Hà Nội

Tất tật cách chăm sóc da từ sơ sinh đến người cao tuổi

22-10-2023 14:48 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Từ khi sinh ra đến khi trưởng thành rồi về già, làn da sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Mỗi giai đoạn lại có cách chăm sóc da khác nhau. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Chăm sóc da cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Chúng ta thường nghĩ không cần chăm sóc da cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vì làn da của trẻ em lúc này quá mỏng manh, dễ bị dị ứng. Nhưng thực tế vì làn da của trẻ mỏng manh, rất dễ mắc các bệnh ngoài da. Vì thế, việc chăm sóc da cho bé lại càng cần được chú ý hơn.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường gặp các vấn đề về da như:

- Mụn trứng cá ở trẻ sơ sinh: Thường xuất hiện trong 4 tuần đầu sau khi sinh, tổn thương phổ biến nhất là sẩn, mụn mủ... Tình trạng này thường tự khỏi sau 4 tuần đến 3 tháng mà không để lại dấu vết gì.

Cách chăm sóc chỉ cần chăm sóc bằng cách tắm rửa sạch sẽ bằng nước sạch và sữa tắm, dầu gội dành riêng cho trẻ sơ sinh. Không sử dụng phấn rôm hoặc bất kỳ loại kem trị mụn nào.

- Rôm sảy: Thường gặp từ khi trẻ sinh ra (hay nhầm với trứng cá ở trẻ sơ sinh) cho đến tuổi thiếu niên. Rôm sảy xuất hiện do thời tiết nóng bức, mồ hôi tiết ra nhiều mà một số các ống dẫn mồ hôi bị tắc nghẽn. Khi trẻ bị rôm sảy, sẽ có các mụn nước nhỏ mọc thành đám, thường thấy ở các vị trí: Trán, quanh cổ, vai, ngực và lưng.

Tất tật cách chăm sóc da từ sơ sinh đến người cao tuổi - Ảnh 1.

Trẻ cần được chăm sóc da đúng cách để làn da tránh được các bệnh ngoài da.

Chăm sóc da cho trẻ lúc này chỉ cần luôn giữ cho trẻ được ở nơi mát mẻ, mặc quần áo thoáng rộng, thấm mồ hôi. Hạn chế cho trẻ chơi đùa ngoài trời nắng nóng. Tắm rửa, vệ sinh cho trẻ thường xuyên bằng nước mát với sữa tắm chuyên dùng cho trẻ.

Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da của trẻ và không dùng phấn rôm. Không dùng các bài thuốc dân gian, các loại lá nào để bôi, đắp cho trẻ vì nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Đặc biệt là các loại kem, kem trộn không rõ nguồn gốc thì tuyệt đối không được sử dụng.

- Chàm sữa: Thường xuất hiện khi trẻ 2 tháng cho đến 2 tuổi, thông thường tự khỏi sau 2 tuổi. Tuy nhiên cần có cách chăm sóc và vệ sinh da cho trẻ sạch sẽ và cấp ẩm cho da để giúp bệnh thuyên giảm.

Khi trẻ mới xuất hiện chàm, có thể áp dụng một vài cách đơn giản:

+ Tắm với nước vừa đủ ấm, không tắm nước lạnh hoặc nước nóng để giảm kích ứng. Sử dụng sữa tắm dịu nhẹ chuyên biệt, không hương liệu.

+ Thoa kem dưỡng ẩm dành riêng cho trẻ bị chàm nhiều lần trong ngày, thoa ngay sau khi tắm.

+ Quần áo của trẻ phải giặt bằng xà phòng giặt không mùi, không chất tẩy.

+ Mặc quần áo rộng, mềm, thoáng mát, thấm mồ hôi.

2. Chăm sóc da tuổi dậy thì

Bước vào tuổi dậy thì cũng là lúc làn da của trẻ thay đổi nhiều nhất. Giai đoạn này, do hormone trong cơ thể thay đổi đột ngột nên trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề về da như: Tăng tiết dầu khiến da luôn bóng nhờn, nhiều mồ hôi; mụn đầu đen, mụn đầu trắng, đặc biệt là mụn mủ, mụn trứng cá bọc xuất hiện nhiều.

Lúc này quan trọng nhất là hướng dẫn trẻ cách làm sạch và chăm sóc da đúng cách để giúp cho trẻ có một làn da khỏe mạnh, giảm nguy cơ mụn trứng cá và tránh nguy cơ để lại sẹo do trứng cá bọc, mụn mủ gây ra.

- Làm sạch da: Rửa mặt 2 lần/ngày bằng nước ấm với sữa rửa mặt dịu nhẹ, phù hợp với type da. Không dùng khăm rửa mặt và tránh cọ rửa, chà sát mạnh khiến da bị tổn thương, dễ gây kích ứng hơn. Không rửa mặt bằng sữa rửa mặt quá 2 lần/ ngày, rửa mặt nhiều sẽ làm cho da khô và dễ kích ứng, mọc mụn nhiều hơn.

- Sử dụng kem chống nắng hằng ngày.

- Tẩy trang trước khi đi ngủ: Chọn nước tẩy trang gốc nước để giảm tình trạng bít tắc. Tẩy trang sẽ giúp da loại bỏ những dầu thừa và tế bào chết trên bề mặt da.

- Tẩy da chết 3 lần/ tuần bằng các sản phẩm tẩy da chết hóa học hoặc vật lý để loại bỏ tế bào da chết, làm thoáng lỗ chân lông.

- Cân bằng lại độ pH cho da và độ ẩm bằng nước hoa hồng và kem dưỡng ẩm phù hợp với type da.

- Gội đầu 3 lần/tuần, cột tóc (không quá chặt) gọn gàng để tránh nóng, đổ mồ hôi nhiều.

- Không sờ tay lên mặt, không tự nặn mụn.

- Có chế độ ăn lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng. Hạn chế thức ăn khiến da có nguy cơ nổi mụn nhiều hơn như: thực phẩm nhiều dầu mỡ (nướng, chiên, xào); nước ngọt đóng chai, chất kích thích.

- Ngủ sớm, thức dậy sớm; hạn chế stress.

- Uống nước đầy đủ.

Tất tật cách chăm sóc da từ sơ sinh đến người cao tuổi - Ảnh 3.

Tuổi dây thì rất dễ bị mụn trứng cá.

3. Chăm sóc da tuổi trung niên

Lão hóa da bắt đầu từ tuổi 25, nhưng phải đến tuổi 40 - 50 thì tình trạng lão hóa da mới rõ rệt bằng xuất hiện nhiều nếp nhăn, nám sạm, da đồi mồi xuất hiện trên mặt, cổ, da tay. Mỡ tích lũy nhiều ở các vùng như eo, bụng, vai, bắp tay, hông, đùi…

Để chăm sóc da tuổi trung niên chống lão hóa hiệu quả, nên bắt đầu với những thói quen chăm sóc da lành mạnh:

- Chống nắng: Thoa kem chống nắng ít nhất 2 lần/ngày. Mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang, kính mát mũ/nón khi đi ra ngoài đường. Hạn chế ra ngoài trời từ 10h-15h hằng ngày.

- Hằng ngày cần sử dụng kem dưỡng ẩm dành cho ban ngày và ban đêm.

- Làm sạch da: Rửa sạch bụi bẩn cho làn da bằng kem tẩy trang, sữa rửa mặt vào buổi tối. Rửa mặt với sữa rửa mặt vào buổi sáng để loại bỏ chất nhờn, dầu thừa trên da mặt vào buổi sáng.

- Chăm sóc, dưỡng da với các sản phẩm phù hợp với type da, tình trạng da vào ban đêm. Thoa kem dưỡng ẩm, kem chống nắng sau khi rửa mặt vào buổi sáng.

- Không hút thuốc chủ động hoặc bị động. Khói thuốc lá càng khiến làn da khô xỉn màu, mất độ săn chắc và đàn hồi.

- Sử dụng thực phẩm có lợi cho sức khỏe và ngủ đủ giấc, đi ngủ trước 23 giờ, thức dậy trước 6h30.

Tất tật cách chăm sóc da từ sơ sinh đến người cao tuổi - Ảnh 4.

Chăm sóc da tuổi trung niên giúp đẩy lùi tình trạng lão hóa.

4. Chăm sóc da cho người cao tuổi

Từ sau 60 tuổi, rất nhiều người cho rằng ở tuổi này không cần chăm sóc da nữa. Nhưng độ tuổi này lại có rất nhiều thay đổi tiêu cực về sức khỏe toàn thân và sức khỏe của làn da nên dễ rơi vào trạng thái stress, trầm cảm. Do đó, ngoài chăm sóc sức khỏe thông thường thì việc chăm sóc da sẽ cải thiện vẻ bên ngoài, giúp chúng ta vui vẻ hơn.

Sự thay đổi làn da độ tuổi này có thể gặp như:

  • Nếp nhăn nhiều hơn, rãnh sâu hơn.
  • Đồi mồi xuất hiện nhiều hơn, to hơn, đậm màu hơn.
  • Da khô, mỏng dần, dễ bị ngứa, kích ứng và mắc các bệnh ngoài da.
  • Da ít đổ mồ hôi hơn.
  • Khi mắc bệnh ngoài da sẽ mất nhiều thời gian điều trị hơn.
Tất tật cách chăm sóc da từ sơ sinh đến người cao tuổi - Ảnh 5.

Người cao tuổi cần chăm sóc da đẹp để thấy mình vui hơn.

Để chăm sóc da giai đoạn này, cần thực hiện các bước:

- Tắm nhanh bằng nước ấm (không dùng nước lạnh hoặc nóng) bằng kem tắm không hương liệu, có bổ sung chất làm mềm da. Không sử dụng xà phòng bánh vì sẽ làm khô da. Không sử dụng sữa tắm vì dễ trơn trượt, dễ làm người cao tuổi bị ngã trong lúc tắm.

- Thoa kem dưỡng ẩm dạng cream, không hương liệu, thoa toàn thân sau khi tắm, lúc da còn độ ẩm.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng khi thời tiết hanh khô.

- Đeo găng tay khi làm việc nhà, khi làm vườn

- Thoa kem chống nắng chống trôi phổ rộng, SPF 30+. Thoa kem chống nắng cho tất cả các vùng da mà quần áo sẽ không che phủ. Mặc quần áo chống nắng, đeo khẩu trang, kính mát khi ra ngoài trời.

- Không sử dụng sản phẩm chăm sóc, dưỡng da có hương thơm, vì sẽ gây kích ứng da.

- Đi khám, kiểm tra nếu thấy tình trạng các đốm đen, nốt ruồi không bình thường trên da. Bởi sau tuổi 50 tuổi, nguy cơ phát triển ung thư tăng lên. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn tiền ung thư, việc xử trí sẽ dễ hơn và ngăn ngừa phát triển thành ung thư tốt hơn.

Mời độc giả xem thêm video:

Mẹo chăm sóc da khi thời tiết trở lạnh

ThS.Trần Thị Luyến
Ý kiến của bạn