhiệm vụ, nhiều tàu ngừng hoạt động, khiến vấn đề rác thải vũ trụ gia tăng. Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu, khoảng 3.000 vệ tinh chết giống Kosmos 482 đang quay quanh Trái Đất, trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự an toàn của con người.