Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

09-05-2023 11:46 | Thời sự

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh…

Vừa tập trung phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển KT-XH

Sau khi khai mạc Phiên họp thứ 23 sáng 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tóm tắt Báo cáo về KT-XH.

Báo cáo nêu rõ, năm 2022 nước ta đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế phục hồi nhanh, là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 - Ảnh 1.

Toàn cảnh Phiên họp thứ 23 của UBTVQH sáng 9/5.

Với quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, chúng ta đã vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, với vị thế là một nền kinh tế có độ mở lớn, tuy nhiên quy mô còn khiêm tốn và năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế nước ta tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, thu hút đầu tư, kinh doanh bất động sản…

Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tóm tắt Báo cáo về KT-XH.

Mặc dù vậy, bước sang tháng 4, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn ban hành từ đầu năm đến nay bắt đầu có hiệu ứng tác động, tháng 4 cũng là tháng bước vào giai đoạn đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, nhất là du lịch. Nhờ đó, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công, khơi thông điểm nghẽn về dòng tiền trong nền kinh tế,… Tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng/2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Về tình hình triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. 

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ban hành; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục cơ cấu lại lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công…

Kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Trình bày Báo cáo thẩm tra và đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2022 nước ta đối diện với nhiều biến động nhanh, phức tạp, tiêu cực của tình hình thế giới.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh", góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục.

Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.

Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, tình hình kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân được thực hiện tốt…

Bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình KT-XH 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, KT-XH còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản…

Ngoài ra, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, đẩy mạnh phát triển, khai thác thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Phiên họp thứ 23 của UBTVQH sẽ dành nửa ngày để cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)Phiên họp thứ 23 của UBTVQH sẽ dành nửa ngày để cho ý kiến đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

SKĐS - Sáng 9/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 23. Phiên họp diễn ra trong 4 ngày để xem xét nhiều vấn đề quan trọng.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn