Chỉ từ tháng 9/2012 đến nay, ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã liên tục tìm thấy 3 chiếc tàu cổ chứa cổ vật bị đắm chôn vùi dưới cát biển. Nếu tính cả con tàu khai quật vào năm 1999, cũng ở xã Bình Châu, thì đã có đến 4 xác tàu cổ chứa cổ vật bị đắm ở vùng biển này được tìm thấy. Ngoài việc cơ quan chức năng dường như quá chậm trễ so với dân trong việc… phát hiện tàu đắm, thì dư luận còn băn khoăn với các phương án xử lý sau đó nhằm bảo tồn lâu dài và phát triển du lịch quanh những khu vực tàu cổ đắm này.
Cứ phải chờ dân… phát hiện
Trong khi kế hoạch trục vớt tàu cổ tại đây đang còn được cơ quan chức năng loay hoay tìm kiếm thì người dân lại phát hiện một con tàu cổ khác bị chìm cách đó chỉ 200m. Một điều mà nhiều người thấy lạ lùng là tại sao con tàu mới phát hiện này chỉ nằm cách con tàu cũ với khoảng cách gần như vậy mà chính quyền địa phương không hề hay biết, khi việc khoanh vùng con tàu đắm trước đó đã và đang được thực hiện. Hay bởi người ta đã giấu thông tin, như việc con tàu đắm trước đó đã được phát hiện từ khá lâu, người dân đã thoải mái lặn tìm cổ vật đến mức báo động thì cơ quan chức năng mới vào cuộc để bảo vệ? Cứ thử đặt một giả thuyết rằng, hai con tàu này nằm gần nhau đến thế, thì việc những chiếc ca nô và cả những đội lặn tìm cổ vật (bao gồm cả người dân và lực lượng chức năng) phát hiện con tàu thứ hai này chắc chẳng phải là điều khó khăn gì. Vậy tại sao đến bây giờ, sau gần 2 năm phát hiện con tàu thứ nhất, người ta mới phát hiện được con tàu thứ hai? Và con tàu này cũng lại là do người dân phát hiện.
Cũng rất may, trong khi người dân mới vừa rầm rộ lặn tìm cổ vật tại con tàu thứ hai này, cơ quan chức năng đã có mặt để hạn chế sự thất thoát của cổ vật dưới con tàu. Và chắc chắn, sự bảo vệ sẽ nghiêm ngặt không kém con tàu trước để chờ đợi cơ quan chức năng chuyên trách và các nhà khoa học vào cuộc giám định về con tàu này.
![]() Vùng biển Bình Châu được ví như “nghĩa địa” tàu cổ mà cho đến nay vẫn chưa thể giải mã rõ ràng. |
Nên xử lý thế nào?
Quay trở lại việc có nên trục vớt cả hai con tàu này lên hay không? Đã xuất hiện nhiều luồng dư luận khác nhau. Theo quan điểm người viết, việc nên để nguyên hiện trạng con tàu tại đây và khoanh vùng phát triển du lịch tại khu vực này là điều hợp lý. Trước hết, cần phân tích những điều liên quan tới việc trục vớt con tàu này, mà theo nhiều người có kinh nghiệm, một con tàu đã bị ngâm dưới nước biển hơn nửa thiên niên kỷ, nếu được trục vớt lên với điều kiện thời tiết, khí hậu, độ ẩm không khí và vô vàn thứ khác nữa, liệu con tàu này có còn nguyên vẹn hay nhanh chóng rã tan. Lúc đó, liệu có giải pháp nào kịp giữ được con tàu nguyên vẹn như khi chúng đang ở dưới nước, được gìn giữ trong một môi trường đặc biệt hay không? Với điều kiện khoa học kỹ thuật như hiện nay của Việt Nam, việc bảo tồn nguyên vẹn một con tàu được đưa từ dưới nước lên là điều vô cùng khó khăn và tất nhiên phải nhờ tới rất nhiều thiết bị khác cùng một nguồn kinh phí rất lớn nữa mới làm được. Vậy tại sao không để nguyên hiện trạng dưới nước, rồi đo đạc, tính toán và phục dựng một mô hình con tàu với tỷ lệ như thật đặt trên bờ, nơi mà rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước có thể đến chiêm ngưỡng mà không làm hao tổn nguyên mẫu thật của những con tàu này. Nếu đưa lên môi trường mặt đất như hiện nay, liệu những con tàu ấy có thể tồn tại quá vài chục năm. Trong khi với môi trường nước biển, có thể bảo tồn được vài trăm đến cả nghìn năm nữa.
Cần tận dụng để phát triển du lịch
Đó là vấn đề bảo tồn những con tàu cổ này, nhưng một vấn đề quan trọng khác là làm sao phát triển được du lịch tại địa điểm vốn đã rất nổi tiếng trong hai năm vừa qua này. Giả thiết rằng, chính quyền sẽ không trục vớt con tàu thật lên, chỉ xây dựng một con tàu với kích cỡ y như thật đặt trong khuôn viên của khu du lịch mang tên Châu Thuận Biển, nơi đó sẽ giới thiệu hải trình của những con tàu trên và giới thiệu luôn cả con đường gốm sứ trên biển Đông từ Trung Hoa tới Ấn Độ, Đông Phi mà những con tàu như thế ở những thế kỷ trước đã đi qua. Bên cạnh đó, lồng ghép cả vấn đề biển Đông, Hoàng Sa - Trường Sa tạo thành một bảo tàng biển miền Trung, trong đó giới thiệu cả cuộc sống và con người vùng biển miền Trung để không chỉ người dân trong nước mà cả bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về cuộc sống và con người nơi đây. Và tại địa điểm nơi hai con tàu cổ vẫn được bảo tồn dưới đáy biển kia, sẽ phát triển du lịch lặn biển ngắm tàu cổ nguyên bản. Điều đó rất hữu ích, nhất là với phương châm phát triển du lịch biển của nước ta trong nhiều năm tới.
Đặc biệt, nếu nhìn rộng ra, việc liên kết phát triển du lịch trong tuyến điểm ven biển miền Trung sẽ có thêm nhiều lợi ích khi kết nối những điểm du lịch hiện tại đang khá xa nhau tại khu vực này với mô hình Huế - Đà Nẵng - Cù Lao Chàm - Lý Sơn. Khi đó, cùng với việc tỉnh Quảng Nam xây dựng xã đảo du lịch Tam Hải, cộng thêm điểm du lịch Châu Thuận Biển này sẽ tạo nên sự phong phú vô cùng cho du lịch miền Trung, mà đặc biệt là du lịch Quảng Ngãi, nơi còn quá ít điều kiện để phát triển du lịch. Cứ thử tưởng tượng trong tuyến điểm du lịch Huế - Đà Nẵng - Cù Lao Chàm - Tam Hải - Châu Thuận Biển - Lý Sơn sẽ vô cùng đặc sắc nếu có đủ các loại hình du lịch như làng biển (Huế), lướt sóng, lướt ván, đua thuyền, thả diều, lặn biển ngắm san hô (Đà Nẵng, Hội An), mô hình đảo du lịch Tam Hải, mô hình truyền thống biển, lặn ngắm tàu cổ (Châu Thuận Biển) và du lịch Lý Sơn... điều đó sẽ khiến du lịch miền Trung trở nên phong phú và phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Những giá trị mà ngành du lịch không khói này mang lại không chỉ đơn thuần là mang lại giá trị kinh tế cho địa phương, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân làng biển vốn quá nghèo này, mà còn là một bài toán của việc bảo tồn giá trị văn hóa, di tích mang tính bền vững. Hơn thế nữa, điều đó còn chứng tỏ được rằng chúng ta sẵn sàng tính toán để bảo vệ những di sản với thời gian lâu dài chứ không chỉ là cái cách “ăn xổi di tích” như thường thấy. Và thật đáng tiếc nếu như những con tàu cổ này được mang lên, rồi bị hư hỏng theo thời gian và sau đó là lãng quên dần như cách mà chúng ta đã làm với nhiều di tích trước đó. Chính vì thế, việc vừa bảo tồn, vừa phát triển được từ nguồn tài nguyên du lịch “đặc biệt” này đang rất cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và đặc biệt là cần tới cái nhìn yêu biển của người lãnh đạo.
Hữu Cường