Năm 2008 khép lại, bên cạnh những thành quả đạt được, ngành dân số hiện vẫn đang phải đối mặt với sự thiếu ổn định về tổ chức bộ máy, số sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng mạnh, tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng gia tăng... Làm thế nào để giảm mức sinh, ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố ảnh hưởng tới việc mất cân bằng giới tính khi sinh... trong thời gian tới. PV báo Sức khỏe & Đời sống đã phỏng vấn TS. Nguyễn Bá Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục DS – KHHGĐ về vấn đề trên.
PV: Thưa Thứ trưởng, số trẻ sinh ra trong 9 tháng đầu năm tăng cao, đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng nhanh ở nhiều địa phương cho thấy công tác DS – KHHGĐ hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Thủy: Theo báo cáo của các địa phương, số trẻ em sinh ra trong 9 tháng đầu năm tăng 5%; số trẻ là con thứ 3 trở lên tăng 10% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó có 43/63 tỉnh có mức sinh tăng cao. Để đánh giá vấn đề này, chúng ta phải xác định đúng các nguyên nhân khách quan và chủ quan như tâm lý và tập quán của người dân trong xã hội nông nghiệp, chịu ảnh hưởng tư tưởng nho giáo, muốn có đông con và phải có con trai để nối dõi tông đường... là những nguyên nhân khó khăn trong việc thực hiện mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 – 2 con, bảo đảm cân bằng giới tính và nâng cao chất lượng dân số. Tiếp đến, xuất phát điểm của chúng ta là một nước nông nghiệp cho nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp... đã dẫn tới việc không đảm bảo vững chắc để người dân thực hiện quy mô gia đình ít con. Số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ hàng năm lớn gần gấp hai lần số phụ nữ bước ra khỏi độ tuổi này. Nếu mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ thực hiện sinh từ 1-2 con thì quy mô dân số nước ta vẫn cứ tiếp tục tăng trong khoảng thời gian tới.
Bên cạnh đó, có nơi, có lúc còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo và chủ quan thỏa mãn với những kết quả đạt được bước đầu trong việc khống chế tốc độ gia tăng dân số của lãnh đạo các cấp, các ngành địa phương. Việc không xác định được tính chất khó khăn, phức tạp lâu dài của công tác dân số cũng như thách thức của dân số đối với sự phát triển KT – XH của địa phương và của cả nước đã làm cho công tác dân số trong thời gian qua chưa đạt kết quả như mong đợi.
PV: Theo ước tính, tỷ lệ sinh năm 2008 của cả nước chỉ giảm 0,1‰ so với năm 2007 (không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao). Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Thủy: Một trong những nguyên nhân của việc không hoàn thành chỉ tiêu công tác DS-KHHGĐ năm 2008 được Quốc hội giao là do hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ trong những năm qua có nhiều thay đổi, dẫn tới thiếu ổn định. Ủy ban DS,GĐ&TE giải thể theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 8/8/2007, nhưng phải đến 29/1/2008 mới có Quyết định số 18/2008/QĐ-TTg về tổ chức bộ máy của Tổng cục DS-KHHGĐ thuộc Bộ Y tế. Tháng 4/2008, Chính phủ có Nghị định 13, 14 về tổ chức bộ máy của địa phương, trong đó có nội dung giải thể Ủy ban DS,GĐ&TE, nhưng chưa hướng dẫn mô hình cơ quan đảm nhiệm công tác này trong hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế các cấp. Chính điều đó và cùng với việc “giải thể” nên nhiều cán bộ, đảng viên lầm tưởng rằng, Đảng, Nhà nước không còn quan tâm tới công tác DS-KHHGĐ nữa và người dân thì hiểu rằng, họ được “đẻ thoải mái”; nhiều địa phương điều chuyển cán bộ, bàn giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc chứa cơ sở dữ liệu về DS-KHHGĐ sang các cơ quan khác... đã làm cho công tác DS-KHHGĐ bị đình trệ, gián đoạn, nhiều hoạt động trong kế hoạch đã không được triển khai do tài khoản bị đóng, con dấu không còn giá trị... Cho đến nay, mặc dù đã kiện toàn được bước đầu tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh xuống cơ sở nhưng vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn nhất là tuyến cơ sở. Thêm nữa, nguồn đầu tư nguồn lực cho công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với tình hình mới. Do vậy, để khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên, từng bước giải quyết có hiệu quả Chương trình DS-KHHGĐ hiện nay và tiến tới mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đạt, duy trì ổn định, vững chắc mức sinh thay thế và từng bước nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần vào năm 2010 thì việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân là yếu tố đặc biệt quan trọng, nhằm tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ của Đảng và Nhà nước.
PV: Để hoàn thành các chỉ tiêu về DS – KHHGĐ (đặc biệt là chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh...) trong năm 2009 và những năm tiếp theo, xin Thứ trưởng cho biết chúng ta sẽ triển khai và thực hiện những giải pháp gì nhằm đạt được mục tiêu trên?
Thứ trưởng Nguyễn Bá Thủy: Trong năm 2009, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động giáo dục trong toàn xã hội về công tác DS – KHHGĐ cũng như nhanh chóng ổn định bộ máy cán bộ làm công tác này thì Tổng cục cũng tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế xây dựng, ban hành các chính sách, chế độ để thực hiện hiệu quả công tác DS – KHHGĐ. Ngoài ra, Tổng cục sẽ tập trung mọi nỗ lực đạt mục tiêu giảm sinh vững chắc, đặc biệt chú trọng nhóm 23 tỉnh (nhóm I) có mức sinh cao, vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhằm đạt mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2%o, tỷ lệ gia tăng dân số là 1,18% và quy mô dân số khoảng 87,2 triệu người. Nâng cao chất lượng việc thử nghiệm, nhân rộng các mô hình, giải pháp can thiệp về kỹ thuật, kinh tế và xã hội nhằm giảm tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển bền vững của đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hoàng Anh (thực hiện)