Hà Nội

Tập trung rà soát, sửa đổi thể chế quan trọng định hình hoạt động ngành y dược

25-09-2024 17:05 | Y tế

SKĐS - Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Dược để trình Quốc hội xem xét với định hướng thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất dược chất, thuốc mới, biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên, thuốc công nghệ cao, vaccine và sinh phẩm...

Cùng đó là các sản phẩm thuốc, sản phẩm từ máu và huyết tương... của các tập đoàn dược phẩm nước ngoài tại Việt Nam nhằm chủ động, phát triển bền vững sản xuất trong nước đồng thời thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu đến các thị trường tiên tiến.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã nhấn mạnh những thông tin này tại hội thảo "Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược" do Báo Đầu tư tổ chức hôm nay - 25/9 tại Hà Nội. Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia hàng đầu cùng lãnh đạo doanh nghiệp dược trong nước và quốc tế.

Tập trung rà soát, sửa đổi thể chế quan trọng định hình hoạt động ngành y dược 
- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo "Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược".

Đề xuất những ưu tiên cho sản xuất thuốc tại Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra các mục tiêu: Phát triển ngành dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới.

Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước giai đoạn 2030-2045 đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt với quan điểm phát triển rất cụ thể: Thu hút đầu tư nước ngoài để sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự...

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, năm 2024 là một năm then chốt với việc rà soát, sửa đổi các luật và quy định quan trọng định hình hoạt động của ngành y dược trong một thập kỷ tới đây, góp phần thúc đẩy đầu tư hệ thống y tế bền vững, và kiến tạo một hệ sinh thái thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ về thuốc, trước tiên phải có nguyên liệu làm thuốc, Việt Nam có tiềm lực lớn về vùng nguyên liệu. Nguồn nhân lực, con người trong ngành sản xuất thuốc cũng rất sẵn sàng.

"Theo các quy định sửa đổi, chúng tôi đề xuất những ưu tiên cho việc sản xuất thuốc tại Việt Nam, bao gồm việc ưu tiên cấp giấy đăng ký lưu hành, ưu tiên nằm trong danh sách thuốc BHYT…"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Theo Tổng biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, tại Việt Nam, đổi mới sáng tạo trong ngành y tế đã và đang giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học và sản xuất dược phẩm.

Tuy nhiên, để đổi mới sáng tạo thực sự là liều thuốc phát triển bền vững ngành y dược vẫn đòi hỏi việc giải quyết tổng hòa rất nhiều nhiệm vụ cụ thể, từ việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong phòng bệnh, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế, thiết bị y tế có chất lượng cao, đến hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về y tế trên cơ sở bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh và kịp thời điều chỉnh quy định của pháp luật có liên quan.

Tập trung rà soát, sửa đổi thể chế quan trọng định hình hoạt động ngành y dược 
- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Làm gì để đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành dược Việt Nam phát triển, hội nhập?

Hội thảo diễn ra trùng hợp với thời điểm Quốc hội chuẩn bị xem xét biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016.

Các chuyên gia và đại diện của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực y dược đã chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm; đầu tư thành lập, phát triển các trung tâm nghiên cứu, trung tâm thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm tương đương sinh học, thử nghiệm tương tự sinh học…, mang đến những kiến giải sâu sắc, góp phần thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho ngành y dược Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Lê Minh Sang, chuyên gia y tế cấp cao Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, một số điều kiện cần và đủ để một quốc gia thành công trong đổi mới y tế. Đó là việc phải thiết lập môi trường thuận lợi cho những người đổi mới công nghệ thông tin và những người áp dụng công nghệ thông tin.

Cùng đó cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ số để giải quyết các ưu tiên về y tế công cộng; tăng cường sự tham gia và tiếp nhận của người dùng đối với các ứng dụng y tế số; đồng thời cần duy trì các ứng dụng y tế số, như khả năng tương tác và tích hợp; cơ chế tài chính và hệ thống bồi hoàn; giám sát và đánh giá.

Theo ông Sang hiện nay, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam đang phát triển và có một số bài học mà Việt Nam cần tham khảo từ các quốc gia khác, trong đó: 

Thứ nhất, cần tiếp tục phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu và khả năng tương tác để hỗ trợ các luồng thông tin y tế rộng hơn và sâu hơn; đảm bảo việc áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn của các nhà cung cấp công nghệ thông tin y tế.

Thứ hai, cần tận dụng các nguồn dữ liệu y tế mới nổi để hỗ trợ lập kế hoạch, quản lý, giám sát y tế công cộng.

Thứ ba, cần tạo động lực để tích hợp y tế số vào các dịch vụ y tế cốt lõi.

Thứ tư, cần phải đáp ứng kỳ vọng của các công dân/bệnh nhân về các dịch vụ hiệu quả, hiệu suất và cá nhân hóa hơn;

Thứ năm, cần phải thực hiện đánh giá và giám sát để bảo đảm rằng y tế số mang lại hiệu quả theo các ưu tiên về sức khỏe của người dân.

Tham luận tại hội thảo, ông Atul Tandon - Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho hay, AstraZeneca đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc cải thiện hệ thống y tế của Việt Nam thông qua đổi mới và hợp tác.

Theo đó, AstraZeneca không chỉ tập trung vào việc cung cấp các phương thuốc, phương pháp điều trị tiên tiến mà còn hướng tới việc khai thác sức mạnh của khoa học để mang lại lợi ích toàn diện cho con người, xã hội và trái đất

"Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực trong đổi mới y tế vì sức khỏe của người dân Việt Nam, đặc biệt là những nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương"- ông Atul Tandon nói và nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc hợp tác giữa công ty, chính phủ và khu vực tư nhân để xây dựng một hệ thống y tế bền vững.

Tập trung rà soát, sửa đổi thể chế quan trọng định hình hoạt động ngành y dược 
- Ảnh 3.

Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo.

Ông Darrell Oh, Chủ tịch Pharma Group chia sẻ, mặc dù ngành dược phẩm Việt Nam vẫn đang phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, theo ông hiện có 3 yếu tố quan trọng Việt Nam cần tập trung, thứ nhất, tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hoạt động và đầu tư thông qua các chính sách rõ ràng, mang tính dự báo, bền vững để tạo động lực cho các công ty ưu tiên đưa các liệu pháp tiên tiến nhất đến Việt Nam sớm hơn cũng như sẵn sàng đầu tư dài hạn tại đây;

Thứ hai, đưa ra các chính sách ưu đãi ưu tiên lĩnh vực đổi mới, phát minh như thiết lập trung tâm nghiên cứu, phát triển, khuyến khích đầu tư vào các giai đoạn sớm của quy trình nghiên cứu, phát triển sản phẩm như nghiên cứu lâm sàng và nâng cao năng lực sản xuất.

Thứ ba, có một quy trình thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược hiệu quả.

Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo - Liều thuốc phát triển ngành y dược", hội thảo đưa ra những phân tích, góc nhìn khách quan về thực trạng đổi mới sáng tạo ngành y dược Việt Nam; về các xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới; về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển bền vững ngành y dược trong giai đoạn mới, những động lực mới, vai trò của các bên liên quan, cũng như những bài học kinh nghiệm từ các nước.

Hội thảo đã tạo diễn đàn mở trao đổi về những giải pháp, những động lực cho đổi mới sáng tạo ngành y dược trong giai đoạn mới, giúp phát triển bền vững ngành Y tế và tăng cường tiếp cận y tế chất lượng cao cho người dân...

Bộ Y tế đề xuất danh mục 266 thuốc hóa dược và sinh phẩm không kê đơn, có những loại gì?Bộ Y tế đề xuất danh mục 266 thuốc hóa dược và sinh phẩm không kê đơn, có những loại gì?

SKĐS - Danh mục thuốc không kê đơn được xây dựng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho người sử dụng khi tự điều trị bằng các thuốc này; bảo đảm việc tiếp cận thuốc kịp thời cho người dân...

Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn