Hà Nội

Tập trung toàn lực để phòng và cứu chữa bệnh nhân sốt xuất huyết

26-07-2017 08:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Dịch sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục gia tăng ở tất cả các tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội và TP.HCM đang là điểm nóng của dịch bệnh nguy hiểm này...

Đây là cảnh báo của Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra chiều 24/7 tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP.HCM. Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện phải sàng lọc, phân loại bệnh nhân, nhẹ chuyển tuyến dưới, giữ lại ca nặng tập trung cứu chữa...

Gần 60.000 ca mắc SXH, 17 trường hợp tử vong

Thông tin tại hội nghị cho biết, dịch SXH đang bùng phát một cách mạnh mẽ trên địa bàn cả nước ta, đặc biệt là ở Hà Nội và một số tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Hiện tại, cả nước ghi nhận gần 60.000 ca mắc, trong đó có 17 người tử vong do SXH. Số mắc tăng 9,7% so với cùng kỳ của năm 2016. Mùa mưa là mùa của bệnh SXH, dịch xuất hiện quanh năm ở miền Nam, đặc biệt là Tây Nam Bộ, miền Bắc năm nay dịch đến sớm hơn. Tại miền Bắc, bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn, trong khi ở phía Nam trẻ em mắc nhiều hơn.Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch.

PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin, hiện nay ở miền Bắc số bệnh nhân chỉ tập trung tại Hà Nội với tỷ lệ 53,7/100.000 dân. Trong đó Đà Nẵng là 473/100.000 dân, TP.HCM là 137,5/100.000 dân. Trung bình cả nước số mắc là 48/100.000 dân.

Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay số mắc đã tăng lên gần 7.000 ca, gấp 6-7 lần so với cùng kỳ, trong đó có 3 ca tử vong. Hiện 28 BVĐK của Hà Nội đều có bệnh nhân SXH vào điều trị. Trong đó, BVĐK Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa có lượng bệnh nhân đông nhất.

PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, TP.HCM nhận định, thời tiết mùa mưa xen lẫn mùa khô đang tạo điều kiện cho côn trùng gia tăng. Bệnh SXH năm nay có sự gia tăng týp D2 (týp phổ biến những năm qua là D1, D4). Như vậy, những người chưa có miễn dịch sẽ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh.

PGS.TS. Trần Đắc Phu dự báo, trong những tháng cuối năm 2017, dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp do hiện đang bước vào mùa dịch, cùng đó mùa nóng kéo dài nhuận 2 tháng 6 âm lịch cũng là nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng.

Muỗi gây bệnh SXH đốt nhiều nhất vào buổi sáng

Trước sự gia tăng của dịch bệnh SXH, một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng nằm ghép 2 người một giường như Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới TW... Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra khá gay gắt trước tình trạng này.

Nhắc lại bài học kinh nghiệm sâu sắc từ dịch sởi năm 2014, Bộ trưởng lưu ý các bệnh viện không phải bệnh nhân nào đến cũng nhận. Bệnh nhân vào viện thì phải tiếp đón tử tế; phân loại, lọc bệnh, trường hợp nhẹ chuyển tuyến dưới - chỉ hạ sốt, theo dõi, tập trung cấp cứu các ca nặng. Đồng thời Bộ trưởng cũng yêu cầu bệnh viện tuyến cuối tập huấn nhanh tất cả các bệnh viện, thực hiện nghiêm phác đồ điều trị, luôn sẵn sàng cơ chế thuốc...

“Không được để quá tải bệnh viện, không được nằm ghép. Việc nằm ghép cũng dễ làm lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Khi số lượng bệnh nhân quá lớn thì điều dưỡng, bác sĩ không thể đủ sức theo dõi. Tôi rất sốt ruột nên phải tổ chức cuộc họp này”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm điều trị SXH tại khu vực miền Nam cho thấy từ con số hàng trăm ca tử vong do SXH nay ca tử vong đã giảm xuống hai con số. Điều này đạt được do sự phân loại bệnh nhân. Không thể để bệnh nhân SXH độ 1-2 nằm lẫn độ 3-4 sẽ khó trong việc giám sát, phát hiện nguy cơ biến chứng vì quá tải.

Giải thích tình trạng này, TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, từ đầu năm đến nay BV tiếp nhận khám hơn 7.000 bệnh nhân SXH, số nhập viện chỉ hơn 700. BV tiến hành sàng lọc bệnh nhân, cho nhập viện theo dõi những người vào ngày thứ 3 của bệnh, có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ biến chứng... “Bệnh nhân vào viện được khám sàng lọc, phân loại, 3 xe cấp cứu của bệnh viện được huy động liên tục vận chuyển bệnh nhân để giảm tải. Tuy nhiên, có trường hợp nhẹ bác sĩ tư vấn cho về nhà theo dõi thì bệnh nhân vác gậy đuổi, thậm chí dọa về nhà có vấn đề gì thì sẽ kiện bệnh viện”, TS. Kính nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay bệnh SXH chưa có vắc-xin phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng bệnh là quan trọng nhất. SXH là bệnh do muỗi vằn Aedes aegypti truyền bệnh. Đặc điểm của loại muỗi này là thích đẻ nước sạch - nước mưa, nước đọng, phát triển rất nhanh. Loại muỗi này cũng đốt vào ban ngày, chủ yếu 8-10h sáng, loại muỗi đốt vào buổi tối là muỗi truyền sốt rét, viêm não. Do đó Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường các giải pháp dự phòng, đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ của dịch, kịp thời xử lý những ổ dịch nhỏ, không để SXH lây lan trên diện rộng. Việc truyền thông cần có giải pháp trọng điểm, không truyền thông theo kiểu “hô khẩu hiệu”.

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý, ngoài những dịch bệnh thường gặp, các địa phương cần theo dõi sát các bệnh viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu và nhiều bệnh viêm não khác. Bộ trưởng  cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ cấp đầy đủ cơ số thuốc đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt côn trùng, vắc-xin phòng bệnh cho những tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi mưa bão, đồng thời kêu gọi cộng đồng trong mùa mưa bão cần thực hiện triệt để phương châm ăn chín, uống chín, tăng cường diệt ruồi, diệt muỗi, côn trùng, chủ động vệ sinh môi trường để hạn chế tối đa sự tác động từ môi trường bị ô nhiễm.

Chủ động, tích cực phòng bệnh SXH

Phòng muỗi đốt: Muỗi truyền virut SXH đốt người vào ban ngày, cho nên phải tự bảo vệ để tránh muỗi đốt: xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để bảo vệ cả ngày lẫn đêm; mặc quần áo dài che kín tay chân khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi; dùng các dụng cụ bắt muỗi và diệt muỗi vào ban ngày...

Phòng muỗi sinh sản: Muỗi truyền virut SXH sống và sinh sản ở những nơi có nước ứ đọng trong nhà và xung quanh nhà cần: đậy kín lu, vại, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ trứng. Hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra, thả cá để ăn lăng quăng, bọ gậy; không để ứ đọng nước ở các dụng cụ chứa nước mưa, chum vại vỡ, nếu có thì phải úp xuống. Rác thải như lon bia, túi ni-lông, vỏ sữa chua, rác thải... phải đem đốt hoặc chôn lấp; dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng; trong giai đoạn dịch bệnh SXH đang bùng phát, trong thôn, xóm, tổ dân phố phải tổng vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm; khơi thông cống rãnh, những chỗ ao tù nước đọng; có thể dùng các biện pháp diệt muỗi như: đốt hương diệt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.

Bài, ảnh: Thái Bình
Ý kiến của bạn