đến nay tàu buồm 286 Lê Quý Đôn đã thực hiện các nhiệm vụ thực hành tại bến và huấn luyện kỹ năng đi biển đường dài cho học viên kết hợp làm công tác giao lưu đối ngoại quân sự với Hải quân các nước trong khu vực. Năm 2017, tàu đã hoàn thành tốt đẹp các chuyến giao lưu với các đơn vị Hải quân trong Quân chủng và chuyến giao lưu đối ngoại quân sự với Hải quân Philippines và Brunei, qua đó đã để lại được nhiều ấn tượng tốt đẹp với lực lượng hải quân các nước bạn.
Khi chúng tôi đến thăm tàu vào lúc các cán bộ, chiến sĩ trên tàu đang bận rộn với nhiệm vụ huấn luyện tại bến cho học viên của Học viện Hải quân. Nhớ lại chuyến hành trình dài hơn 18.000 hải lý không thể nào quên trong cuộc đời của những người lính biển, đại úy Thuyền trưởng Cao Xuân Long tâm sự: “Kể về chuyến đi từ Ba Lan trở về thì dài lắm, tàu Lê Qúy Đôn đi qua 2 đại dương lớn là Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng có những lúc biển êm, tàu căng buồm nhẹ nhàng lướt sóng, nhưng nhiều lúc đối mặt với thời tiết không thuận lợi như khi tàu liên tiếp trải qua 3 trận bão cấp 11 ở Đại Tây Dương. Để tàu thực hiện hành trình theo kế hoạch và đảm bảo an toàn, các thủy thủ vẫn thao tác buồm, làm việc trên cao trong điều kiện bão gió và sức khỏe suy giảm do say sóng dài ngày. Có thể nói sức chịu đựng của thủy thủ dâng lên đỉnh điểm. Cuối cùng, cán bộ chiến sĩ đã đưa con tàu vượt qua những cơn bão biển và cập bến quân cảng Nha Trang an toàn”.
Nói đến tàu buồm, có lẽ ai cũng mường tượng đó là những du thuyền sang trọng với nhiều thiết bị hiện đại phục vụ các chuyến du ngoạn, tham quan danh lam thắng cảnh. Nhưng công việc trên tàu buồm đối với các chiến sĩ Hải quân lại khác xa sự mường tượng ấy.Trước khi trở thành những cán bộ, chiến sĩ trên các tàu chiến hiện đại, người chiến sĩ Hải quân phải thành thạo thủy nghiệp cơ bản, khả năng chịu đựng sóng gió và rèn luyện kỹ năng sống sót trên biển. Điều này thì tàu buồm là môi trường thực hành rất tốt. Huấn luyện trên tàu buồm cũng không hề đơn giản, nhất là khi làm việc trên những cột buồm cao hơn 40m trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nguy cơ thủy thủ bị hất văng ra khỏi tàu rất cao, đặc biệt là trong lúc leo lên hay leo xuống cột buồm. Vì thế, với người thủy thủ tàu buồm, ngoài sức khỏe dẻo dai, nhanh nhẹn, họ còn phải là những người chịu sóng tốt, cẩn thận, khéo léo, có kỹ năng làm việc nhóm và khả năng chịu đựng của bản thân trong môi trường làm việc khắc nghiệt.
Cán bộ tàu buồm 286 quán triệt nội dung huấn luyện cho học viên
Thượng úy Thuyền phó Đoàn Tử Nguyên Ngọc cho biết: “Huấn luyện trên tàu buồm là quá trình đầy thử thách nhưng cũng rất thú vị để phát triển sự tự tin và thay đổi phong cách sống của mỗi học viên hải quân. Môi trường huấn luyện trên tàu buồm rất căng thẳng. Học viên sẽ học cách tự xoay xở và tương tác với các thành viên khác trong đội để điều khiển con tàu, giúp thúc đẩy khả năng tự nhận thức, sự tự tin ở mỗi người. Huấn luyện trên tàu buồm, các học viên sẽ học được nhiều điều về biển cả, về gió và dòng chảy và cả về bản thân mình cùng các đồng đội”. Thuyền phó Ngọc còn cho biết thêm: “Khác với nhiệm vụ của các thủy thủ trên các tàu chiến đấu và tàu phục vụ khác, chúng tôi có nhiều thuận lợi được thực hành về hàng hải truyền thống, khả năng sử dụng tiếng Anh và cơ hội giao lưu với hải quân các nước trong khu vực khi làm nhiệm vụ đối ngoại quân sự”.
Khu vực buồng lái
Được thiết kế với ba cột buồm có tổng diện tích 1.400m2, lượng giãn nước 857 tấn, dài 67m, rộng 10m, chiều cao cột buồm hơn 40m. Trên tàu có nhiều máy móc, trang bị hiện đại phục vụ cho việc bảo đảm an toàn dẫn tàu đi biển. Thủy thủ đoàn trên tàu được biên chế 30 người và có thể huấn luyện thực hành đi biển dài ngày cho 80 học viên. Qua việc quan sát công việc huấn luyện chuyên môn trong một ngày, chúng tôi mới cảm nhận thấy sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ trên tàu. Ngay đầu giờ huấn luyện buổi sáng, thượng úy Nguyễn Trọng Hiếu, phó Thuyền trưởng, phát khẩu lệnh qua hệ thống truyền thanh nội bộ: “Toàn tàu bắt đầu huấn luyện, các ngành, các bộ phận vào vị trí”. Chưa đầy 1 phút sau toàn bộ cán bộ, thủy thủ đã tập trung đầy đủ trên boong tàu. Sau khi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn làm việc trên cao, các tổ được phân công nhanh chóng di chuyển về các cột buồm. Trong bộ trang phục thao tác và áo bảo hiểm chuyên dụng, các thủy thủ di chuyển ra các yards (xà buồm - PV) trên một dây trong rất chênh vênh. Vừa quan sát hoạt động của các thủy thủ, thượng úy Hiếu cho chúng tôi biết: “Việc kiểm tra cột buồm thứ nhất và cột buồm thứ hai cần có ít nhất 10 thủy thủ, cột buồm thứ 3 cần 6 thủy thủ. Để an toàn, nhanh chóng, chính xác đòi hỏi phải chấp hành nghiêm ngặt quy tắc an toàn làm việc trên cao. Con tàu có 180 dây buồm với hàng trăm nút buộc. Khi tàu hoạt động, mỗi nút đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của tàu. Vì vậy, các thủy thủ phải kiểm tra đến từng nút buộc, tình trạng của cánh buồm và các thiết bị lắp đặt buồm”.
Các thủy thủ làm công tác chuẩn bị căng buồm
Mặc dù thời tiết vào những ngày cuối năm, nhưng mồ hôi vẫn thấm đẫm trên áo thủy thủ. Sau gần 1 giờ kiểm tra và tháo dây buộc buồm. Các thủy thủ chuẩn bị giương những cánh buồm như thường lệ. Nhiều thủy thủ đi về những hàng dây kéo buồm thoăn thoắt bỏ từng cuộn dây đợi lệnh chuẩn bị kéo. Từng hành động, động tác của thủy thủ được thực hiện theo khẩu lệnh của người chỉ huy. Từng cánh buồm được giương ra đón gió căng phồng. Lúc này, tôi liên tưởng đến thông điệp hòa bình trên biển như nhiệm vụ công tác đối ngoại quân sự của con tàu này.
Chúng tôi vào buồng chỉ huy, thượng úy Nguyễn Thanh Lý, Trưởng ngành thông tin-radar đang miệt mài với công việc thu phát tín hiệu. Khi chúng tôi đến, anh Lý vui vẻ giới thiệu: “Tất cả các máy móc, trang bị thông tin trên tàu đều rất hiện đại, nằm trong hệ thống cứu nạn và an toàn hàng hải toàn cầu. Sau khi nhận bàn giao từ Hải quân Ba Lan, đến nay, chúng tôi đã làm chủ được các trang bị, vận hành thành thạo, khai thác tối đa tính năng sử dụng của các trang thiết bị”. Anh Lý nói thêm, khi học tập bên Ba Lan họ hướng dẫn rất bài bản và chi tiết. Mỗi khi có khó khăn cần hỏi, các bạn đều tận tình giúp đỡ. Trong quá trình huấn luyện thực hành trên biển, các chiến sĩ Hải quân Ba Lan luôn sát cánh bên cạnh các thủy thủ của kíp tàu.Họ vừa quan sát, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc. Cũng chính vì vậy mà quá trình tiếp nhận, sử dụng của thủy thủ kíp tàu diễn ra nhanh chóng và thuận lợi”.
Các thủy thao tác buồm trên cao
Chia tay thủy thủ ngành thông tin, chúng tôi tiếp xúc các thủy thủ ngành 5. Khi bước vào khoang máy, chúng tôi nghe tiếng êm đều của hệ thống máy móc đang hoạt động, các thủy thủ phải mang các thiết bị giảm ồn, theo dõi và kiểm tra sự hoạt động ổn định của hệ thống động lực. Trung úy Vũ Đình Chinh tươi cười giới thiệu cho chúng tôi những loại máy hiện đại trên tàu như máy lọc nước biển, hệ thống xử lý rác thải, hệ thống bơm, hút vệ sinh thông gió và điều hòa toàn tàu. Chinh cho biết, nước biển ở Việt Nam mặn hơn so với bên Ba Lan nên hằng ngày, anh phải thường xuyên lau chùi, bảo dưỡng các loại động cơ.Đến bây giờ, Chinh đã quen với tiếng nổ của từng loại máy, chỉ cần nghe sự thay đổi là biết được động cơ bị trục trặc ở bộ phận nào. Tuy nhiên, Chinh bảo rằng, cần phải học hỏi, đọc thêm tài liệu liên quan đến các loại máy mới trang bị thì mới có thể khai thác, làm chủ các máy móc, trang bị được.Rời khoang máy, đi tham quan khu nhà ăn, nhà bếp, phòng ngủ... trò chuyện với các thủy thủ, chúng tôi được biết, toàn bộ kíp tàu vẫn giữ nguyên kể từ thời gian huấn luyện bên Ba Lan đến nay.Trải qua quá trình làm việc và sinh hoạt, giờ đây, họ đã thấu hiểu và tìm được tiếng nói chung trong thực hiện mọi nhiệm vụ.
Sau khi rời tàu buồm, chúng tôi suy nghĩ về những trải nghiệm mà các thủy thủ tàu buồm đã vượt qua. Chúng ta hy vọng và tin tưởng về tương lai nghề nghiệp vững vàng của những thế hệ học viên Học viện Hải quân sau này khi họ có cơ hội được huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ trên tàu buồm Lê Quý Đôn.