Thực hiện nhiệm vụ kép
BS. Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đăk Nông cho biết: Tỉnh vẫn phải quyết liệt duy trì 2 nhiệm vụ song song đó là phòng chống dịch bạch hầu và COVID-19. Đến nay, Đăk Nông có số ca nhiễm bạch hầu cao, với 39 ca, trong đó có 2 ca tử vong. Ca mới nhất phát hiện ngày 7/8. Ngay khi phát hiện đã thiết lập điểm chốt chặn, khoanh vùng, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại ổ bệnh. Có hơn 4.000 đối tượng tiếp xúc gần với các ca nhiễm bạch hầu, có nguy cơ cao được điều trị kháng sinh dự phòng đủ liệu trình 7 ngày và gần 20.000 người thuộc nhóm đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên tại các ổ dịch và vùng có nguy cơ cao được tiêm vắc-xin dự phòng bạch hầu. Tại tỉnh Đăk Nông đến ngày 9/8 cũng chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào. Đã có hơn 90 mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính, chỉ có 5 trường hợp đang cách ly tại cơ sở y tế.
Tại Đăk Lăk, tính đến ngày 7/8 đã có 31 ca nhiễm bạch hầu, đang được điều trị. Trong đó, nhiều huyện liên tục gia tăng như: Huyện Krông Bông từ 2 ca nhanh chóng tăng lên 13 ca; huyện Ma Đ’răk từ 1 ca tăng lên 7 ca... Ngành y tế Đăk Lăk đã triển khai hơn 100 đội tuyên truyền, vận động người dân các biện pháp phòng chống bạch hầu và COVID-19.
Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, tỉnh Kon Tum cũng đã có trên 30 ca nhiễm bạch hầu. Ngành y tế địa phương đã cấp 36.848 viên, 6.004 gói kháng sinh điều trị dự phòng cho 3.814 người. Liên tục phun hóa chất khử khuẩn.
Để ứng phó có hiệu quả với bệnh bạch hầu, Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị từ xã đến tỉnh tiếp tục giám sát chặt chẽ các ổ dịch; Phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để cách ly, điều trị kịp thời; Tăng cường công tác tiêm chủng và truyền thông phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Đồng thời lập kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin Td (uốn ván - bạch hầu) cho các xã có ổ dịch và các xã có nguy cơ cao để tạo miễn dịch cộng đồng. Trong mỗi chiến dịch tuyên truyền đều lồng ghép phòng chống dịch bạch hầu và COVID-19.
Điều tra dịch tễ và tuyên truyền phòng chống dịch bệnh ở Đăk Lăk.
Nhiều tín hiệu tích cực trong điều trị COVID-19
Các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng cũng đã ban hành nhiều chỉ đạo quyết liệt để chống dịch. Ngành y tế Lâm Đồng đã thực hiện cách ly tập trung 28 trường hợp tại Công ty Hokkaido Lutus và thực hiện 54 mẫu xét nghiệm F1, kết quả xét nghiệm 100% trường hợp đều âm tính với SARS-CoV-2. Ngoài các biện pháp phòng, chống dịch trong khu dân cư, chuẩn bị tốt thuốc men và các khu cách ly, UBND tỉnh Lâm Đồng còn chỉ đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh này phải giám sát chất thải hàng ngày. Liên tục tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế, các khu cách ly, các điểm xử lý rác thải y tế... Tại Gia Lai, đến trưa ngày 9/8 chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19, công tác giám sát được triển khai đến từng khu dân cư. Tổng số có 2.629 mẫu xét nghiệm thì 2.565 mẫu đã cho kết quả âm tính, số ca cách ly tại nhà và nơi cư trú ngày càng giảm mạnh.
Một tín hiệu tích cực đối với tỉnh Đăk Lăk là sau ít ngày điều trị, BN448 (xã Ea Tiêu, Cư Kuin, Đăk Lăk) đã cho kết quả âm tính lần 2. Đến ngày 9/8, bệnh nhân hồi phục tốt. 2 ca khác là BN601, BN602 đang tiếp tục được điều trị. Có tổng cộng 310 trường hợp liên quan đến các ca bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh này đang cách ly tập trung tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên đều có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Công tác phòng chống dịch ở Đăk Lăk vẫn được tiến hành chặt chẽ.
Ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên còn tập trung vận động quần chúng nhân dân phối hợp với công an kiểm tra, rà soát lập danh sách thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép lưu trú, cư trú tại địa phương và đi từ nơi có dịch bệnh trong cộng đồng về địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây dịch trong cộng đồng.