Tàu phá băng Mỹ đến Nam Cực giải cứu các tàu mắc kẹt

05-01-2014 15:46 | Quốc tế
google news

Tàu phá băng lớn của Mỹ hôm nay sẽ lên đường đến châu Nam Cực để giải cứu một tàu Nga và một tàu Trung Quốc đã bị vây trong băng nhiều ngày qua.

 Tàu phá băng lớn của Mỹ hôm nay sẽ lên đường đến châu Nam Cực để giải cứu một tàu Nga và một tàu Trung Quốc đã bị vây trong băng nhiều ngày qua. 

tau1-8084-1388886493.jpg
Tàu phá băng Polar Star của Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Cơ quan An toàn Hàng hải Australia cho hay, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã đồng ý giúp đỡ tàu du lịch Nga Akademik Shokalskiy và tàu phá băng Trung Quốc Tuyết Long.

Theo AFP, Polar Star sẽ khởi hành từ thành phố Sydney của Australia trong hôm nay, sau khi tiếp nhận các vật tư.

Con tàu dài 122 mét có khả năng liên tục phá băng với độ dày lên đến 1,8 mét trong khi di chuyển với vận tốc 3 hải lý một giờ. Nó cũng có thể phá băng dày hơn 6 mét bằng cách đâm qua.

Dự kiến Polar Star sẽ mất một tuần để tiếp cận vịnh Commonwealth, nơi hai con tàu kia đang bị băng bao vây.

"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là an toàn tính mạng trên biển. Đó là lý do chúng tôi hỗ trợ dọn đường cho cả hai tàu kia", phó đô đốc Paul Zukunft, chỉ huy lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tại Thái Bình Dương cho biết.

Tàu phá băng Tuyết Long đã đến châu Nam Cực cách đây một tuần để giải cứu tàu Shokalskiy nhưng bất thành, do không thể di chuyển qua lớp băng dày. Các phóng viên của hãng thông tấn Xinhua trên tàu cho biết, Tuyết Long bị kẹt từ hôm 3/1 do tảng băng trôi dài một km.

Tàu du lịch MV Akademik Shokalskiy của Nga chở tổng cộng 74 người, bị mắc kẹt trong băng, cách đảo Tasmania của Australia hơn 2.700 km về phía nam, cách căn cứ Dumont D'Urville của Pháp ở châu Nam Cực khoảng 185 km, từ sáng 24/12.

Nhiều tàu phá băng đã cố gắng tiếp cận con tàu nhưng không thành, trong đó có Tuyết Long và tàu tiếp vận Aurora Australis của Australia.

52 nhà khoa học, hành khách và phóng viên trên Shokalskiy đã được trực thăng của Tuyết Long sơ tán đến Aurora Australis hôm 2/1. Tàu tiếp vận sẽ đi qua căn cứ Casey của Australia trước khi đưa nhóm người này về đảo Tasmania trong hai tuần tới.

Australia cho biết việc điều tra nguyên nhân khiến tàu Shokalskiy mắc kẹt thuộc về giới chức Nga. Tuy nhiên, họ thừa nhận vụ việc trên có thể làm thay đổi những hướng dẫn về thám hiểm châu Nam Cực.

 


Ý kiến của bạn