Tập trung các can thiệp dự phòng bệnh không lây nhiễm cho thanh thiếu niên

02-10-2023 11:31 | Y tế

SKĐS - Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 tập trung vào thanh thiếu niên với các can thiệp dự phòng các bệnh không lây nhiễm phổ biến như: Ung thư, tiểu đường, tim mạch, phổi mãn tính...

77% tổng số ca tử vong ở Việt Nam liên quan đến bệnh không lây nhiễm

Thanh niên ở Việt Nam, chiếm 21% trong tổng dân số đặc biệt dễ bị tổn thương, với những hành vi thường được hình thành trong những năm đi học dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong cuộc sống sau này. Thực tế này càng cho thấy nhu cầu cấp thiết về các sáng kiến như Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam.

Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng các bệnh không lây nhiễm chiếm 77% tổng số ca tử vong ở Việt Nam năm 2018, vì vậy các sáng kiến như Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên rất cần thiết. Thanh niên ở Việt Nam, chiếm khoảng 21% trong tổng dân số, đặc biệt dễ bị tổn thương, với những hành vi thường được hình thành trong những năm đi học dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong cuộc sống sau này.

WHO ước tính xác suất tử vong sớm (từ 30 đến 70 tuổi) do bệnh không lây nhiễm năm 2018 là 17% (23% nam, 11% nữ) ở Việt Nam, tương đương với mức 17% ước tính của năm 2014. Bệnh tim mạch và ung thư là những nguyên nhân phổ biến nhất gây tử vong liên quan đến bệnh không lây nhiễm, chiếm tỷ lệ tương ứng là 31% và 19%.

Tập trung các can thiệp dự phòng bệnh không lây nhiễm cho thanh thiếu niên - Ảnh 1.

Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam khởi động nhằm đảm bảo giới trẻ được nâng cao nhận thức về những hành vi nguy cơ và những biện pháp phòng tránh các bệnh không lây nhiễm.

Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại sự kiện khởi động Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 từ năm 2023-2025, tiếp tục tập trung vào sức khỏe của thanh thiếu niên và các can thiệp dự phòng các bệnh không lây nhiễm phổ biến như: ung thư, tiểu đường, tim mạch, phổi mãn tính.

Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 kéo dài trong ba năm nhằm góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt nhóm tuổi từ 10-24. Mục tiêu của Chương trình nhằm đảm bảo giới trẻ được nâng cao nhận thức về những hành vi nguy cơ và những biện pháp phòng tránh các bệnh không lây nhiễm để từ đó họ có năng lực để đưa ra những quyết định về vấn đề sức khỏe của bản thân trên nền tảng các dịch vụ y tế được cải thiện, hệ thống y tế và môi trường chính sách thuận lợi.

Chương trình cũng đặt mục tiêu sẽ cung cấp kiến thức kỹ năng liên quan đến dự phòng các bệnh không lây nhiễm trực tiếp cho khoảng 49.300 thanh thiếu niên Việt Nam trong 29 trường phổ thông và trường đại học. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin cho khoảng 300.000 người dân trong cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng...

Cần thiết can thiệp về dự phòng các hành vi nguy cơ dẫn đến mắc bệnh không lây nhiễm ở lứa tuổi thanh thiếu niên

Kết quả báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với WHO thực hiện vừa công bố đã góp phần cung cấp bằng chứng những hành vi, chỉ số ảnh hưởng đến sức khỏe của lứa tuổi học sinh. Theo báo cáo, so sánh kết quả điều tra năm 2013 và 2019 cho thấy:

  • Tỷ lệ học sinh ăn đồ ăn nhanh tăng cao hơn.
  • Tỷ lệ học sinh sử dụng các loại thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử mức khá cao.
  • Tỷ lệ học sinh thừa cân béo phì tăng lên.
  • Học sinh suy dinh dưỡng nhẹ cân giảm 50% nhưng học sinh thừa cân, béo phì tăng từ 5,8% lên 10,6% trong năm 2019.
  • Lần đầu tiên, khảo sát này đã đưa một chỉ số về học sinh tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử. Tính bình quân trên cả nước, tỉ lệ này là 2,6%, nhưng lại tăng lên 7,9% tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

"Điều này cho thấy những can thiệp về dự phòng các hành vi nguy cơ ở lứa tuổi thanh thiếu niên là vô cùng quan trọng"- các chuyên gia y tế nhấn mạnh.

Tập trung các can thiệp dự phòng bệnh không lây nhiễm cho thanh thiếu niên - Ảnh 2.

Quang cảnh của buổi lễ khởi động chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023 – 2025.

Thông tin tại lễ khởi động chương trình Sức khỏe Thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2 cũng cho hay: Bằng chứng chỉ ra rằng những hành vi không lành mạnh gây ra các bệnh không lây nhiễm, bao gồm ăn uống không lành mạnh, hút và hít phải khói thuốc, thiếu vận động thể chất, sử dụng rượu bia thường hình thành từ giai đoạn thanh thiếu niên.

Thực tế chỉ ra rằng hơn 1/2 những trường hợp tử vong liên quan đến các bệnh không lây nhiễm gắn với những hành vi, thói quen được hình thành hoặc củng cố ở lứa tuổi vị thành niên. Để tăng cường những đáp ứng đối với bệnh không lây nhiễm trên toàn thế giới, chúng ta cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến những năm đầu đời và đặc biệt ở lứa tuổi vị thành niên.

Căn bệnh được ví như "kẻ giết người số 1" khiến 200.000 người Việt tử vong mỗi nămCăn bệnh được ví như 'kẻ giết người số 1' khiến 200.000 người Việt tử vong mỗi năm

SKĐS - Theo thống kê số ca mắc bệnh tim mạch ở nước ta tăng trung bình khoảng 10-20% mỗi năm, cùng đó có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm khoảng 1/4 tổng số ca tử vong. Đây là bệnh lý gây tử vong nhiều nhất được ví như 'kẻ giết người số 1 thế giới' vượt số người mất vì ung thư.

Thái Bình
Ý kiến của bạn