Tập trung vào giải pháp tăng cường giường bệnh

15-02-2012 22:24 | Thời sự
google news

Ngày 14/2, đoàn công tác Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về Đề án giảm tải bệnh viện (BV).

Ngày 14/2, đoàn công tác Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM về Đề án giảm tải bệnh viện (BV). Với đặc thù riêng, tình trạng quá tải diễn ra tại nhiều BV chuyên khoa và đa khoa, TP.HCM được xác định sẽ phải tập trung hơn nữa vào nhóm giải pháp xây mới BV, phát triển các khoa vệ tinh và tận dụng hết công suất các giường bệnh còn trống.

Các BV“tự thân vận động” là không đủ…

Trước tình trạng quá tải nhiều năm tại TP.HCM, có thể nói các BV đã chủ động và nỗ lực rất nhiều để thực hiện tất cả các giải pháp để có thể tự giảm tải cho cơ sở. Tuy nhiên, với nhu cầu khám chữa bệnh tăng chóng mặt như hiện nay thì hạ tầng cơ sở hiện tại của các BV tuyến cuối, đặc biệt là các BV chuyên khoa, BV nhi đã trở thành một chiếc áo quá chật không còn “độ co giãn” để có thể “tự giảm tải”. Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, hiện nay tại TP.HCM có 13 BV thuộc Bộ, 31 BV đa khoa và chuyên khoa, 23 BV quận, huyện và 34 BV ngoài công lập.
 
 PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế (người đứng thứ 2 bên trái) và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân (người thứ 2 bên phải) tại buổi làm việc về Đề án giảm tải bệnh viện. Ảnh: Tuân Nguyễn
Nếu tính riêng TP.HCM thì tỉ lệ giường bệnh là 42/1 vạn dân. TS.BS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện BV khám trung bình 5.000 lượt bệnh nhân/ ngày (cao điểm là 7.034) và thường xuyên có 1.500 - 1.600 bệnh nhân nội trú/ngày (cao điểm gần 2.000 người). Số liệu thống kê hơn 10 tháng đầu năm 2011, số bệnh nhân khám là 1.641.652 bệnh nhân, trong đó nội trú chiếm hơn 9.100 bệnh nhân. Tăng trung bình 5 - 10%/năm. Tình trạng quá tải nội trú trung bình 136%. Một số khoa như Hô hấp nhiễm, Tiêu hóa…quá tải trên 200%. Tình trạng này cũng diễn ra ở hầu khắp các cơ sở y tế lớn tại TP.HCM.

Theo BS. Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, để tự giảm tải, ngoài việc chuyển giao công nghệ, BV cũng đã phối hợp thực hiện phòng khám vệ tinh, tăng tỉ lệ điều trị ngoại trú. Còn BV Nhi đồng 1 tăng giường bệnh, tổ chức lọc bệnh tốt, chuyển giao kỹ thuật qua Đề án 1816… Ngoài ra các BV còn giảm tải bằng hàng loạt giải pháp như khám thông tầm, khám ngoài giờ, ứng dụng công nghệ thông tin, kê thêm bàn khám, thu hẹp diện tích giường bệnh để tăng số lượng giường, khám ngày nghỉ, liên kết cơ sở… nhưng cũng chỉ cải thiện được một phần tình trạng này. Bác sĩ Minh đề nghị, cần có giải pháp đột phá, về lâu dài là xây dựng thêm BV.

Đồng quan điểm này, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, mô hình cơ sở vệ tinh và xây dựng BV cơ sở 2, 3 là giải pháp trọng tâm, đột phá và chức năng của các cơ sở này sẽ thực hiện việc điều trị với chất lượng ngang bằng với BV chuyên khoa. Các BV tuyến dưới đang cần nhiều hơn sự hỗ trợ của BV tuyến trên cả về chuyên môn và cả về “thương hiệu”. Việc này đã và sẽ được giải quyết tốt qua Đề án 1816 và trong việc xây dựng, phát triển các “khoa vệ tinh” tại các BV quận, huyện.

Chờ cơ sở hạ tầng mới

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, trong các nhóm giải pháp giảm tải của các BV thì các giải pháp về chuyên môn đã triển khai từ lâu và cũng mang lại hiệu quả. Vấn đề đào tạo nhân lực thì ngành y tế nói chung, TP.HCM nói riêng đã có những đề án và chủ trương “dài hơi” cùng việc mở rộng các loại hình đào tạo. Do vậy, TP.HCM sẽ tập trung vào gói giải pháp thứ 3 là phát triển cơ sở hạ tầng, tăng số giường bệnh trong thời gian tới.

Đánh giá chủ trương và đề xuất xây dựng các khoa vệ tinh và sử dụng giường bệnh trống của BV tuyến quận huyện hay thành lập BV cơ sở 2 của TP.HCM là hướng đi đúng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng: Cần chỉ rõ rằng các BV quận, huyện nào sẽ phối hợp điều trị, BV tuyến trên, BV chuyên khoa như Ung bướu, Nhi đồng 1 “chọn” BV nào làm “vệ tinh” thì nên xem xét, bàn bạc kỹ và thống nhất triển khai ngay chứ không chỉ là chủ trương, kế hoạch. Đồng thời BV tuyến dưới, nơi nào thấy đủ điều kiện, năng lực và cơ sở vật chất thì mạnh dạn đề xuất, mời BV tuyến trên phối hợp. Sự phối hợp giữa hai bên, một bên có cơ sở vật chất, một bên có nhân sự, chuyên môn sẽ đem lại lợi ích cho bệnh nhân, vì bệnh nhân. Cơ chế hợp tác, các đơn vị chủ động bàn bạc và thảo thuận với nhau.
 
 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc với nhà đầu tư về việc cải tạo chung cư cao tầng thành BV tại huyện Bình Chánh.
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh các BV quận, huyện chưa sử dụng hết công suất giường bệnh, đây là giải pháp khả thi nhất trong khi chờ các cơ sở mới được xây dựng. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV Thống Nhất, cho biết, BV luôn “dư” khoảng 80 giường nên có thể dành nhiều giường có Khoa Ung bướu, Tim mạch chuyên khoa sâu và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân từ BV quá tải chuyển sang, BV vẫn khám và điều trị tốt.
 
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, hiện nay những BV tuyến quận, huyện ở TP.HCM, công suất sử dụng giường bệnh chỉ đạt trung bình khoảng 60%, có nơi 70%. Do vậy, ngay từ năm 2011, thành phố đã làm việc với Sở Y tế và các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn tìm hướng giải quyết việc giảm tải cho BV.
 
Các BV đã thống nhất với việc triển khai mô hình phòng khám vệ tinh. Đưa một số khoa, chuyên khoa từ BV tuyến trên về tuyến dưới nhằm tận dụng tối đa công năng số giường bệnh dư thừa ở BV quận, huyện và đã phát huy tác dụng. Tăng cường kinh phí và hỗ trợ chi phí cho đội ngũ y, bác sĩ về công tác tuyến dưới. Năm 2012, BV quận huyện sẽ “dành” 400 giường để phục vụ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và ung bướu. Ông Thuận cũng nhận định, để có thể thu hút bệnh nhân vào các BV quận, huyện là một vấn đề nan giải. Công thức ở đây có thể là sự tổng hợp của 3 yếu tố: nguồn nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cao và “thương hiệu”! Song song với đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới cũng vẫn đang được phát triển.
 
Các BV Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Nhi đồng đang có những dự án xây dựng cơ sở 2, 3 tại các khu vực cửa ngõ của thành phố. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cũng đã tỏ rõ quyết tâm của lãnh đạo địa phương khi khẳng định trong năm 2012 TP.HCM sẽ tăng cường những giải pháp nhằm giảm quá tải cho các BV. Đẩy nhanh tiến độ việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình BV công trên địa bàn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh và hoàn thiện cơ sở vật chất ngành y tế.
 
Tổng kết cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định. Sự tin tưởng vào quyết tâm của TP.HCM và đề nghị địa phương trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển BV vệ tinh và các cơ sở 2. Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế và đề xuất vốn trong khả năng có thể.  “Nguồn ngân sách của TP.HCM mạnh. Nếu có chủ trương tăng cường sử dụng nguồn vốn này để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, xây dựng BV để giảm tải thì sẽ là thuận lợi rất lớn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Sáng 14/2, đoàn Bộ Y tế và Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thăm các khu đất và khảo sát các dự án quy hoạch cải tạo, xây mới BV của TP.HCM tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh và Nông trường Lê Minh Xuân, Bình Tân. Hiện tại, trong kế hoạch của TP.HCM, hàng trăm ha đất tại những nơi này và quận 9, Củ Chi sẽ là nơi xây dựng 5 BV cửa ngõ (bao gồm: cửa ngõ phía Bắc là Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi - Hóc Môn; cửa ngõ phía Nam: Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Trung tâm xét nghiệm Y khoa thành phố; cửa ngõ phía Đông: Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Ung bướu; cửa ngõ phía Tây: Bệnh viện Nhi đồng) với hơn 5.000 giường bệnh.
 
Nếu hoàn thành đúng tiến độ, đến năm 2015, các dự án trên sẽ giúp giảm 50% tình trạng quá tải so với tình hình hiện nay. Được biết, tổng nguồn vốn đầu tư cho 7 dự án trên là 13.000 tỉ đồng. Với các BV khu vực trung tâm, chủ trương mở rộng cơ sở vật chất nếu đủ vốn cũng sẽ  tăng thêm được 200.000m2 sàn trong 3 năm tới. Muốn vậy, TP.HCM cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ những vướng mắc về quy định xây dựng hay cơ chế, chính sách đền bù giải toả, hiện thực hóa các dự án đã thay đổi thiết kế...

 

Bài và ảnh: Tuân Nguyễn


Ý kiến của bạn