Vì không có trong chương trình thi đấu tại SEA Games 27 nên đội tuyển thể dụng dụng cụ chỉ còn tham dự giải quốc tế cuối cùng là Toyota Cup diễn ra tại Nhật Bản trong tháng 12. Năm sau, các thành viên đội tuyển thể dục dụng cụ sẽ góp mặt tại Asiad 2014 và tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần 7. Dù vậy, giải VĐQG vừa kết thúc vào 28/10 vừa qua vẫn là cơ hội để đánh giá lại lực lượng TDDC Việt Nam.
Hà Nội dẫn đầu
Giải TDDC toàn quốc 2013 quy tụ gần 40 VĐV của chỉ 4 đơn vị gồm: Hà Nội, TP.HCM, Quân đội và Hải Phòng nhưng đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người hâm mộ và giới chuyên môn. Kết thúc giải đấu, ngôi đầu đã thuộc về Hà Nội với 6HCV.
Cô gái vàng của thể dục dụng cụ Việt Nam
Chỉ với duy nhất “ngôi sao” Phan Thị Hà Thanh, Hải Phòng vẫn tiếp tục duy trì vị trí của mình. Cụ thể là trừ nội dung đồng đội nữ thì tất cả các nội dung Hà Thanh góp mặt tại giải VĐQG, cô đều giành HCV. Rõ ràng, ngoài lứa trẻ là những VĐV mới trong độ tuổi 13 - 15 đã bắt đầu tham gia thi đấu ở giải toàn quốc thì tại các nội dung nữ (khi Ngân Thương giải nghệ), chưa ai là đối thủ tranh chấp đáng kể với Hà Thanh.
Tuy nhiên, nếu tình hình cứ tiếp tục như vậy thì TDDC Hải Phòng rất đáng lo ngại.
Lứa trẻ nỗ lực hết mình
Một minh chứng cụ thể là VĐV Vân Anh đứng vị trí thứ nhì chung kết đơn môn xà lệch nhưng chỉ đạt 11,500 điểm (trong khi ở vị trí đứng đầu, Hà Thanh đạt tới 12,400 điểm). Tại chung kết đơn cầu thăng bằng, Hà Thanh cũng mắc lỗi khi bị rơi xuống thảm trong khi biểu diễn nhưng cô vẫn đoạt chức vô địch với 12,667 điểm. Người đứng ở vị trí thứ nhì, Hải Yến (Hà Nội) chỉ đạt 10,100 điểm. Năm nay, Hà Thanh là VĐV giành HCV toàn năng nữ. Tuy nhiên, cả Hải Yến và Vân Anh đều được giới chuyên môn đánh giá tốt bởi các em còn rất trẻ, có sức bật và nỗ lực cao độ. Vân Anh chia sẻ: “Em và các bạn xem các chị Hà Thanh, Ngân Thương là những tấm gương để quyết tâm tập luyện, kiên trì hơn nữa. Ước mơ của em là tham dự ASIAD và nếu có thể sẽ là Olympic”.
Ở bài nhảy chống - nội dung sở trường, Hà Thanh đạt 14,567 điểm, giành HCV. Phía sau Thanh, lần lượt là Đỗ Thị Vân Anh và Đỗ Thị Thu Huyền (Hà Nội) đã cạnh tranh trực tiếp khá quyết liệt. Cả 2 đều sẽ phải phấn đấu rất nhiều để thu hẹp khoảng cách chuyên môn so với “đàn chị” của mình.
Phan Thị Hà Thanh cũng rất vui vì các VĐV trẻ nỗ lực để đạt được những thành công: “Thanh và các đồng đội vừa trở về sau một thời gian tập huấn tại Hungary và tham gia giải VĐTG ở Bỉ. Chúng tôi đều rất tập trung hoàn thành tốt bài thi ở giải quốc gia. Tôi tin rằng các VĐV trẻ sẽ có nhiều cơ hội và được quan tâm đầu tư hơn, sẽ giành được nhiều chiến thắng”.
Hà Thanh cũng cho biết, dù các cuộc đấu được xem như kiểm tra nội bộ giữa những tuyển thủ ở ĐTQG nhưng lại là kỳ sát hạch rất quan trọng để biết được năng lực từng VĐV để bản thân cô và đồng đội sẽ có chuẩn bị cho mục tiêu dài hơi là ASIAD 17 năm 2014 tại Hàn Quốc.
TP.Hồ Chí Minh: Nhiều gương mặt mới ấn tượng
Lê Thanh Tùng là gương mặt đáng chú ý ở giải năm nay bởi sau đàn anh Trương Minh Sang thì bây giờ, TDDC của TP.HCM mới có VĐV giành HCV toàn năng cá nhân nam. Lần gần nhất, Minh Sang đoạt HCV là năm 2010. Ngoài ra, Thanh Tùng còn giành HCV đơn môn xà đơn. Đây là VĐV đã tạo bất ngờ ở giải bởi trước khi tranh tài, ít ai nghĩ TDDC TP.HCM có thể chiếm vị trí cao nhất toàn năng cá nhân nam do rất nhiều gương mặt của Hà Nội như: Nguyễn Hà Thanh, Hoàng Cường, Phương Thành, Tuấn Đạt, Đức Phú, Hải Linh được đánh giá cao. Thế nhưng, may mắn đã góp phần làm nên thành công cho VĐV mới bước vào tuổi 18 này.
Thanh Tùng đạt 81,967 điểm để vượt qua Phương Thành và Hoàng Cường, mang về chiếc HCV toàn năng cá nhân nam đầy sáng giá.
Sau cái tên Thanh Tùng, nhóm nam gồm: Phương Thành, Hoàng Cường, Tuấn Đạt, Đặng Nam đã thể hiện rất tốt ở các bài chung kết đơn môn. HLV đội tuyển Hà Nội cho biết: “Hiện tại, họ đang là lớp VĐV trẻ đầy triển vọng của TDDC nam Việt Nam và trong sự chuẩn bị cao nhất cho ASIAD 17 vào năm sau, sự trở lại tới đây của Phước Hưng và Hà Thanh càng giúp đội nam có nhiều cơ hội đạt thành tích cao”.
Cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa
HLV Thanh Thúy cho rằng, để khỏa lấp sự hụt hẫng cho các VĐV TDDC Việt Nam khi không có cơ hội so tài ở Đại hội thể thao khu vực, trước khi SEA Games khởi tranh 1 tháng (tháng 11), Myanmar tổ chức giải vô địch TDDC Đông Nam Á. “Như vậy, việc không có trong chương trình thi đấu SEA Games thực chất cũng chẳng ảnh hưởng gì nếu xét tới góc độ chuyên môn. Mọi kế hoạch tập huấn, thi đấu vẫn được triển khai đúng theo lộ trình đã được hoạch định. Đương nhiên, không thể phủ nhận các VĐV phải chịu thiệt thòi do ít được quan tâm hơn”, HLV Thanh Thúy bày tỏ.
Bà Kim Lan - Trưởng bộ môn Thể dục - Tổng cục TDTT khẳng định: “Nhưng dù sao TDDC Việt Nam đã hoàn thành tốt các mục tiêu từ đầu năm tới giờ như chiến thắng tại Cúp thế giới (tháng 3), giải vô địch châu Á, giải vô địch thế giới (tháng 9), nỗ lực tập luyện để hoàn thiện khả năng chuyên môn để chuẩn bị cho ASIAD đang sắp tới rất gần”.
HLV Trương Minh Sang của đội TDDC nam cũng cho biết: “Chúng tôi vừa có mặt tại Croatia mới đây để dự giải Challenge. Hiện ở các giải quốc tế, nhà tổ chức đã đưa vào loại thảm đấu mới có độ nảy gia tăng và cũng tránh chấn thương hơn cho VĐV. Ở Việt Nam, chúng ta vẫn đang sử dụng thảm cho nội dung tự do đã quá cũ. Một trong những mục tiêu mà TDDC ở các nước phát triển luôn thay đổi trang thiết bị thi đấu chính là để tránh chấn thương tối đa cho VĐV. Chúng ta cũng biết, lãnh đạo ngành thể thao đều thấu hiểu sự khó khăn và thiếu thốn về trang thiết bị đối với môn TDDC ở Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả đều chờ mong trong những sự đầu tư mới ở tương lai, TDDC của đội tuyển sẽ có những bộ dụng cụ mới phù hợp hơn”.
Minh An
- Viêm loét dạ dày mạn tính, làm sao chữa khỏi
- Điểm mặt thuốc gây hại dạ dày
- Không dùng tôi cho bệnh nhân loét dạ dày
- Cẩn trọng khi dùng rabeprazole chữa trào ngược dạ dày
- Ợ nóng có phải bệnh dạ dày tái phát?
- Chữa viêm loét dạ dày bằng thảo dược bào chế công nghệ mới
- Chữa viêm loét dạ dày bằng thảo dược bào chế công nghệ mới
- Chữa viêm loét dạ dày bằng thảo dược bào chế công nghệ mới
- Viêm loét dạ dày
- Loại bỏ nguyên nhân viêm loét dạ dày, cách nào?