Tập trung giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

19-11-2012 07:28 | Thời sự
google news

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng,

(SKDS) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, giúp đồng bào nâng cao đời sống, giảm nguy cơ tái nghèo.

Nguy cơ tái nghèo còn cao

Mặc dù đã đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững suốt nhiều năm và đạt nhiều kết quả rất ấn tượng giảm tỷ lệ nghèo nhanh, song do ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu và trong nước, thiên tai liên tiếp, nước ta vẫn còn tồn tại tình trạng nghèo đói kinh niên ở một số vùng.

Tập trung giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số 1
 Cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hướng dẫn đồng bào Mông xã Tà Xi Láng cách chăm sóc ngô. Ảnh: Phương Thùy

Theo kết quảđiều tra của Bộ  Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện  cả nước vẫn còn hơn 2,5 triệu hộ nghèo (chiếm 11,76%) và hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo (chiếm gần 7%), tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, vùng ven biển, biên giới hải đảo. Số liệu của Tổ chức Liên hợp quốc năm 2012 cũng cho thấy, có trên 50% đồng bào dân tộc thiểu số nước ta đang phải sống dưới chuẩn nghèo, trong đó 31% nghèo về lương thực. Tiến độ giảm nghèo ở dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực thu nhập, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh, nhà ở còn chậm so với mức chung của cả nước.

Việc giảm nghèo bền vững và tái nghèo đang là thách thức với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa do hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, dịch bệnh… Bên cạnh đó, khi thoát khỏi diện hộ nghèo, các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo chưa định hướng được phương án sản xuất, kinh doanh nhằm ổn định sinh kế thoát nghèo bền vững; năng lực sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế; còn thiếu hụt các chính sách hỗ trợ, đầu tư cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo,… Do đó, theo đánh giá của Liên hợp quốc, một bộ phận dân cư nước ta hiện vẫn đang sống rất gần với chuẩn nghèo. Nếu xảy ra thảm họa thiên nhiên, sự cố liên quan đến kinh tế hoặc sức khoẻ là có thể đẩy họ quay trở lại với nghèo đói.

Tập trung giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số 2
 Dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh : TTXVN

Tập trung nguồn lực để giảm nghèo

Với tổng kinh phí 27.509 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015 sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư trên địa bàn trọng điểm là các huyện nghèo; xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới và xã an toàn khu); thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, đời sống, cải thiện điều kiện hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, ưu tiên dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng nghèo trong độ tuổi lao động tại hộ nghèo, thôn, bản nghèo, xã nghèo, huyện nghèo.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình, tăng cường hợp tác quốc tế, một trong giải pháp quan trọng được Chính phủ xác định là cần đẩy mạnh tuyên truyền công tác giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của đồng bào, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, tích cực lao động sản xuất, thi đua và giúp nhau làm kinh tế giỏi. Đây cũng chính là yếu tố cơ bản quyết định chất lượng giảm nghèo bền vững.       

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở khảo sát tình hình thực trạng kinh tế - xã hội các hộ cận nghèo, các hộ thoát nghèo, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện Đề án chính sách hỗ trợ các hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2013-2016.

Mục tiêu tổng thể của Đề án nhằm nâng cao năng lực, tạo điều kiện tiếp cận sinh kế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần hướng tới thoát nghèo bền vững và phát triển kinh tế ổn định cho hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo vùng đồng bào các dân tộc một cách bền vững, giảm sự chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và giữa các vùng trong cả nước.

  Nguyễn Đức


Ý kiến của bạn