Tập trung phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH và giảm nợ đọng

03-08-2015 07:19 | Tin nóng y tế

SKĐS - Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong tháng 6, số người tham gia BHXH, BHYT là 443.776 người, đưa số người tham gia BHXH, BHYT đến hết tháng 6/2015 đạt 65.275.458 người,

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trong tháng 6, số người tham gia BHXH, BHYT là 443.776 người, đưa số người tham gia BHXH, BHYT đến hết tháng 6/2015 đạt 65.275.458 người, tăng 409.275 người so với cuối năm 2014 và tăng 2.872.296 người (4,6%) so với cùng kỳ năm 2014. Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị giao ban triển khai công tác tháng 8/2015 của BHXH Việt Nam cuối tuần qua...

Tình trạng nợ đọng BHYT, BHXH tiếp tục gia tăng

Số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong tháng 6/2015 đạt 21.092,1 tỷ đồng, đưa số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp lũy kế đến 30/6/2015 đạt 97.849,1 tỷ đồng, đạt 48% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 7.439,2 tỷ đồng (8,2%) so với cùng kỳ năm 2014. Từ đầu năm đến hết tháng 6/2015 đã thực hiện chi trả chế độ khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho 10.327.458 lượt người, lũy kế đến hết tháng 6/2015 là 60.568.802 lượt người.

Số người tham gia BHYT và BHXH đã tăng.        Ảnh: TM

Trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015, BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện Luật BHXH và triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Một số vướng mắc phát sinh trong triển khai Luật BHYT đã được BHXH Việt Nam và Bộ Y tế phối hợp và nỗ lực giải quyết, nhất là các vướng mắc trong việc phát triển đối tượng và việc tham gia BHYT theo hộ gia đình...

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia còn một số tồn tại, hạn chế như: Số đối tượng tham gia BHXH vẫn tăng chậm so với cùng kỳ năm 2014, đạt khoảng hơn 20% tổng lực lượng lao động; số đối tượng tham gia BHYT mới chiếm khoảng 71,9% dân số; tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp và xảy ra ở tất cả các địa phương làm cho số nợ BHXH, BHYT tiếp tục tăng cao. Đến 30/6/2015 số nợ là 10.837,2 tỷ đồng, chiếm 5,79% so với tổng số phải thu; tăng 457,9 tỷ đồng (4,4%) so với cùng kỳ năm 2014; toàn quốc có 22 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung...

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Trong 6 tháng đầu năm, công tác tuyên truyền của ngành tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung về các nội dung mới của Luật BHXH (sửa đổi), về kết quả bước đầu và một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và các hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập BHXH Việt Nam,... Nhiều hình thức tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BHYT với các nhóm đối tượng được tổ chức phong phú, phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành; công tác tin học hóa BHYT được triển khai khẩn trương với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Y tế, trong đó phần mềm giám định BHYT được xây dựng, thí điểm triển khai tại 3 địa phương đã đạt được kết quả nhất định trong liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa cơ quan BHXH, cơ sở y tế và đang được thẩm định, đánh giá; cấp mã định danh và làm sạch dữ liệu quản lý thu, sổ BHXH, thẻ BHYT được triển khai tại 6 địa phương để phục vụ cho công tác tin học hóa trong BHYT...

Phát biểu kết luận giao ban, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Các đơn vị rà soát lại nhiệm vụ được giao của mình, đẩy nhanh tiến độ công việc, tăng cường công tác quản lý, tích cực trong các mối quan hệ phối hợp,... để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời các đơn vị trong ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHXH sửa đổi; tổng hợp, đề xuất giải quyết vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; tiếp tục chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020”; “Chỉ thị số 058/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng, giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động, ngăn ngừa hành vi lạm dụng, trục lợi, đảm bảo cân đối quỹ; phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là tỷ lệ bao phủ BHYT tối thiểu là 75% dân số.

Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương. Toàn ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin theo yêu cầu của Chính phủ, trong đó, tập trung đánh giá phần mềm khám chữa bệnh BHYT, phối hợp với ngành y tế hoàn thành triển khai tin học hóa trong khám chữa bệnh BHYT và thống kê, lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình...

Nguyễn Hoàng

 

 

 


Ý kiến của bạn