Tập trung giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

30-11-2014 23:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS ở nước ta vẫn còn tồn tại khá phổ biến dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau...

Kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS ở nước ta vẫn còn tồn tại khá phổ biến dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, vẫn đang là rào cản lớn đối với công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Vậy giải pháp nào có thể giải quyết được vấn đề trên? Tại sao nước ta lại chọn chủ đề về chống kỳ thị cho Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay? TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết rõ hơn về vấn đề này.

TS. Nguyễn Hoàng Long.

Phóng viên (PV): Bên cạnh những thuận lợi và thành tựu mà nước ta đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua thì vẫn còn nhiều những khó khăn và thách thức phía trước mà chúng ta phải đối mặt. Xin ông cho biết rõ hơn về những khó khăn thách thức này và hệ lụy của chúng?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Trong những năm qua, chúng ta đã đạt được những thành công to lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống HIV/IDS khá đầy đủ; mạng lưới phòng, chống AIDS được xây dựng từ trung ương đến các địa phương; các hoạt động chuyên môn như truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp dự phòng và giảm hại, tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... được triển khai rộng khắp. Nhờ đó, số nhiễm HIV mới, số mắc AIDS và số tử vong do HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Thứ nhất, chúng ta mới chỉ giảm được tốc độ gia tăng, chứ chưa khống chế được đại dịch HIV/AIDS. Hiện nay, mỗi năm vẫn phát hiện được 12.000 - 14.000 người nhiễm HIV mới, trên 2.000 người qua đời vì HIV/AIDS, và trên 220.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc thường xuyên, liên tục, suốt đời. HIV/AIDS hiện vẫn là 1 trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Nếu không tiếp tục tăng cường đầu tư và nỗ lực hơn nữa thì đại dịch HIV/AIDS có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Thứ hai, mức độ bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn hạn chế. Chương trình bơm kim tiêm sạch và bao cao su mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu; điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone mới triển khai ở 38 tỉnh/thành phố, cho hơn 22.000 người nghiện; điều trị ARV mới đạt 36% số người nhiễm HIV được phát hiện... Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực còn hạn chế.

Thứ ba, phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta chủ yếu dựa vào tài trợ quốc tế. Khoảng 80% tổng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS, 95% kinh phí mua thuốc ARV và 100% kinh phí mua thuốc Methadone là từ nguồn viện trợ. Ngoài ra, nguồn viện trợ còn hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, trả lương và phụ cấp cho nhân lực tham gia phòng chống HIV/AIDS. Các nguồn viện trợ này đang bị cắt giảm mạnh và sẽ hết trong 2 - 3 năm tới, trong khi đó chi ngân sách trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.

Một khó khăn nữa đó là kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn là một trở ngại lớn khiến người dân, đặc biệt là các nhóm đối tượng nguy cơ cao khó tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, dẫn đến tình trạng ít làm xét nghiệm HIV/AIDS, khó phát hiện người nhiễm HIV để có biện pháp dự phòng, người nhiễm HIV không điều trị hoặc điều trị muộn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV cho người khác trong xã hội.

PV: Tại sao Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 Việt Nam lại chọn chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, thưa ông?

Thế giới đã trải qua hơn 30 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS. Bên cạnh nhiều thành tựu đã đạt được thì tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản quan trọng khiến những người có hành vi nguy cơ cao và những người nhiễm HIV không dám tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, khiến việc phòng, chống HIV/AIDS rất khó khăn và kém hiệu quả.

Tại Việt Nam, kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều biểu hiện khác nhau, từ ngấm ngầm đến công khai. Tại gia đình, có những người nhiễm HIV phải ăn riêng, ở riêng, sinh hoạt riêng; hạn chế hoặc miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm HIV. Có những gia đình còn tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung.

Tại cộng đồng, mọi người thường cấm hoặc hạn chế tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS; không sử dụng các dịch vụ, hàng hóa mà người nhiễm HIV hoặc gia đình họ cung cấp, nhất là dịch vụ ăn uống; không đến dự tang lễ của người nhiễm HIV/AIDS, hoặc không mời người nhiễm HIV đến tham dự những sự kiện hiếu, hỷ trong cộng đồng; vứt bỏ các vật dụng mà người nhiễm HIV đã sử dụng, như cốc uống nước, bát đũa người nhiễm HIV đã dùng để ăn...

Tại các cơ sở y tế, một số nhân viên y tế cũng ngại, miễn cưỡng khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS, nhất là người bệnh giai đoạn cuối, với nhiều biến chứng, lở loét...

Tại nơi học tập, làm việc, người nhiễm HIV thường bị xa lánh, những người xung quanh ngại tiếp xúc, không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV. Có những trường hợp gây sức ép, tạo cớ để người nhiễm HIV xin nghỉ việc, nghỉ học hoặc bắt buộc thôi việc, thôi học với lý do không chính đáng.

Để tiến đến kết thúc đại dịch HIV/AIDS, Chương trình phối hợp về HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS) đã đưa ra Mục tiêu “ba không,” bao gồm: Không có trường hợp nhiễm HIV mới; không có người tử vong vì HIV/AIDS; và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Chính vì tầm quan trọng này nên “Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS” tập trung vào chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS” nhằm tăng hiểu biết của toàn xã hội về HIV/AIDS, không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người không may bị nhiễm HIV, qua đó, giúp cho những người nhiễm HIV được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS.

PV: Vậy theo ông trong thời gian tới, thì giải pháp nào để có thể giải quyết được vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS ở nước ta? 

Kỳ thị, phân biệt đối xử là một hiện tượng xã hội, cần có thời gian để thay đổi. Muốn giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, cần tiến hành một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, giải thích cho người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường như bắt tay, nói chuyện, ăn chung, sinh hoạt thông thường trong gia đình và xã hội hàng ngày...

Thứ hai, phải rà soát, thay thế các thông điệp, hình ảnh có tính chất “hù dọa”, làm cho người dân ghê sợ HIV/AIDS một cách quá mức cần thiết. Bên cạnh đó, cần đưa các tin, hình ảnh tích cực, quảng bá các hoạt động có ích và những đóng góp của người nhiễm HIV/AIDS cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Thứ ba, cần tăng cường sự tham gia của người nhiễm HIV trong các hoạt động truyền thông; chuyển từ việc coi người nhiễm HIV và gia đình của họ là đối tượng của truyền thông sang coi họ là chủ thể thực hiện các hoạt động truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, người nhiễm HIV/AIDS cũng phải tự vượt qua mặc cảm của mình, sẵn sàng công khai tình trạng nhiễm HIV cho người thân và cộng đồng biết; tích cực tham gia các hoạt động có ích để lấy được niềm tin cho bản thân và sự chia sẻ, thông cảm của những người xung quanh.

Thứ tư, cần huy động sự tham gia của các vị lãnh đạo, các vị chức sắc và những người có uy tín, người của công chúng tham gia các hoạt động truyền thông, chống kỳ thị, phân biệt đối xử, thể hiện các hành vi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS trước công chúng... Đây là cách truyền thông thay đổi hành vi rất nhanh và hiệu quả.

Cuối cùng, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kỳ thị, phân biệt đối xử đối với HIV/AIDS; tăng cường thực thi pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức thực thi các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống HIV/AIDS, bao gồm các hành vi phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

PV: Xin cảm ơn tiến sĩ.

Thu Hương (thực hiện)

 

 


Ý kiến của bạn