Nghề làm bánh đa ở Đắc Châu có từ hàng trăm năm nay. Bánh đa Đắc Châu nổi tiếng là thơm ngon, được xuất đi khắp nơi. Chính vì vậy, người dân tại đây bận rộn quanh năm, không bao giờ hết việc.
Cùng với nghề truyền thống làm bánh đa, nay người dân địa phương làm thêm miến và bánh tráng cuốn.
Hiện ở thôn Đắc Châu có hơn 200 hộ làm nghề, phần lớn người dân làm bánh đa bằng phương pháp thủ công. Riêng bánh tráng cuốn và miến, một số hộ đưa đã công nghệ, máy móc về làm. Tuy nhiên, sản phẩm bánh đa vừng vẫn là đặc trưng của vùng đất này.
Bà Lê Thị Lanh (58 tuổi) cho biết, gia đình bà nhiều đời nay đã làm bánh đa. Nghề này không giàu, nhưng mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân.
Bà chia sẻ, để làm được bánh đa ngon, khâu chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Nguyên liệu chính để làm bánh đa gồm gạo tẻ và vừng. Gạo thường dùng là loại ít dẻo, sau khi mua về đem ngâm nước khoảng 30 phút đến 1 giờ, vớt ra rồi xay thành bột gạo nước.
Bột gạo được đưa vào nồi tráng thành bánh, đây là công đoạn quan trọng. Người tráng bột phải nhanh tay dàn đều để bánh có độ dày bằng nhau. Khi bột đã chín là công đoạn rắc vừng lên trên mặt bánh.
Những người làm bánh cho hay, bánh đa Đắc Châu ngoài khâu chọn gạo ngon, bánh được rắc rất nhiều vừng. Chính vì vậy, bánh đa ở đây có đặc trưng riêng là thơm và bùi hơn các loại bánh ở nơi khác.
Mỗi chiếc bánh sau khi nướng có giá bán từ 7.000 đến 10.000 đồng (tùy loại dày hay mỏng, to hay nhỏ). Bánh đa chưa nướng giá từ 5.000 đến 7.000 đồng. Tuy nhiên, vào dịp Tết, bánh cũng có thể tăng giá tùy thời điểm.
Hình ảnh người dân thôn Đắc Châu tất bật làm bánh đa bán Tết: