Tập trung thực hiện thành công chương trình tổng thể phòng, chống dịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội

05-01-2022 16:58 | Y tế

SKĐS - GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, năm 2022, ngành Y tế xác định tập trung cao nhất thực hiện thành công Chương trình tổng thể phòng chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội...

Tốc độ và tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam về đích sớm

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá kết quả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 diễn ra chiều ngày 5/1, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, bao trùm lên tất cả hoạt động của Ngành trong năm 2021 là công tác phòng chống dịch COVID-19

"Cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ, tạo ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế, đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ngành Y tế đã trụ vững, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước kiểm soát dịch bệnh cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tập trung thực hiện thành công chương trình tổng thể phòng, chống dịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội
 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Nguyên Phúc.

Nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ đã được triển khai như giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn. 

Ngành Y tế các cấp đã luôn bám sát thực tế diễn biến dịch bệnh, chủ động, linh hoạt trong tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. 

Trong năm 2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với hơn 155 triệu liều vaccine được tiêm chủng; tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 99,7% và tỷ lệ tiêm đủ 02 liều vaccine là 91,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. 

"Từ nước tiếp cận vaccine chậm nhưng tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của chúng ta hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Vaccine là điều kiện quan trọng để thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng nhưng không làm mờ những cống hiến của đội ngũ thầy thuốc

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin trong đợt dịch thứ 4, Ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25 nghìn chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch và hiện nay vẫn có hàng ngàn cán bộ của các bệnh viện thuộc Bộ đang tiếp tục trực chiến trong các tỉnh ở khu vực miền Nam.

Bên cạnh công tác phòng chống dịch COVID-19, ngành Y tế cơ bản hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Trung ương về y tế và dân số; hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở đang từng bước được củng cố, phát triển; tiếp tục mở rộng khám, chữa bệnh từ xa, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; từng bước đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế và tiếp tục hoàn thành các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những tồn tại, hạn chế và yếu kém; năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn hạn chế; các chế độ chính sách chưa phù hợp; đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn; chưa kịp thời và chưa đủ thời gian điều chỉnh các quy định của pháp luật cần thiết có liên quan trong bối cảnh dịch bệnh; những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành. 

Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm minh, nhưng không làm mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sỹ, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong cuộc chiến với dịch COVID-19 suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới.

Tại hội nghị thay mặt ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ lời cám ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và các địa phương đã luôn lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành y tế trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 suốt thời gian qua.

"Trong những thời khắc thật sự khó khăn đó, sự sẻ chia, ủng hộ của các Đồng chí và Nhân dân cả nước đã là nguồn động viên to lớn đối với toàn thể ngành y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch để tiếp tục cuộc chiến đầy cam go, thách thức"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần đối với nhóm chưa tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay: Nhận định trong thời gian tới, dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vaccine nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. 

Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. 

"Ngành Y tế tiếp tục là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng tuyến đầu khác đã, đang và sẽ quyết tâm trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 với mục tiêu trên hết, trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân"
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long:

Trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, cuộc chiến phòng COVID-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. 

"Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tăng lên vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe; cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế, chủ trọng tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.

Thứ tư, đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sắp xếp bộ máy nhất là y tế cơ sở một cách phù hợp theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn; đổi mới phương thức quản lý trong lĩnh vực y tế; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước trong các hoạt động của Ngành;

"Trong thời gian tới, ngành Y tế rất mong tiếp tục nhận được sự tin tưởng, động viên, chia sẻ của Đảng, Chính phủ, cùng toàn thể Nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ của Ngành, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tăng cường giám sát người nhập cảnh, giải trình tự gen phát hiện kịp thời biến chủng OmicronBộ trưởng Bộ Y tế: Tăng cường giám sát người nhập cảnh, giải trình tự gen phát hiện kịp thời biến chủng Omicron

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác giám sát phòng, chống dịch COVID-19, kiểm dịch y tế biên giới. Thực hiện nghiêm việc tổ chức quản lý người nhập cảnh theo quy định, điều trị kịp thời, thực hiện giải trình tự gen nhằm phát hiện kịp thời biến chủng Omicron.

Thái Bình
Ý kiến của bạn