Tàu không người lái Ukraine bắn hạ tiêm kích Su-30 giá khoảng 50 triệu USD của Nga

04-05-2025 07:27 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 2/5, trong một chiến dịch tại Biển Đen, gần cảng Novorossiysk của Nga, Ukraine đã sử dụng một tàu không người lái trên biển (USV) Magura V5 để bắn hạ một chiến đấu cơ Su-30SM, trị giá khoảng 50 triệu USD.

Chiến dịch do đơn vị đặc nhiệm Nhóm 13 thuộc cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GUR) thực hiện, với sự phối hợp của cơ quan an ninh và các lực lượng quốc phòng Ukraine. Theo giới chức Ukraine, đây không chỉ là chiến công kỹ thuật mà còn là cột mốc quan trọng trong việc tái định hình chiến thuật chiến sự bằng thiết bị không người lái.

Su-30SM bị tấn công và phát nổ. (Nguồn: X/Anton Gerashchenko)

Magura V5 là một tàu không người lái do Ukraine tự phát triển, dài khoảng 5,5 mét, có thể đạt tốc độ lên tới 42 hải lý/giờ và hoạt động với tầm xa đến 800 km. Nhờ thiết kế tàng hình, tiết diện radar nhỏ và khả năng cơ động cao, Magura V5 có thể lặng lẽ luồn sâu vào khu vực kiểm soát của đối phương mà không bị phát hiện.

Trong vụ tấn công mới nhất, chiếc USV này được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn R-73, loại vũ khí vốn được thiết kế để phóng từ các tiêm kích như MiG-29 hay Su-27.

Các kỹ sư Ukraine đã cải tiến hệ thống phóng và dẫn bắn để phù hợp với nền tảng không người lái, cho phép Magura V5 lần đầu tiên đảm nhận vai trò phòng không di động trên biển.

R-73 – tên lửa cũ nhưng vẫn đầy uy lực

R-73, NATO gọi là AA-11 Archer, là tên lửa hồng ngoại tầm ngắn do Liên Xô phát triển từ những năm 1980. Với khả năng khóa mục tiêu ở góc 60 độ ngoài tầm nhìn, đầu dò nhiệt tinh vi và tốc độ cơ động cao, R-73 vẫn là một mối đe dọa đáng gờm với mọi máy bay chiến đấu hiện đại.

Trong chiến dịch lần này, tên lửa được phóng từ Magura V5 đã khóa vào tín hiệu nhiệt của Su-30, lao thẳng và phát nổ giữa không trung, kết liễu chiếc tiêm kích chỉ trong tích tắc. Đoạn video do Ukraine công bố ghi lại khoảnh khắc tên lửa rời bệ phóng và vụ nổ sau đó đã nhanh chóng lan truyền trên truyền thông.

Niềm tự hào Su-30SM bị hạ

Su-30SM là biến thể hiện đại của dòng Su-30, do Tập đoàn Sukhoi chế tạo. Đây là tiêm kích đa nhiệm hạng nặng, có khả năng không chiến, tấn công mặt đất và chống hạm.

Với tốc độ tối đa Mach 2, tầm bay trên 3.000 km, radar Bars-R hiện đại và hệ thống vũ khí phong phú, Su-30SM là một trong những khí tài đắt giá nhất của không quân Nga.

Tuy nhiên, hệ thống phòng vệ của Su-30 được tối ưu hóa để đối phó với các mối đe dọa truyền thống, như tên lửa hoặc máy bay, chứ không phải các UAV nhỏ hoạt động ở sát mặt biển. Chính điểm yếu này đã bị Magura V5 khai thác triệt để.

Theo các nguồn tin thân cận với quân đội Nga, hai phi công điều khiển chiếc Su-30 đã nhảy dù xuống Biển Đen và được một tàu dân sự cứu hộ. Nhiệt độ nước vào thời điểm đó chỉ khoảng 13 độ C.

Về phía Ukraine, thành công này nối dài chuỗi hoạt động hiệu quả của Magura V5, vốn đã nhiều lần đánh chìm hoặc làm hư hại tàu chiến Nga, nổi bật là vụ tấn công tuần dương hạm Moskva năm 2022. Đáng chú ý, vào cuối năm 2024, cùng mẫu USV này từng bắn rơi hai trực thăng Mi-8 gần Crimea.

Magura V5 có giá ước tính khoảng 250.000 USD, chỉ bằng 1/200 giá trị của chiếc Su-30 mà nó vừa phá hủy. Sự chênh lệch này phản ánh rõ tiềm năng của chiến tranh bất đối xứng, khi vũ khí rẻ tiền có thể phá hủy tài sản quân sự đắt đỏ.

Từ sau năm 2022, Ukraine đã sử dụng nhiều chiến thuật để bù đắp sự chênh lệch với Nga về số lượng và công nghệ. Biển Đen đã trở thành "phòng thí nghiệm" cho các chiến lược này. Theo thống kê, Ukraine đã phá hủy hoặc làm hư hại khoảng 26 tàu chiến Nga tại đây.

UAV Ukraine phơi bày điểm yếu phòng không của Nga tại CrimeaUAV Ukraine phơi bày điểm yếu phòng không của Nga tại Crimea

SKĐS - Ngày 1/5, cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) công bố đoạn video ghi lại loạt máy bay không người lái (UAV) góc nhìn thứ nhất (FPV) tấn công vào hệ thống phòng không S-300V của Nga, cùng các radar liên quan tại bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ mà Moscow đã sáp nhập từ năm 2014.


Xuân Minh
(Theo Newsweek, BM)
Ý kiến của bạn