Những thông tin trên được các chuyên gia Bệnh viện Mắt Trung ương đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới 2024 với chủ đề "Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em" diễn ra chiều nay – 10/10.
Đây là năm thứ 22 Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới nhằm kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức, chung tay cùng ngành mắt chăm sóc, bảo vệ đôi mắt, đặc biệt là các bệnh mắt thường gặp ở trẻ em.
Tật khúc xạ ở trẻ em ngày càng tăng
Thông tin tại buổi lễ cho biết, tuần thứ hai của tháng 10 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) chọn là Ngày Thị giác thế giới (World Sight Day), nhằm kêu gọi cộng đồng toàn cầu coi trọng chăm sóc và bảo vệ đôi mắt, giảm thiểu và loại bỏ các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được, vì mục tiêu "Quyền được nhìn thấy cho mọi người vào năm 2030".
Trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%. Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này). 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được.
Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ ...
Theo BS Đào Thị Mai Anh - Bệnh viện Mắt Trung ương, nhờ sự phát triển công nghệ nhãn khoa hiện đại giúp cho việc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị các bệnh về mắt ngày càng hiệu quả hơn, cũng như cho thấy các bệnh lý về mắt ngày càng đa dạng, phức tạp đặc biệt các bệnh lý mắt ở trẻ em: chấn thương mắt ở trẻ em, tật khúc xạ, nhược thị, các bệnh lý bẩm sinh: U võng mạc, lác mắt, sụp mi, đục thể thủy tinh bẩm sinh, võng mạc trẻ sinh non…
Đáng chú ý, tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố.
Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15 triệu em, với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.
Lứa tuổi học sinh rất dễ bị một số tật khúc xạ như: cận thị, viễn thị, loạn thị… Theo khảo sát về tình trạng mắc tật khúc xạ ở trẻ em trên một số trường tiểu học và THCS tại Hà Nội (năm 2000) và tại TPHCM (năm 2023) cho thấy tại Hà Nội có 51% trẻ mắc tật khúc xạ, trong đó cận thị chiếm 37,5%, viễn thị chiếm khoảng 8% và loạn thị là 5%; tại TPHCM, tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ lên tới hơn 75%, trong đó, số trẻ bị cận thị chiếm gần 53%.
Chuyên gia khuyến cáo gì để phòng ngừa tật khúc xạ cho trẻ?
Theo BS Mai Anh, tật khúc xạ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt. Do không nhìn thấy rõ nên các em khó hiểu bài, kết quả học tập giảm sút. Nếu để lâu không chữa trị có thể gây bệnh "mắt lười" gây suy giảm thị lực, khó điều trị.
Những dấu hiệu của tật khúc xạ gồm:
- Nhìn mờ, nhìn không rõ, có bóng đôi;
- Hay nhầm lẫn khi đọc chữ trên bảng, sách báo;
- Xem tivi thường nheo mắt, nhìn nghiêng một bệnh hoặc phải đến gần mới thấy rõ;
- Mỏi mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, dễ mất tập trung khi học tập hay đọc sách, báo.
Về nguyên nhân gây tật khúc xạ, theo các bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, do thói quen đọc sách, sử dụng thiết bị điện tử không hợp lý; Nhìn ở khoảng cách gần trong thời gian dài; Học tập và làm việc trong môi trường ánh sáng kém, ánh sáng xanh; Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu Vitamin A; Yếu tố di truyền.
Các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo, ngồi đúng tư thế (lưng thẳng, mắt cách bàn học 30cm) và ở nơi có đủ ánh sáng khi học, đọc sách, sử dụng vi tính; Xem tivi, chơi điện tử không quá 45 phút mỗi lần; Nghỉ 10-15 phút sau mỗi giờ học; Tăng cường vận động ngoài trời, tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bí đỏ, thịt, cá, trứng… tăng cường sức khỏe mắt.
Ở lứa tuổi học sinh, các em nên đi khám mắt định kỳ khoảng 6 tháng hoặc 1 năm một lần để phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ kịp thời, tạo thuận lợi cho việc học.
Đồng thời các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có uy tín. Nếu mắc tật khúc xạ nên đeo kính thường xuyên để giúp nhìn rõ hơn, nếu để lâu dễ dẫn đến nhược thị (mắt bị yếu) và suy giảm thị lực (nhìn ở đâu cũng không rõ).
"Nguyên nhân phức tạp, điều trị đa dạng. Tuy nhiên, khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ lại là một trong những biện pháp can thiệp với chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao để giảm tỷ lệ mù loà..."- chuyên gia Bệnh viện Mắt Trung ương nhấn mạnh.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia Phòng chống mù lòa giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030, với mục tiêu chung "tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt, giảm tỷ lệ cá bệnh mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân, đặc biệt hàng triệu người mù quyền được nhìn thấy như khuyến cáo của WHO".
Theo đó, mục tiêu 2030 Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4,0 người/ 1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi xuống dưới 12 người/1.000 dân; Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể trên 3,5 người/1.000 dân, tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thể thủy tinh 95%; Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt 75%; Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 75%.
Bên cạnh đó thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao nhận thức cộng đồng và củng cố mạng lưới về chăm sóc mắt; Xây dựng và hoàn thiện các chính sách phòng chống mù loà; Kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa; Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho các tuyến dưới; tranh thủ sự hỗ trợ của tác quốc tế, vận động các nguồn lực khác trong xã hội cho phòng chống mù loà....
Trong chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030 của Chính phủ chỉ ra: kiểm soát nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em đặc biệt chú ý bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, tật khúc xạ, bệnh võng mạc trẻ sinh non (ROP), thiếu vitamin A tiền lâm sàng… Củng cố, hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt, bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng giữa các đối tượng (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật).