Tập trung giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

22-11-2023 15:43 | Xã hội

SKĐS - Sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, mặc dù còn những khó khăn trong việc triển khai nhưng chương trình góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ở Thừa Thiên Huế.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương về công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu triển khai MTQG Chương trình 1719 nhằm bảo đảm tiến độ đề ra. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương vùng dân tộc thiểu số có bước chuyển biến tích cực.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 9.84%. Riêng huyện A Lưới giảm 12.08% (giảm từ 52.79% xuống còn 40.71%).

Đầu tư xây dựng 23 công trình đường vào khu sản xuất, đường dân sinh phục vụ việc đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa, 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, 3 công trình hệ thống nước sạch, nâng cấp mở rộng các phòng học, phòng đa chức năng và phụ trợ trường mầm non. Nhiều hoạt động truyền thông dân số, khám sàng lọc bệnh thường gặp cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi được chú trọng thực hiện.

Tập trung giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 1.

Mô hình trồng sâm bố chính từng bước giúp người dân huyện A Lưới thoát nghèo.

Năm 2022, thu nhập bình quân chung của vùng đồng bào DTTS đạt 36 triệu đồng/người/năm, dự kiến cuối năm 2023 đạt 38,5 triệu đồng/người/năm. Giải quyết khoảng 60% số hộ di cư tự do, hộ sinh sống trong khu vực bị sạt lở, lũ quét. Thực hiện quy hoạch, xây dựng 2 làng văn hóa các dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới và Nam Đông…

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, sau 3 năm thực hiện Chương trình 1719, góp phần rất lớn trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Đến nay đã đầu tư xây dựng 23 công trình đường vào khu sản xuất, đường dân sinh phục vụ việc đi lại, sản xuất, lưu thông hàng hóa; 2 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng; 3 công trình hệ thống nước sạch, nâng cấp mở rộng các phòng học, phòng đa chức năng và phụ trợ trường mầm non; kênh mương, đập thủy lợi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG cũng đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Theo đại diện Ban Dân tộc, đến nay, một số văn bản hướng dẫn (thay thế văn bản cũ hoặc sửa đổi, bổ sung) của một số Bộ, ngành được ban hành tạo thuận lợi để các sở, ngành, địa phương nghiên cứu để tổ chức triển khai thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên, qua theo dõi, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện chương trình ở một số địa phương có mặt còn hạn chế như, việc thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo, ban quản lý xã, ban phát triển thôn chưa đúng quy định, hoạt động của ban chỉ đạo có nơi chưa phát huy hiệu quả.

Công tác lập kế hoạch thực hiện chương trình ở nhiều địa phương chưa kịp thời, nội dung chưa bảo đảm; có địa phương chưa lập kế hoạch thực hiện chương trình hằng năm.

Tập trung giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh A.B)

Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị các địa phương trong công tác tổ chức thực hiện cần rà soát các văn bản liên quan, có kiểm tra, giám sát thường xuyên trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Tạo điều kiện, hướng dẫn cho cơ sở trong từng danh mục cụ thể trong triển khai thực hiện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, yêu cầu ở các địa phương như A Lưới, Nam Đông được bố trí nguồn lực lớn thì phải bám cơ sở để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và có báo cáo theo từng nội dung cụ thể. Qua đó, có chế độ thông tin báo cáo trên phần mềm một cách chi tiết và cụ thể hóa bằng biểu mẫu. Các cơ quan chủ quản của các chương trình mục tiêu quốc gia phải tăng cường kiểm tra cơ sở thường xuyên, để có đánh giá cụ thể trong triển khai thực hiện.

Ông Bình cũng đề nghị các cơ quan chủ quản các chương trình MTQG và các địa phương tiến hành đánh giá kết quả, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 và xây dựng kế hoạch cho năm 2024.

Nâng cao đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau nhờ Chương trình MTQG 1719Nâng cao đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Cà Mau nhờ Chương trình MTQG 1719

SKĐS - Qua 3 năm thực hiện, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719) từng bước mang lại những lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Cà Mau.



PV
Ý kiến của bạn