Tật nguyền bẩm sinh vẫn hạnh phúc

13-09-2015 14:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sinh ngày 24/4/1974 ở London (Vương quốc Anh), đến năm 3 tuổi bé trai Stephen Wiltshire lầm lì dị thường cả ngày không nói một lời được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ rối loạn tri giác

Sinh ngày 24/4/1974 ở London (Vương quốc Anh), đến năm 3 tuổi bé trai Stephen Wiltshire lầm lì dị thường cả ngày không nói một lời được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ rối loạn tri giác. Đến tuổi trưởng thành Stephen Wiltshire trở nên nổi tiếng vượt ra ngoài biên giới Vương quốc Anh nhờ trí nhớ nhiếp ảnh phi thường. Đã nhiều năm người hùng được mệnh danh là “camera sống”.

“Camera sống” Stephen Wiltshire đang vẽ phong cảnh London.

“Camera sống” nhờ... tự kỷ rối loạn tri giác

4 tuổi, bé Stephen được bố mẹ gửi vào Queensmill School, trường học đặc biệt dành cho trẻ tự kỷ ở London. Áp dụng phương pháp sư phạm mới kích thích khả năng sáng tạo của trẻ tự kỷ, nhà trường tổ chức các giờ học theo phương châm “khám phá thế giới qua các trò chơi giải trí theo sở thích”. Tại đây bé Stephen đã bộc lộ tình cảm say mê hội họa quên mọi thứ trên đời. Nhiều hôm nhân viên bảo vệ nhà trường ngỡ ngàng chứng kiến một mình Stephen trong phòng học bên hộp bút chì màu đang tỷ mẩn tái hiện phong cảnh nào đó trên tờ giấy croki phủ kín mặt bàn. Cậu học trò mải vẽ quên cả giờ học đã kết thúc từ hơn hai tiếng trước đó.

Không thể trò chuyện bình thường với mọi người vì chứng bệnh tự kỷ, Stephen thường thể hiện suy nghĩ bằng tranh vẽ để giao tiếp với bạn học và thầy cô giáo. Tất nhiên cách trao đổi thông tin bằng hình ảnh tự họa của Stephen bị số đông coi là hành động kỳ quái. Bỏ ngoài tai mọi trò giễu cợt của bạn đồng lứa, những khi về nhà sau giờ học, Stephen miệt mài mô tả bằng bút vẽ và bột màu với những đồ vật trong gia đình cũng như những phong cảnh đã chiêm ngưỡng. 8 tuổi, cậu bắt đầu tự “photocopy” trên giấy vẽ cảnh tượng thành phố bị tàn phá sau trận động đất cùng nhiều xe hơi. Được sự hỗ trợ và động viên nhiệt tình của thầy giáo Chris Mirris, đến 9 tuổi Stephen bắt đầu biết trò chuyện.

10 tuổi, Stephen hoàn thành tác phẩm ABC London - loạt tranh giới thiệu những công trình xây dựng của Thủ đô nước Anh theo thứ tự bảng chữ cái Latinh. Tranh vẽ phong cảnh của Stephen không khác gì ảnh chụp. Chính xác đến từng chi tiết về tỷ lệ kích thước so với thực tế ngoài đời. Có thể nhờ chịu khó quan sát và vẽ nhiều, Stephen  sở hữu “trí nhớ nhiếp ảnh”. Anh có khả năng ghi nhớ và tái tạo cực chính xác và trung thực phong cảnh đã nhìn, dù chỉ trong nháy mắt. Stephen Wiltshire đã vẽ bức tranh toàn cảnh thành phố London với đầy đủ chi tiết vụn vặt nhất sau khi quan sát trên không, qua ô cửa sổ máy bay trực thăng sau một chuyến bay. Bằng phương pháp y hệt, nhân vật biệt tài cũng tái hiện bằng bút vẽ toàn cảnh thành phố khác trên thế giới như Roma, Tokyo, Frankfurt và Hồng Kông.

Đầu năm 2006, Stephen Wiltshire đã được Nữ hoàng Anh trao tặng Huân chương Đế chế Anh vì những cống hiến to lớn, có giá trị cho nghệ thuật và văn hóa Vương quốc. Tháng 10 cùng năm “camera sống” cũng khai trương phòng tranh của mình tại Nhà hát Royal Opera Arcade ở London, nơi Stephen mỗi tuần xuất hiện hai lần, để anh gặp gỡ, giao lưu với người yêu hội họa và vẽ tranh giải trí.

Phiên bản của siêu sao bóng rổ Michael Jordan

Cao 1m34, chàng trai khẳng định, nếu được Thượng đế hào phóng cho thêm 20cm, từ lâu anh đã khoác áo NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ). Nhờ lòng tin vượt mặc cảm thua kém thiên hạ, Jahmani Swanson đã được mệnh danh là phiên bản của siêu sao bóng rổ lừng danh Michael Jordan trong thế giới người lùn.

“Michael Jordan nấm lùn” (bên phải) trên sân tập.

29 tuổi, Jahmani có chiều cao của cậu bé 9 tuổi. Lùn vì kế thừa gen di truyền của bố mẹ, song không bao giờ lùn là gánh nặng đối với anh. Anh cũng không oán trách số mệnh. Từ nhỏ Jahmani đã làm tất cả để ganh đua với đồng lứa cao hơn mình, như đối thủ hoàn toàn bình đẳng.

Hiện “Jordan nấm lùn” sống ở New York và là danh thủ hàng đầu của đội New York Towers. “Towers” (Những tòa tháp) là cái tên hài hước, bởi tất cả cầu thủ của CLB đều lùn tịt. Họ cùng nhau tập luyện, để sau đó chứng minh trên sân bóng chân lý: chiều cao hoàn toàn không đóng vai trò quyết định trong bóng rổ.

“Các đối thủ cao lớn nghĩ rằng, họ có thể dễ dàng vượt qua “cây nấm lùn” trên sân bóng. Nhầm to. Thực tế Jahmani nhỏ con không có nghĩa Jahmani yếu kém. Đừng đánh giá con người qua chiều cao. Hãy xem tôi chơi bóng, thi đấu với tôi, sau đó hãy phát biểu” - người hùng chia sẻ trong phóng sự của kênh truyền hình Internet “Barcroft TV”.

Từ tuổi ấu thơ, bóng rổ đã độc chiếm Jahmani. “Thay vì gấu Misa nhồi bông, tuổi thơ tôi đã được bố mẹ tặng quả bóng rổ và tôi ngủ với nó. Tôi ao ước lớn lên trở thành danh thủ bóng rổ và là fan nhiệt thành của Michael Jordan. Khi danh thủ thi đấu, tôi cũng chơi. Mẹ tôi thường la hét, khi tôi say sưa ném bóng giữa đêm bởi mẹ kêu quá ồn và quá nhiều đồ vật đã bị đổ vỡ” - Jahmani nhớ lại.

Các đối thủ khen “nấm lùn” che bóng tuyệt đỉnh. Không dễ đoạt được bóng trong tay Jahmani. “Đối thủ tin chắc, tôi sẽ ném bóng tức thì, bởi chiều cao quá thấp. Sau đó tất cả ngỡ ngàng chứng kiến tôi đập bóng vượt mặt liên tiếp nhiều đối thủ như trở bàn tay. Tôi thích thực hiện những thao tác như vậy” - danh thủ tường thuật.

Jahmani say trò chứng minh với đối thủ bản thân hoàn toàn không thua kém họ. Tự tin là thế mạnh lớn nhất của anh. Jahmani tin chắc, nếu cao hơn 20cm, với 1m54 chắc chắn từ lâu anh đã khoác áo NBA - giải bóng rổ nhà nghề xuất sắc nhất thế giới.

“Chưa bao giờ tôi căm ghét người lùn. Tôi chỉ gắng làm tất cả những gì, nếu có chiều cao bình thường tôi có thể làm. Tôi cảm thấy to lớn khi bước chân ra phố. Nhiều cặp mắt dán vào tôi, còn tôi hài lòng với cuộc sống của mình” - Jahmani Swanson bộc bạch.

Cuộc sống của Jahmani không chỉ là sân bóng rổ. Danh thủ nhỏ còn du lịch khắp thế giới, nơi anh giao lưu với những nhà thể thao khác và gợi ý giới trẻ vượt qua chính mình.

“Thông điệp của tôi dành cho các bạn trẻ thật ngắn gọn: Những gì bạn mơ ước, hoàn toàn có thể trở thành hiện thực” - “chứng cứ sống khiếm khuyết bẩm sinh vẫn có thể hạnh phúc” nhấn mạnh.

 (Theo Slawni niepelnosprawni) 

Vinh Thu

 


Ý kiến của bạn