Chiều 13/12, chiếc tàu cá của thuyền trưởng Phan Quốc Hùng cùng 6 thuyền viên đã về đến cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang (Khánh Hòa) an toàn sau khi bị cướp tại vùng biển Trường Sa từ đầu tháng. Lực lượng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa đã lập biên bản kiểm tra phương tiện, lấy lời khai của các thuyền viên trên tàu.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, các ngư dân trở về trong tình trạng mệt lả. Thuyền trưởng Phan Quốc Hùng cho biết, tàu cá của anh xuất bến đi biển hành nghề câu đèn từ ngày 15/11 tại vùng biển huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Khi xuất bến, tàu cá đi theo tổ đội, nhưng do đánh bắt được ít nên tàu của anh bám trụ lại trên biển để tiếp tục đánh bắt.
Vào khoảng 10h trưa 2/12, khi tàu đang neo đậu tại vùng biển cách phía đông đông nam đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa khoảng 100 hải lý thì bị một tàu vỏ gỗ dài khoảng 20 m áp sát. Lúc này, các thuyền viên đều đang ngủ. Sau khi tiếp cận mạn trái, 4 tên nhảy sang tàu trên tay cầm 3 khẩu súng ngắn, một súng dài, bắn chỉ thiên 4 phát khống chế các thuyền viên đưa sang tàu của họ, nhốt xuống hầm tàu.
“Bọn chúng tay lăm lăm súng, bắt chúng tôi nằm úp rồi nhốt trên tàu của họ, không cho ăn, chỉ cho nước uống. Đến 18h cùng ngày chúng mới mở cửa hầm đưa chúng tôi quay lại tàu. Lúc này, mọi tài sản trên tàu đã bị cướp hết”, vị thuyền trưởng nhớ lại.
Ngư dân Phạm Văn Khánh cho biết thêm những tên cướp nói tiếng nước ngoài Chúng không đánh đập gì nhưng giơ súng khiến mọi người hoảng sợ.
Theo thuyền trưởng Hùng, tàu lạ nước ngoài đã cướp hết tài sản có giá trị trên tàu gồm: 1,2 tấn cá ngừ, 250 kg cá bò tạt, 2.500 lít dầu, 3 bình ắc quy, một máy định vị, 170 kg mực khô, 3 bơm điện, 6 điện thoại di động, 6 bành câu thẻo... Tổng thiệt hại khoảng 470 triệu đồng. Trước khi trả ngư dân lại tàu cá, bọn cướp đã phá hủy máy Icom và chỉ để lại một ít mì tôm và một can dầu.
Sau khi bị mất hết tài sản, ông đã khắc phục, sữa chữa máy Icom, cầu cứu các cơ quan chức năng và được hướng dẫn đến đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa. Tại đây, tàu của ông đã được hỗ trợ dầu và lương thực để lên đường vào bờ.