Tật nguyền dạng savant là người sở hữu năng lực trí tuệ phi thường. Nhờ những bộ phim như Rain Man (Người trong mưa, 1988) trong ý thức xã hội đã hình thành hình ảnh về savant - người khuyết tật thiên tài. Raymond Babbit, nhân vật trong phim do sao Dustin Hoffman thể hiện, có thể giải những bài toán khó nhiều ẩn sổ trong thời gian cực nhanh dựa vào sử dụng duy nhất kỹ năng của... trí tuệ bản thân.
Thiên tài khuyết tật trong phim Hoffman sắm vai có nguyên mẫu trong đời thực. Đó là Kim Peek (sinh ngày 11/11/1951) công dân Mỹ ở Salt Lake, tiểu bang Utah. Ý tưởng thai nghén kịch bản phim Rain Man xuất hiện trong đầu nhà văn tài hoa Barry Morrow sau cuộc gặp tình cờ với Kim Peek, đầu thập kỷ 80 tại cuộc họp báo do Hiệp hội vì Công dân Thiểu năng trí tuệ Mỹ tổ chức. Chủ tịch Hiệp hội thời đó là ông Fran Peek, bố của Kim. Ngày hôm đó, Barry Morrow đã trò chuyện vài giờ với Kim, thời gian đã giúp ông trực tiếp kiểm chứng những năng lực phi thường của nhân vật.
Người khuyết tật hai não Kim Peek tại phòng làm việc gia đình.
Kim có thói quen ưa thích gây ấn tượng - anh thường hỏi ngày sinh của người mới quen. Dựa và thông tin đó Kim nhẩm tính chính xác nhân vật chào đời vào ngày nào trong tuần, ứng với ngày nào trong tuần năm cập nhật và ngày nào sẽ nghỉ hưu. Được các nhà khoa học mệnh danh là “Google sống”. Kim có kiến thức cực rộng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: lịch sử nước Mỹ, địa lý (thuộc tên tất cả xa lộ trên đất Mỹ và Canada) kiến thức về thể thao, phim ảnh, kinh Thánh, lịch sử Thiên chúa giáo, văn học, các tác phẩm của văn hào Shakespeare. Kim cũng biết chi tiết Chương trình Vũ trụ Mỹ, nhớ mã số bưu điện, tên và những địa bàn phủ sóng các kênh truyền hình Mỹ. Cũng có thể nhận biết phần lớn các tác phẩm âm nhạc cổ điển, cho biết chính xác thời gian sáng tác, cũng như ngày sinh và qua đời của nhạc sĩ. Cho đến ngày qua đời (2009), người biệt tài đã đọc khoảng 12 nghìn cuốn sách - có thể trích dẫn tất cả. Hơn thế, Kim còn là nhân vật duy nhất được biết trong giới khoa học có thể đồng thời sử dụng hai mắt đọc hai trang sách khác nhau, thậm chí cả khi dựng ngược cuốn sách hoặc đặt sách nằm nghiêng.
Cả công việc chuẩn bị quay phim, cũng như sự nổi tiếng sau ngày công chiếu Rain Man, từ cuối 1988 cùng với bố, Kim được mời đi khắp nước Mỹ, gặp gỡ trên 2 triệu người mến mộ. Sự kiện cũng làm thay đổi chính con người Kim - trước đó anh né tránh tiếp xúc với đồng loại, hiếm khi đủ can đảm nhìn thẳng vào người đối thoại. Những cuộc gặp mặt thường xuyên với công chúng đã biến Kim thành con người tự tin hơn và không ngại trò chuyện với người xa lạ, thậm chí trước đám đông.
Hai não trong một hộp sọ
Kim Peek sinh ra với cái đầu to dị thường, trong hộp sọ có túi lớn đầy nước. Túi nước làm tổn thương bán cầu não trái, địa bàn chịu trách nhiệm về năng lực ngôn ngữ và vận động của cơ thể. Thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học sau ngày công chiếu Rain Man, năm 1988, lần đầu não Kim được tiến hành xét nghiệm chiếu chụp. Các bác sĩ ngỡ ngàng ngạc nhiên, khi chứng kiến não nhân vật khuyết tật thiên tài không có màng ngăn cách hai bán cầu não. Vì thế các nhà khoa học muốn kiểm tra, liệu não bộ của Kim đã trở thành một “túi” lớn đựng dữ liệu, hay có thể trong hộp sọ cùng lúc duy trì hoạt động của hai não - hai bộ máy tái tạo độc lập số lượng thông tin khổng lồ.
Ngày Kim thiên tài mới chào đời, các bác sĩ đã buồn rầu thông báo với cha mẹ cậu, cháu sẽ suốt đời không biết đi, không biết nói và khuyên gia đình nên gửi Kim vào trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật. “Khi ấy vợ chồng chúng tôi đã không đắn đo quyết định, sống chết cũng tự chăm sóc con”, ông Fran Kim bây giờ nhớ lại.
Thực tế đến năm 4 tuổi bé Kim vẫn chưa biết đi. Nhưng 16 tháng tuổi đã bắt đầu tự học đọc sách. Nhìn cái đầu to dị dạng cùng hiện trạng đi lại, vận động khó khăn của Kim, tất cả trường tiểu học trên địa bàn đều từ chối tiếp nhận bé Kim xấu số. Tuy nhiên khi gia đình đấu tranh được quyền dạy con tại nhà, Kim đã hoàn tất chương trình phổ thông trung học năm 14 tuổi. Dẫu vậy cơ quan giáo dục Mỹ vẫn không công nhận trình độ văn hóa của Kim cho đến trước thời điểm phim Rain Man trở thành sự kiện gây xôn xao dư luận thế giới.
Đối tượng nghiên cứu của NASA
Tháng 10/2004, trong lúc ăn trưa tại CLB Rotarian ở Monterey (bang California), Kim làm quen BS. Sam Downing, Giám đốc Bệnh viện ở Salinas Valley, cơ sở chuyên thực hiện các xét nghiệm chiếu chụp não. BS. Downing đã thuyết phục Kim đến cơ sở của ông, để có thông tin cụ thể về não bộ của mình. Từ lâu BS. Downing đã quan tâm dự án của NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) - dự án hy vọng phác thảo bản đồ chi tiết não người, nhờ nó có thể giúp khoa học hóa giải bí mật hội chứng say tàu xe, chóng mặt gắn với cảm giác sợ độ cao, những bí mật cơ chế trí nhớ và nguyên lý tự sửa chữa của tế bào thần kinh não. Với Kim, các bác sĩ Bệnh viện ở Salinas Valley đã tiến hành xét nghiệm cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính (CT scan) não.
Giai đoạn tiếp theo sẽ là xây dựng mô hình não bộ ba chiều thiên tài bằng hình ảnh dựa trên những dữ liệu do bác sĩ chuyên khoa cung cấp. Các chuyên gia NASA hy vọng, sẽ thành công trong nỗ lực khám phá những kênh xung điện trong não Kim, thông tin đóng vai trò nền tảng để nghiên cứu thực tế các khớp nối thần kinh ứng phó thế nào với tác động của những áp lực khác nhau như sự tăng tốc hoặc sức hút trái đất.
Chương trình nghiên cứu của NASA buộc phải dở dang vì Kim Peek đột ngột qua đời ngày 19/12/2009 sau cơn nhồi máu cơ tim.
(Theo Sekrety mozgu geniusza)