Hà Nội

Tập trung nguồn lực vào ‘điểm nóng’ HIV tại Đồng bằng Sông Cửu Long

06-09-2023 16:52 | Xã hội

SKĐS – Hiện có tới hơn 40% số ca nhiễm HIV mới tập trung tại khu vực đồng bằng song Cửu Long, chủ yếu lây qua đường tình dục, tập trung phần lớn trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 228.497 người nhiễm HIV hiện đang còn sống, 113.253 người nhiễm HIV đã tử vong. 6 tháng đầu năm 2023, xét nghiệm phát hiện mới 6.790 trường hợp, tử vong 681 trường hợp. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV: 72,1% lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn, 81,2% là nam giới, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 16-39 tuổi. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 40,8% số người nhiễm HIV.

Lây nhiễm HIV mới chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, trong nhóm MSM

ThS. BS Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, đường lây HIV chủ yếu hiện nay là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm gần đây, trở thành đường lây HIV chính ở nước ta. Năm 2022, nam giới chiếm 84,4% trong số nhiễm mới và lây qua đường tình dục chiếm tới hơn 90%.

Số người nhiễm HIV được báo cáo gia tăng tại phần lớn các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, Long An, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Cà Mau… và tập trung ở lứa tuổi từ 15-39.

Tại Long An, hiện có đến 94,3% trường hợp nhiễm HIV mới lây qua đường tình dục, trong đó 79,1% là lây nhiễm qua quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm học sinh, sinh viên, đặc biệt công nhân lao động ngày càng tăng, hầu hết người nhiễm thuộc quần thể MSM…

photo-1690700360255

BS. Trần Kim Thuý, CDC Kiên Giang tư vấn sử dụng PrEP phòng ngừa lây nhiễm HIV cho MSM có nguy cơ cao.

Tại Kiên Giang, có đến 97,9% số người nhiễm mới HIV lây qua đường tình dục, phần lớn cũng nằm trong nhóm MSM. Kiên Giang là tỉnh có số ca nhiễm HIV đứng thứ 4 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 trong cả nước. Mỗi năm Kiên Giang phát hiện thêm 350-400 ca nhiễm mới HIV…

Ước tính phân bố nhóm đối tượng nhiễm mới HIV hàng năm giai đoạn 2000-2025, đáng lưu ý vẫn là nhóm MSM (chủ yếu), nghiện chích ma túy… và bạn tình của các nhóm này. Đối với nhóm MSM, nếu như năm 2011 tỷ lệ này chỉ có 4%, năm 2020 là 13% và năm 2022 có giảm một chút nhưng vẫn ở mức cao (12,5%), ThS.BS Cao Kim Thoa cho biết.

Tập trung nguồn lực tìm ca, can thiệp cho nhóm đối tượng đích

ThS.BS Cao Kim Thoa cho biết, do HIV có xu hướng gia tăng trong nhóm tuổi trẻ, lây chủ yếu qua đường tình dục và phần lớn trong mhóm MSM… do đó, một trong những hoạt động can thiệp là cần thúc đẩy chương trình PrEP (Dự phòng trước phơi nhiễm HIV) và các dịch vụ phòng ngừa lây nhiễm HIV khác, đặc biệt cho nhóm MSM.

Được biết hiện nay, các cán bộ y tế và các đồng đẳng viên ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đang nỗ lực đẩy mạnh nhiều hoạt động để khống chế dịch HIV/AIDS, giảm thiểu số người nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao, đặc biệt trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Tại Long An, ThS. Nguyễn Ngọc Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Long An cho biết, trong năm 2023, với sự hỗ trợ của ‘Dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án EPIC), tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan, điều tra ước tính quần thể MSM trên địa bàn. Kết quả sơ bộ cho thấy, số MSM toàn tỉnh dao động từ 9.213-12.100 người, chiếm 1,9%-2,5% số nam giới từ 15-49 tuổi. Nhờ áp dụng một số mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV phù hợp và tiện lợi… nên phát hiện nhiều trường hợp nhiễm HIV mới trong nhóm này.

Hiện Dự án EPIC đã hỗ trợ Long An 5/7 Phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) và 6/8 cơ sở điều trị PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV). Ngoài đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách các lĩnh vực HIV/AIDS, dự án còn hỗ trợ điều trị lao, viêm gan C, bệnh không lây nhiễm cho người nhiễm HIV, hỗ trợ triển khai nhiều mô hình tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV tại cộng đồng và cơ sở y tế, xét nghiệm phát hiện ca nhiễm mới HIV, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động tại các khu công nghiệp...

Tại Kiên Giang, với hỗ trợ của các dự án, đã tăng cường công tác tìm ca nhiễm mới HIV tại cơ sở y tế và trong cộng đồng thông qua CBO (nhóm tiếp cận cộng đồng). Dự án EPIC đã tăng cường tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh nhằm đạt được mục tiêu như: Tiếp cận, xét nghiệm HIV được cho 1.000 khách hàng nguy cơ cao (MSM, tiêm chích ma túy, mại dâm và bạn tình của họ), phát hiện được 350 ca HIV(+) mới (phát hiện lần đầu) và tăng tỷ lệ khách hàng HIV (+) được kết nối thành công điều trị ARV...

Trong Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 do Bộ Y tế ban hành mới đây… cũng nhấn mạnh thời gian tới, tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm quần thể nguy cơ cao như: Cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), trẻ tuổi, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các địa bàn ở vùng núi sâu, vùng xa, biên giới; thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV cho đến tham gia điều trị, chuyển đổi cơ sở điều trị, chất lượng điều trị, tuân thủ điều trị cho đến tận khi người nhiễm HIV tử vong; tiếp tục duy trì hoạt động giám sát trọng điểm HIV, STI và giám sát hành vi lây nhiễm HIV phù hợp; áp dụng kỹ thuật chẩn đoán mới nhiễm trong giám sát trọng điểm để đánh giá và ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM.

WHO hướng dẫn mới về ức chế HIV và lồng ghép HIV vào chăm sóc sức khỏe ban đầuWHO hướng dẫn mới về ức chế HIV và lồng ghép HIV vào chăm sóc sức khỏe ban đầu

SKĐS - Một số hướng dẫn khoa học và quy phạm mới về HIV đã được WHO đưa ra tại Hội nghị khoa học về HIV của Hiệp hội Chuyên gia quốc tế về HIV/AIDS (International AIDS Society - IAS) lần thứ 12 diễn ra tại Australia mới đây.

Mời độc giả xem thêm video về xét nghiệm HIV:

[LIVE] 💥 🍀 🍀 🍀 XÉT NGHIỆM HIV: DỄ DÀNG TIẾP CẬN, HOÀN TOÀN MIỄN PHÍ


Thu Hương
Ý kiến của bạn