Tập trận đa quốc gia, NATO phô bày lực lượng đe dọa Gấu Nga

13-06-2019 14:06 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của 8600 binh sĩ, 50 tàu chiến và tàu ngầm cùng 40 máy bay đến từ 18 quốc gia thành viên NATO. Cuộc tập trận diễn ra ngay tại biển Baltic – một nơi vốn là sân sau của Nga khiến Nga “đứng ngồi không yên”.

NATO vẫn theo đuổi tham vọng mở rộng sang phía Đông

Đây là cuộc tập trận hải quân hàng năm của NATO  với mục tiêu thể hiện năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa chung.  Cuộc tập trận năm nay kéo dài tới ngày 21/6, có tên gọi BALTOPS 2019 do quân đội Mỹ dẫn đầu, huy động  8600 binh sĩ, hàng chục máy bay, tàu chiến, tàu ngầm đến từ các nước Bỉ, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Latvia, Litva, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Vương quốc Anh, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Estonia, Phần Lan và Thụy Điển.

Theo nhận định của RT, cuộc tập trận BALTOPS 2019 diễn ra ở biển Baltic lần này là lớn nhất so với các cuộc tập trận đã được tổ chức từ 1971 đến nay.  Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho biết: “Biển Baltic có tầm quan trọng chiến lược đối với liên minh và có biên giới với 6 quốc gia NATO”. Bà Lungescu nhấn mạnh các cuộc tập trận "không nhằm vào bất kỳ ai", song thừa nhận "rõ ràng là tình hình an ninh trong khu vực đã trở nên tồi tệ hơn".

Mỹ đứng đầu trong cuộc tập trận hải quân của NATO ở khu vực Baltic

Bất chấp những cảnh báo từ Nga rằng việc tăng cường sự hiện diện của NATO ở Baltic đe dọa ổn định khu vực và cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng, nhưng NATO vẫn tiến hành liên tiếp các cuộc tập trận ở các nước vùng Baltic, ngay sát biên giới Nga. Điều này cho thấy tham vọng mở rộng sang phía Đông của NATO chưa bao giờ ngưng.  Liên minh quân sự lớn nhất thế giới này  vẫn đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới Nga như Ba Lan, Latvia, Lithuania, Estonia nhằm gây áp lực mạnh lên Nga. Cụ thể,  Mỹ dẫn đầu lực lượng tác chiến đa quốc gia đang đồn trú tại Ba Lan, đồng thời cùng Anh và Canada chỉ huy 3  đơn vị khác tại các nước vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania .

Thậm chí thông tin Tổng thống  mới của Ukraine  khẳng định,  gia nhập NATO là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ukraine  hay vào tháng 7 tới NATO và Ukraine sẽ có một cuộc tập trận chung  khiến Nga như “ngồi trên lửa”.

Quan hệ Nga NATO: “hồ sơ” về các vấn đề nóng  đang dầy lên

Cuộc tập trận của NATO diễn ra trong thời điểm quan hệ Nga NATO đang đối đầu gay gắt vì một loạt các vấn đề. Nhất là sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ Nga NATO có những lúc tưởng như đã cận kề một cuộc chiến.  Khi Nga tiến hành sáp nhập Crimea, không chỉ NATO mà cả Liên minh châu Âu (EU) cũng  tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Nga. Cho đến nay, Nga vẫn đang phải hứng chịu nhiều đòn trừng phạt phương Tây vì vấn đề Crimea hay Ukraine.

Nga cũng tung các chiến hạm có mang theo tên lửa  giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động cuộc tập trận của NATO.

Mới đây,  vụ máy bay Sukhoi Su 35 của Nga  và máy bay US P-8A Poseidon của quốc gia đứng đầu NATO là Mỹ  đụng độ nhau trên không phận quốc tế ở Địa Trung Hải hay vụ tàu chiến Nga Mỹ suýt đâm nhau ở biển Hoa Đông … cũng đủ khiến  quan hệ Nga NATO thêm phần căng thẳng.

Tuy nhiên Mỹ và NATO sẽ không dễ dàng tiến sát nước Nga  như vậy nếu không có sự cổ vũ  của một loạt các nước khu vực Baltic. Nhìn về bài học Crimea, các nước Đông Âu không ngừng lo lắng, họ lo sợ sẽ  trở thành một điểm đến khác của Nga. Cách duy nhất là kêu gọi sự hỗ trợ từ NATO và Mỹ.  Thậm chí Ba Lan còn đề nghị Mỹ triển khai quân và vũ khí đến lãnh thổ của mình, nhưng đưa quân Mỹ đến khu vực vốn là sân sau của Nga là điều “Gấu Nga”  không muốn.

Để đối phó với cuộc tập trận đa quốc gia của NATO, Nga đã tung lực lượng là các chiến hạm có mang theo tên lửa  giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động cuộc tập trận của NATO.  Một động thái mạnh nhất đến từ nước Nga là nước này sẽ tiến hành tập trận chiến thuật Slavic Brotherhood-2019  giữa 3 nước Nga , Beralus và Serbia , đây sẽ là “lời hồi đáp” của Nga trước  cuộc tập trận  của NATO.

Tuy nhiên Nga cũng có lý lẽ riêng, bởi theo Dự luật Nga-NATO, liên minh quân sự này không được triển khai một số lượng binh lính trên lãnh thổ quốc gia thành viên NATO nằm sát Nga. Những động thái gần đây của NATO đang đi ngược lại với những cam kết của họ ở trong quá khứ, đã đẩy quan hệ Nga NATO ngày càng cách xa nhau.


Hải Yến
Ý kiến của bạn